Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 2 tháng 9 dẫn mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 1 tháng 9 đưa tin, những nỗ lực của Việt Nam trên phương diện tiến hành hiện đại hóa quân đội của mình đã gặp phải nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề nan giải trong hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước phương Tây.
Các trang mạng trên tự nhận định một cách chủ quan và không có căn cứ rằng nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực tài chính hạn chế, "tiến bộ về nhân quyền" chậm và Đảng Cộng sản nắm vị thế lãnh đạo tuyệt đối.
Đồng thời, quan hệ căng thẳng với Trung Quốc không ngừng gia tăng, buộc Việt Nam cấp bách giải quyết vấn đề nan giải là tăng cường năng lực quốc phòng.
Các trang mạng trên tiếp tục cho rằng: Sau khi ngụy quân ngụy quyền – tay sai của quân xâm lược Mỹ bị lật đổ vào năm 1975, Việt Nam chủ yếu dựa vào vũ khí trang bị của Liên Xô/Nga, bao gồm máy bay chiến đấu và 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo hiện đại được mua sắm gần đây.
Nhà phân tích quân sự Mỹ Richard Bitzinger cho rằng, Việt Nam có rất nhiều vũ khí và trang bị quân sự của thập niên 70 - 80 thế kỷ trước, hiện nay buộc phải tiến hành hiện đại hóa quân đội của mình.
Tàu ngầm thông thường HQ-182 Hà Nội và HQ-183 Tp. Hồ Chí Minh của Hải quân Việt Nam |
Trong thời gian Việt Nam tham chiến ở Campuchia năm 1978 và chống Trung Quốc xâm lược miền bắc năm 1979, chất lượng vũ khí trang bị của Việt Nam khi đó còn không tồi, nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Việt Nam chỉ có thể mua lượng nhỏ vũ khí Nga với giá cả thích hợp.
Trong điều kiện này, hiện nay, Mỹ đề nghị triển khai hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ quan hệ đối tác Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Washington tuyên bố cung cấp viện trợ 18 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm tàu tuần tra.
Chuyên gia Australia Carle Thayer cho rằng, 18 triệu USD là một khoản tiền viện trợ rất nhỏ, nhưng trong tương lai có xu thế tăng viện trợ. Hiện nay đã rõ, ngoài nhà cung ứng truyền thống Nga, Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội mua sắm máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra trên biển và máy bay không người lái của các nước khác.
Mặc dù khả năng Việt Nam nhận được máy bay chiến đấu của Mỹ là rất nhỏ, nhưng trên phương diện máy bay tuần tra trên biển, máy bay không người lái và tàu tuần tra, Hà Nội có thể trông đợi vào hợp tác với Mỹ.
Việt Nam đã sản xuất được tàu tên lửa lớp Molniya |
Công nghiệp quốc phòng của Việt Nam hiện nay có năng lực sản xuất nhất định, có thể tổ chức sản xuất lượng nhỏ máy bay tuần tra theo giấy phép cho lực lượng đường không Hải quân, đồng thời còn có năng lực chế tạo tàu chiến hạng nhẹ.
Chẳng hạn, Việt Nam chế tạo tàu tên lửa Type 12418 lớp Molniya theo giấy phép của Nga.