Giáo dục cần Tổng công trình sư hay Tư lệnh?

05/09/2015 06:26
Xuân Dương
(GDVN) - Không có một đội ngũ giáo viên khác về chất so với hiện tại không thể đổi mới giáo dục, có phải đây là điều hiển nhiên không cần tranh luận?

Ngày 26/5/2014 Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 764/QĐ-TTg “Về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo”.

Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch. 

Ủy ban có 15 ủy viên (2 ủy viên thường trực) và Tổng thư ký. Thành phần Ủy ban có tới 7 Bộ trưởng, 1 Thứ trưởng (Y tế), 3 Tổng giám đốc và đại diện một số ban ngành Đảng và Quốc hội.

Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo có vai trò như cơ quan tham mưu cho Thủ tướng  bởi nhiệm vụ đã được quy định cho Ủy ban là: “tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành…”.

Giáo dục cần Tổng công trình sư hay Tư lệnh? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Giáo dục cần Tổng công trình sư hay Tư lệnh? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong quân sự, vai trò của cơ quan tham mưu và Tổng tham mưu trưởng là vô cùng quan trọng. Các Tư lệnh không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào khi chưa tham khảo ý kiến ban tham mưu.

Bộ trưởng Quốc phòng có thể không phải là tướng nhưng các Tham mưu trưởng đều là quân nhân chuyên nghiệp và là những người am hiểu nhất lĩnh vực mình phụ trách. 

Nhận rõ những bất cập trong việc phối hợp các lực lượng tham chiến (lục quân, hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ…) trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, năm 1947 Hoa Kỳ ban hành Luật An ninh Quốc gia, trong đó quy định việc thành lập  Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ. Tổng Tham mưu trưởng liên quân là sĩ quan có cấp bậc cao nhất trong quân đội và được quy định là tham mưu trưởng cho Tổng thống.

Tóm lược vài nét về quân sự để dẫn tới câu hỏi, ngành Giáo dục Việt Nam bước vào “trận đánh lớn” có tên “Đổi mới giáo dục” có bộ Tổng tham mưu hay không, có Tham mưu trưởng từng “binh chủng” hay không? Câu trả lời là có nhưng hình như vừa thừa vừa thiếu.

Có thể thấy ít có một ủy ban quốc gia nào tập hợp một đội ngũ lãnh đạo đông đảo như Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo. Nhiệm vụ của ban tham mưu đổi mới giáo dục là phải trả lời được hai câu hỏi: “Đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào?”.

Giáo dục cần Tổng công trình sư hay Tư lệnh? ảnh 2

Ai sẽ đổi mới giáo dục?

(GDVN) - Chỉ có cải cách giáo dục, giải phóng tư duy thì mới có cơ hội rút ngắn được khoảng cách với các nước.

Nói cách khác phải xác định được mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục Việt Nam là gì?

Giáo dục phụ thuộc, hay liên quan đến những lĩnh vực nào? Nếu thiếu sự đóng góp của lĩnh vực đó thì đổi mới giáo dục có thể thành công hay không?

Với câu hỏi đổi mới cái gì, phải xuất phát từ mục tiêu “công dân Việt Nam tương lai phải được trang bị những kiến thức gì, đó có phải là những con người năng động, được đào tạo một cách chuyên nghiệp, biết làm chủ bản thân, có kỹ năng sống, biết làm việc theo nhóm, có khát vọng cống hiến cho tổ quốc, dân tộc và có đủ thể lực cần thiết” hay chỉ là những con người thụ động bảo sao nghe vậy?

Chỉ sau khi đã xác định được mục tiêu đổi mới thì mới đến bước tiếp theo là trình tự các bước tiến hành, chẳng hạn ưu tiên số một là hệ thống lại các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục, dạy nghề; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên các cấp; phân luồng đào tạo; biên soạn sách giáo khoa; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, dạy nghề… 

Những vấn đề nêu trên chỉ mới là phác họa mấy nét sơ lược với mục đích dẫn tới câu hỏi: “Bao nhiêu thành viên Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo có thể trả lời chính xác, khoa học các câu hỏi về đổi mới giáo dục giúp Thủ tướng ban hành các quyết định kịp thời, hợp lý?” 

Thành phần Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo rõ ràng là có thể hoàn thành tốt một phần của nhiệm vụ đề ra, đó là  “giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hành, phối hợp, giải quyết những công việc quan trọng” trong khi phần được đặt hàng đầu trong nhiệm vụ của Ủy ban và quan trọng nhất là “nghiên cứu” thì lực lượng lại quá mỏng bởi chỉ có một đại diện duy nhất là Bộ GD&ĐT. 

Tuy có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhưng đây không phải là các cơ quan chuyên sâu về giáo dục.

