Xe băng chuyền va chạm máy bay: Hệ lụy của sự thiếu chuyên nghiệp

28/08/2015 11:19
Mai Anh
(GDVN) - Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trước sự cố xe băng chuyền va chạm hầm hàng máy bay China Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng ngày 27/8.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sáng 27/8, xe chở băng chuyền để đưa hành lý lên máy bay (thuộc Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất - TIAGS) đã đụng vào cửa hầm hàng của máy bay China Airlines (Đài Loan) chuẩn bị cất cánh. 

Va chạm không gây thiệt hại về người song gây hư hỏng máy bay khiến chuyến bay bị hủy.

Ngay sau sự cố, hãng hàng không China Airlines đã điều máy bay khác sang Tân Sơn Nhất để chở hành khách đồng thời tổ kỹ thuật hàng không của China Airlines cũng có mặt để kiểm tra khắc phục sự cố.

Máy bay Hãng hàng không China Airlines (ảnh nguồn China Airrlines).
Máy bay Hãng hàng không China Airlines (ảnh nguồn China Airrlines).

Hiện những hư hỏng thiệt hại đối với máy bay China Airlines đang được hãng hàng không và các bên xem xét đánh giá nhằm có hướng khắc phục, xử lý.

Dưới góc độ chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng: “Qua nhiều sự cố, đặc biệt với trường hợp va chạm hy hữu này cho thấy hệ lụy của hệ thống quản lý hàng không kém, phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, cầu thả".

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, hư hại máy bay của China Airlines phải có đánh giá cụ thể nhưng chắc chắn việc hãng phải hủy chuyến bay và cử đội ngũ kỹ thuật sang Tân Sơn Nhất để kiểm tra chứng tỏ va chạm mạnh. 

“Việc va chạm không chỉ ảnh hưởng mặt ngoài, nếu va chạm mạnh sẽ tác động kết cấu trong hầm hàng máy bay”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Xe băng chuyền vận chuyển hành lý (ảnh VNE)
Xe băng chuyền vận chuyển hành lý (ảnh VNE)

Phân tích rõ hơn, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, sự cố thể hiện sự bất cẩn của tài xế điều khiển xe băng chuyền bởi trong sân bay, đường di chuyển các phương tiện được kẻ vẽ rất rõ ràng. 

“Việc xe băng chuyền chở hành lý va chạm hầm hàng máy bay China Airlines cho thấy, có thể người điều khiển xe băng chuyền chạy quá nhanh, khi đến gần máy bay đã không kịp phanh để chuyển hướng dẫn đến va chạm”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt giả thiết.

Từ bất cẩn của lái xe băng chuyền, ở góc nhìn rộng hơn PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng những sự cố liên quan đến công ty vận chuyển mặt đất đang làm ảnh hưởng xấu hình ảnh hàng không Việt Nam. 

“Sau những thông tin hành khách bị mất trộm đồ trong hành lý ký gửi, nhân viên sân bay bị bắt vì hành vi trộm cắp... thì việc xe băng chuyền va chạm với máy bay sẽ ảnh hưởng đến tâm lý hành khách. Những sự cố kể trên bắt nguồn từ hệ thống quản lý chưa chuyên nghiệp, chưa đồng bộ trong đó có vấn đề đào tạo nguồn nhân sự", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Theo ông Tống dù có xây dựng thêm sân bay, mở rộng thêm đường băng nhưng nếu những yếu kém trên vẫn tồn tại cũng không nâng tầm của hãng không Việt Nam lên được.

Xe băng chuyền gây ra vụ va chạm với máy bay China Airlines thuộc Xí nghiệp Thương mại Mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS). Đây là Công ty con của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. TIAGS được thành lập năm 1993, là doanh nghiệp dẫn đầu trong thị trường Dịch vụ mặt đất tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Liên quan đến sự cố xảy ra với máy bay Airbus 321 của hãng Vietnam Airlines tại sân bay Phú Quốc khi đang ra đường lăn, chuẩn bị bay về Tân Sơn Nhất (TP HCM) thì mất điện khiến hành khách ngồi trên máy bay lo lắng.

Cụ thể, khi máy bay được đẩy ra ngoài đường lăn, chuẩn bị khởi động động cơ chính thì động cơ phụ tắt, không nạp điện được. Cơ trưởng yêu cầu kéo máy bay vào để mặt đất cấp điện.

Đứng góc nhìn chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết: Hệ thống cấp điện giúp đốt cháy nhiên liệu để động cơ khởi động cất cánh trong máy bay cũng giống như việc ắc quy phương tiện ô tô, xe máy cấp điện khởi động.

"Về mô hình hoạt động tượng tự nhau, chỉ có điều trên máy bay mọi thứ được tính toán chi tiết hơn, cẩn trọng hơn, tuyệt đối an toàn", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Theo ông Tống sự cố trên không ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay mà chỉ ảnh hưởng khi máy bay thực hiện cất cánh. Tuy nhiên sự cố này đáng nhẽ phải được kiểm tra, phát hiện và xử lý trước khi chuyến bay cất cánh để tránh ảnh hưởng đến lịch trình bay

Mai Anh