Ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Giang Trạch Dân trên lễ đài duyệt binh tại Thiên An Môn ngày hôm qua. |
Tạp chí Nikkei Asia Review ngày 4/9 bình luận, sự xuất hiện của Giang Trạch Dân trên Thiên An Môn tham dự duyệt binh ngày hôm qua cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực trên bầu trời chính trị Trung Nam Hải sẽ vẫn tiếp tục. Dù tuổi cao khiến lợi thế của Giang Trạch Dân không còn được như trước, nhưng ảnh hưởng của nhà lãnh đạo này vẫn khiến cho ai đó không thể "cợt nhả" với ông.
Đã có nhiều tiếng xôn xao khi người ta thấy Giang Trạch Dân bước lên lễ đài duyệt binh cùng với Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào. Cuộc thập tự chinh chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" mà ông Bình phát động đã xử lý thành công cựu Trưởng ban Chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang và 2 Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, những phụ tá đắc lực của Giang Trạch Dân.
Không giống như các nguyên lão tiền triều khác, Giang Trạch Dân đã không xuất hiện tại đám tang một số cựu lãnh đạo cấp cao năm nay mà gửi vòng hoa viếng bất chấp cơn bão tin đồn về ông.
Một bài xã luận trên tờ Nhân Dân nhật báo gần đây đã gây chú ý khi nó rõ ràng chỉ trích Giang Trạch Dân cố tình kéo dài quyền lực khi đã nghỉ hưu. Bài báo này khiến một số người suy đoán Giang Trạch Dân sẽ vắng mặt tại buổi duyệt binh 3/9 vì "tai nạn hay bệnh tật". Nhưng với sự xuất hiện trên Thiên An Môn hôm Thứ Năm, Giang Trạch Dân đã tỏ ra khá năng động khi đứng bên Tập Cận Bình, ông Bình cũng nói chuyện và nở nụ cười tươi với người tiền nhiệm.
Tập trung thâu tóm quyền lực trong tay Tập Cận Bình đã được thể hiện rõ trong việc truyền hình trực tiếp cuộc duyệt binh 3/9 của đài truyền hình trung ương CCTV. Đài này đã cắt các cảnh quay Tập Cận Bình nói chuyện với Giang Trạch Dân, mà chỉ quay ông đang đứng 1 mình theo dõi duyệt binh hoặc quy sang nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng bên phải ông.
Cuộc chiến phía sau hậu trường giữa Tập Cận Bình với "trưởng lão tiền nhiệm" có thể vẫn còn tiếp tục. Mặc dù tuổi cao có thể khiến Giang Trạch Dân bất lợi ít nhiều, nhưng ảnh hưởng của ông trong giới kinh tế Trung Quốc là "không thể cợt nhả". Triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc và vụ nổ ở Thiên Tân tháng trước là một trong những yếu tố có thể định hình cuộc đấu tranh quyền lực này.
Còn hai năm nữa để dẫn đến những thay đổi tiếp theo trong Thường vụ Bộ chính trị năm 2017, điều gì sẽ xảy ra vẫn còn là một câu hỏi mở, Nikkei Asia Review bình luận. Giới phân tích người Hoa cũng có những nhận xét khác nhau xung quanh sự xuất hiện này của Giang Trạch Dân. The Epoch Times ngày 4/9 bình luận, động thái này cho thấy cuộc đấu tranh nội bộ đã không được giải quyết và ông Giang Trạch Dân vẫn khá an toàn.
Chen Pokong, một nhà bình luận về chính trị Trung Quốc nói với The Epoch Times, sự hiện diện của Giang Trạch Dân có nghĩa là "cấu hình chính trị hiện nay không thay đổi", các "trưởng lão" vẫn sống chung một mái nhà với các quan chức đương nhiệm, cuộc chiến này sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên Chen Pokong lưu ý, việc Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng xuất hiện trong lễ duyệt binh không có nghĩa là 2 ông không nằm trong "tầm ngắm".
Tân Tử Lăng, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Học viện Quốc phòng Trung Quốc nghỉ hưu với hàm Đại tá đã nói với The Epoch Times: "Tập Cận Bình đã phải cân nhắc khi cho phép Giang Trạch Dân xuất hiện trong cuộc duyệt binh. Cơ chế tổng thể không có gì thay đổi, không co gì về Giang Trạch Dân được công bố công khai. Tuy nhiên sự xuất hiện của Giang Trạch Dân không có nghĩa là ông ta được đưa ra khỏi tầm ngắm".