Chọn ngành theo cảm tính, làm sao học sinh tự cứu mình?

27/08/2015 09:28
Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn
(GDVN) - Áp lực càng lớn đã khiến việc quyết định chọn ngành của học sinh càng theo cảm tính và theo xu thế đám đông.

LTS: Đợt tuyển sinh thứ nhất vừa khép lại cùng bao nhiêu chuyện bi hài, não nề, lo lắng, rắc rối, áp lực cho không ít phụ huynh, học sinh lẫn cả các trường đại học. Từ cha mẹ, học sinh, người thân đến cả dòng họ đều vật vã để chọn nghề theo quan điểm riêng của mình. 

Con trẻ bỏ ăn, cha mẹ bỏ làm ngồi canh máy tính, thấp thỏm như cả nhà cùng chơi chứng khoán. Tất cả xuất phát từ một phần do ngộ nhận về sức học, điểm số kỳ mà vọng?

Hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn, một chuyên gia Tâm lý học (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) có bài viết của mình nhìn nhận về hậu kỳ xét tuyển vừa qua, dưới góc nhìn cá nhân, quan điểm cá nhân.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Áp lực càng lớn đã khiến việc quyết định chọn ngành của học sinh càng theo cảm tính và theo xu thế đám đông. 

Tạm gác lại những bình luận chê và phê, bài viết tập trung chia sẻ một góc nhìn từ phía phụ huynh và học sinh đưa ra một lựa chọn phù hợp trong giai đoạn tuyển sinh tiếp theo:

Sở thích ngành học ví như đôi cánh thiên thần giúp học sinh chọn ngành khi thực sự biết mình muốn gì. Nó quan trọng không chỉ tạo cho bạn hứng thú, động lực mà còn giúp cho bạn hiểu hết những thách thức từ những môn học. 

Số thí sinh điểm cao nộp vào ngành Y đa khoa hay ngành hot sẽ chạy toán loạn sang những trường khác khi điểm tuyển tăng lên. Có phải chăng các em chưa biết tự lựa sức mình, không cân nhắc kỹ mà nộp hồ sơ bằng mọi giá để tìm được trường đậu. 

Khối A chuyển sang ngành khối D, tâm lý đỗ bằng được đã tạo cho chúng ta tâm lý lúng túng, hoang mang! Vậy phụ huynh và học sinh đã lựa chọn đúng theo sở thích?

Năng lực học là một trong các yếu tố quyết định đến hiệu quả học tập. Học sinh đạt vào trường top rồi, liệu có thể nuốt trôi được những môn học trái sở trường? Khi bạn lựa chọn chuyên ngành không hợp sức, ắt sẽ phải đánh vật với những con số, bài luận. 

Trong khi năng lực học tập của bạn lại thiên về môn học xã hội và tư duy sáng tạo lại bị ngủ quên. Vậy năng lực học thuật quan trọng hơn là cảm tính chọn trường top trên? Bạn tự đánh mất cơ hội thành công khi chưa trả lời được câu hỏi “Ai cũng thông minh và bạn thông minh theo cách nào trước khi quyết định chọn ngành học?”.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Tài năng là những điểm ưu trội, những điểm mạnh mà sinh ra mỗi người mỗi khác. Nó giống như bàn tay năm ngón không thể đều nhau. Nhiều gia đình cân nhắc chọn ngành học đúng sở trường hay cố theo kỳ vọng để cơ hội đỗ mong manh. 

Ví như học sinh khối A đạt 27 điểm nhưng liệu có chắc chắn thành công khi làm bác sĩ. Bởi một bác sĩ không chỉ ở tấm bằng mà cần một kiến thức chuyên sâu. Bạn sẽ làm gì với bệnh nhân đau đớn trong khi chuyên môn của bạn thực sự chưa vững. 

Một kỹ sư không có tài năng và chưa đủ năng lực chuyên môn đồng nghĩa sẽ xây những cây cầu nứt, những ngôi nhà không đạt chuẩn. Vậy các bậc phụ huynh có lựa chọn ngành dựa vào tài năng hay điểm số con mình đạt được. Đó cũng chính là nguyên nhân 85% học sinh tốt nghiệp đều làm trái ngành để sau 6 tháng lại nhập vào đội quân thất nghiệp.

Phẩm chất cần cho mỗi ngành học: Ngoài giá trị năng lực học tập, tài năng và kỹ năng bạn cần cân nhắc tính cách của bạn có phù hợp với ngành đó hay không? 

Liệu bạn có thể làm việc một mình mà không có đồng nghiệp? Liệu bạn có thể kinh doanh mà không có sự phối kết hợp các phòng ban? Trong khi bạn tính cách hướng nội hợp với nghiên cứu hoặc công việc văn phòng thì khó có thể thành công khi thì không hợp với ngành quản trị kinh doanh. 

Thích hoạt động xã hội lại làm chọn kế toán, kiểm toán. Hãy tự đánh giá xem bạn thực sự phù hợp với môi trường làm việc nào.

Thêm vào đó là những yếu tố như phân luồng và quản lý thông tin rõ ràng của bộ và nhà trường chưa tư vấn giúp học sinh tự đánh giá trị bản thân, năng lực học tập, tài năng phù hợp với ngành học thì chắc không có chuyện bị hài đã xảy ra. 

Mục tiêu cho bạn trong đợt tuyển tiếp theo khi điểm không đạt chuẩn trường top, hãy lui về cùng ngành ở các trường top dưới. 

Nếu phụ huynh và học sinh có được thông tin đầy đủ, tiêu chí chọn lựa rõ ràng chắc họ sẽ đưa ra sự chọn phù hợp để tránh tâm lý hoang mang, lãng phí thời gian và tiền bạc. Đó cũng là những việc phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Sơn