Sẽ không sai khi cho rằng, nếu không phải là các chuyên gia giáo dục, nếu không phải là những người đã gắn bó nhiều năm trên cương vị lãnh đạo ngành Giáo dục, thật khó để họ có thể “nghiên cứu” toàn diện về giáo dục. 

Yêu cầu một thành viên Ủy ban không am hiểu nhiều về giáo dục đưa ra chiến lược đổi mới giáo dục rõ ràng là làm khó cho thành viên đó, nếu họ đưa ra những đề xuất liệu  có chắc chắn phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam?

Trên toàn thế giới, chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế một công trình phải là Tổng công trình sư chứ không phải là Tư lệnh hay Bộ trưởng. 

Sẽ là tốt hơn nếu Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo có sự tham gia của năm đơn vị: Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Có thể thấy năm đơn vị này chính là nơi tập trung những chuyên gia ưu tú nhất, có kinh nghiệm nhất về giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thiếu những chuyên gia này thật khó để nói các vị Bộ trưởng, các vị Tổng giám đốc có thể “nghiên cứu” lĩnh vực giáo dục để đưa ra các khuyến nghị đúng đắn cho Thủ tướng. 

Cần phải nhấn mạnh một điều, rằng đôi khi chúng ta có sự đánh đồng giữa người “lãnh đạo” và người “nghiên cứu”. Đã có nhiều ý kiến về công tác cán bộ, cứ đề bạt một người là họ nghiễm nhiên thành lãnh đạo trong khi chưa chắc người đó có đủ kinh nghiệm và năng lực làm lãnh đạo. 

Sẽ càng sai lầm nếu cho rằng một nhà khoa học giỏi luôn có thể là nhà quản lý giỏi và ngược lại. Đưa người giỏi nghiên cứu sang làm lãnh đạo hoặc đưa người giỏi lãnh đạo sang làm nghiên cứu đều là duy ý chí, đều khó có thể thành công nếu không muốn nói là có nguy cơ thất bại.

Lãnh đạo ở tầm vĩ mô phải là người am hiểu về quản lý nhà nước, quản lý con người, là người biết sử dụng những người tài đúng lúc, đúng chỗ,… Trong khi lãnh đạo về chuyên môn thì bắt buộc phải là người có hiểu biết nhất định lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách. Ngược lại người nghiên cứu là người chuyên tâm về lĩnh vực khoa học, học thuật, họ không cần giỏi kỹ năng quản lý. 

Vì Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo  là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng nên Bộ GD&ĐT sẽ đóng vai trò “cơ cấu chấp hành”, nó giống như bộ tư lệnh chiến trường, là nơi sẽ thực hiện các quyết định của Tư lệnh sau khi tham khảo ý kiến tham mưu.

Vậy Bộ GD&ĐT có đủ năng lực thực hiện các quyết sách mà Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo  đã hoặc sẽ ban hành? Trả lời một cách khách quan câu hỏi này phải cân nhắc trên nhiều yếu tố:

Yếu tố đầu tiên là con người tức là đội ngũ cán bộ lãnh đạo giáo dục địa phương, và cơ quan Bộ GD&ĐT. Bài viết này xin chưa đề cập đến đội ngũ cán bộ địa phương.

Như đã nêu trong Nghị quyết Hội nghị TƯ4 khóa 11 (NQ4): “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”... 

Trong nhận định của Trung ương, chắc chắn Giáo dục không phải là ngoại lệ, trong ngành Giáo dục, chắc chắn cơ quan Bộ không phải là ngoại lệ. Vậy kể từ khi có NQ4, lãnh đạo bộ đã tìm  được bao nhiêu người thuộc “bộ phận không nhỏ”?

Giáo dục cần Tổng công trình sư hay Tư lệnh? ảnh 3

Đổi mới Chương trình- Sách giáo khoa: Bộ làm nhiều sách, thầy có quyền chọn

(GDVN) - Cải tiến, thay đổi chương trình, sách giáo khoa là một việc hệ trọng, có ảnh hưởng, tác động lớn đến mục tiêu giáo dục, chất lượng dạy học của thầy và trò.

Bao nhiêu người trong bộ phận đó đang tham gia quá trình đổi mới giáo dục? Giao cho những người “tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục có phải cũng là “tùy tiện, vô nguyên tắc” hay không?

Nhiều bài báo đã chỉ đích danh các đơn vị và cá nhân thuộc cơ quan Bộ GD&ĐT vi phạm quy định của Bộ và pháp luật nhà nước, bao nhiêu người trong số đó đã bị kỷ luật hay hình thức duy nhất mà Bộ ban hành là “nghỉ hưu đúng hạn?”. Về điều này, người viết có khá nhiều tư liệu có thể trao đổi nếu lãnh đạo Bộ có nhu cầu.

