“Bỏ hình phạt tử hình ở nhiều tội danh càng tốt”
Hôm 26/8, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nội dung trò chuyện với các Đại biểu Quốc hội, bên lề hội nghị Đại biểu chuyên trách, thảo luận Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trên 22 tội danh có hình phạt tử hình trong quy định hiện hành.
Nhiều ý kiến đồng tình với phương án trên, đồng thời đề nghị cần tiến tới bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh khác (giết người, vận chuyển ma túy…).
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cá nhân ông muốn có thêm nhiều tội danh không áp dụng án tử hình.
“Thế giới họ tôn trọng quyền sống của con người. Do đó, rất nhiều quốc gia đã bỏ án tử hình. Thay vào đó chỉ cần áp dụng các biện pháp nhằm răn đe, giáo dục là đủ.
Giáo dục, cảm hóa không đồng nghĩa với việc áp dụng biện pháp trừng trị tử hình. Nếu áp dụng biện pháp tử hình đối với những người phạm tội theo quy định, thì việc giáo dục, cảm hóa cá nhân những người bị tước đoạt mạng sống sẽ không còn tác dụng.
Do vậy yếu tố trừng trị (tử hình) nên đặt ở vị trí thứ hai.
Cá nhân tôi cũng cho rằng, làm cách nào đó để đừng phải tước đoạt mạng sống của người khác là cách tốt nhất”, Đại biểu Lê Nam nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Lê Nam (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN |
Theo Đại biểu Lê Nam, cũng nên bỏ tử hình khi đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy...
“Đối với những người dân nhận thức kém, ở vùng sâu, vùng xa, người ta phạm tội nhưng vì một tư duy đơn giản nào đó mà tử hình nhiều người, thì có mà xử bắn hết à?
Nếu cứ quy định như hiện nay thì bắn nhiều lắm. Điều này có lẽ không còn dừng lại ở việc thi hành án nữa mà trở thành “thảm sát”?
Từ những phân tích trên, Đại biểu Lê Nam cho rằng, dù tước đoạt mạng sống của người khác vì bất cứ lý do nào đều không tốt. Đồng thời nên bỏ án tử hình đối với nhiều tội danh.
“Ở một đất nước có truyền thống nhân văn, nhân ái như chúng ta, tại sao lại xử tử hình nhiều người như thế? Nếu như vậy, chúng ta sẽ đánh giá mình như thế nào?
Tuy nhiên đối với những đối tượng phạm tội đặc biệt
Dự thảo Bộ luật hình sự đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh gồm các tội: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy. |
nghiêm trọng (giết người), mới cần áp dụng biện pháp tử hình. Nhưng nên áp dụng ở một số trường hợp, rất hẹp thôi”, Đại biểu Lê Nam nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Độ ( đoàn An Giang) cho rằng, ngoài 7 tội danh đề xuất còn có thể bỏ thêm hình phạt tử hình ở nhiều tội hơn vì thực tế nhiều tội không áp dụng hình phạt này bao giờ và tính răn đe không cao.
Do vậy, mục đích của hình phạt không nên quá đặt nặng trừng trị.
“Tôi đã nghiên cứu về hình sự, về hình phạt tử hình hàng chục năm nay, bản thân nhận thấy rằng, không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm.
Nếu áp dụng tử hình mà giảm tội phạm thì tôi ủng hộ. Trên thực tế, tác dụng răn đe của hình phạt này không nhiều”, Đại biểu Độ nêu quan điểm.
Đại biểu Độ nêu dẫn chứng: Khi xét xử vụ án một bị cáo giết người có khung
"Tội phạm tham nhũng cứ bắt, nhốt hết vào lồng cho vợ con nuôi" |
hình phạt cao nhất là tử hình, tòa hỏi bị cáo có biết phạm tội sẽ bị tử hình hay không? Bị cáo trả lời khi ấy bức xúc quá thì phạm tội chứ chẳng nghĩ gì đến hình phạt".
Hay ở một số tội phạm ma túy, tòa hỏi tại sao phạm tội, bị cáo trả lời vận chuyển 100g ma túy chúng tôi đã bị tử hình rồi thì hàng ký, hàng chục ký cũng tử hình cả".
"Ngoài 75 tuổi vẫn phạm tội nghiêm trọng, làm sao bỏ tử hình được”
Bên cạnh đó, vẫn còn có ý kiến băn khoăn, cho rằng nếu bỏ hình phạt tử hình ở nhiều tội danh sẽ không có tác dụng răn đe với tội phạm.
Trái ngược với các quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc bỏ nhiều án tử hình trong xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp.
“Việc bỏ án tử hình phụ thuộc vào nhiều yếu tố (trình độ xã hội…). Ở Mỹ, có bang người ta bỏ án tử, có bang thì không.
Nhưng đối với xã hội Việt Nam, việc bỏ án tử hình trong thời điểm này là chưa cần thiết, không đủ sức răn đe tội phạm”, Đại biểu Thuyền nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Infonet |
Cũng theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: “Nếu trường hợp, đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (giết người), gây ảnh hưởng tới xã hội mà không áp dụng biện pháp tử hình, thay bằng cảm hóa, giáo dục, thì không ổn.
Bởi lẽ nhân đạo với kẻ phạm tội là vô nhân đạo với xã hội. Xã hội sẽ nhìn chúng ta như thế nào nếu quá nhân đạo với kẻ ác", Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền kiên quyết.
Cũng theo Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh cũng như quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Về vấn đề này Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cần duy trì án tử hình đối với các trường hợp phạm tội nêu trên mới đủ tính răn đe.
“Người ta ngoài 75 tuổi vẫn là "trùm" buôn bán ma túy, hoặc phạm tội hiếp dâm, gây hậu quả đặc biệt thì sao? Bây giờ nói không áp dụng hình phạt cao nhất là không ổn...”.