Có ý kiến một nhà báo cho rằng “Hãy cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thêm thời gian, thêm một sự thông cảm để ông dũng cảm bước tiếp con đường biết chắc là còn nhiều chông gai…”. 

Người viết cho rằng đó là một ý kiến phù hợp với truyền thống nhân văn của dân tộc nhưng lại cảm thấy phân vân, ấy là không biết bản thân Bộ trưởng có cần thêm thời gian không và nếu cần thì cần bao nhiêu, năm năm hay mười năm? 

Mặt khác ngoài “một sự thông cảm để ông (Bộ trưởng GD&ĐT– NV) dũng cảm bước tiếp” liệu có cần đòi hỏi ông cũng phải “dũng cảm nhìn lại” bởi nếu dưới quyền ông, từ khi ông nhậm chức đến nay và sau này (nếu ông được “thêm” thời gian) vẫn luôn tồn tại “một bộ phận không nhỏ” thì dù “dũng cảm” đến mấy, ông cũng không thể xoay chuyển tình hình. 

Yếu tố thứ hai là về thời điểm bắt đầu quá trình đổi mới giáo dục.

Liệu có phải do sức ép của dư luận xã hội, do chỉ đạo từ cấp cao hơn hay do mong muốn đẩy nhanh tiến trình đổi mới giáo dục mà Bộ GD&ĐT chọn thời điểm 2015 với khâu đột phá là kỳ thi quốc gia

Sức ép từ dư luận xã hội có thể sẽ có một tí ảnh hưởng nhưng hoàn toàn có thể bỏ qua vì xưa nay “nghễnh ngãng” vốn là đặc trưng nổi bật của “không ít” công chức Bộ GD&ĐT. Bằng chứng là ý kiến của nhiều cựu lãnh đạo Bộ còn bị bỏ qua thì ý kiến của báo chí hay những người không mấy tên tuổi hầu như không được chú ý.

Nếu do chỉ đạo mà buộc phải tiến hành “đột phá” ngay trong năm 2015 thì sự  chuẩn bị chưa chu đáo của Bộ GD&ĐT là điều cần được thông cảm. Tuy vậy, thông cảm không có nghĩa là bỏ qua không nhắc đến các bất cập, không có nghĩa là làm ngơ trước nỗi bức xúc của hàng triệu phụ huynh và thí sinh. 

Có một sự thật nhiều vị lãnh đạo cấp cao đã lên tiếng, trước khi chuyển sang cơ quan khác hoặc cầm sổ hưu không ít người “tranh thủ tát vét” chuyến cuối cùng, không ít người trước khi rời nhiệm sở quyết tâm phải để lại một “di sản hoành tráng”  gì gì đó cho “hậu thế”, lại cũng có những người “ngẩn ngơ” tiếc nuối đến mức chẳng muốn làm bất kỳ điều gì, tất cả phó mặc cho cấp phó, cho trợ lý.

Phải chăng thời điểm bắt đầu đổi mới giáo dục cuối năm 2015 chính là thời điểm “nhạy cảm”, thời điểm mà người ta có thể “ngẩn ngơ” hoặc cũng có thể là lúc phải vội vã làm một “di sản hoành tráng”? 

Nếu không thế thì vì sao không thể chuẩn bị kỹ hơn, vì sao không thể tập hợp sức mạnh đội ngũ giảng viên, các cơ sở khoa học, công nghệ của mấy trăm trường trực thuộc cho công tác đổi mới giáo dục? 

Liệu có sự sao nhãng nào không trong thời điểm cả hệ thống tập trung cho công tác nhân sự trước thềm đại hội 2016?

Không thể chậm trễ đổi mới giáo dục nhưng vội vã bắt đầu với sự chuẩn bị chưa đầy đủ cả về chiến lược lẫn chiến thuật sẽ không tránh được rủi ro. 

Với chức năng đầu tiên là “nghiên cứu”, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo nên công bố những “nghiên cứu” của mình, lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của “cơ cấu chấp hành” là Bộ GD&ĐT chứ không phải Bộ GD&ĐT tự nghiên cứu rồi tự thực hiện. 

Yếu tố thứ ba là sự lựa chọn các lĩnh vực đột phá.

Người viết ủng hộ quyết định tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và  cho rằng kỳ thi này cần được tiếp tục dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ. 

Việc tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cần được giao cho các trường tự làm trên cơ sở phân loại trường. Để làm việc này cần tiến hành ngay quá trình “Tự chủ đại học” trước hết là với khối trường công lập.

Liệu có tồn tại “lợi ích nhóm” trong việc ôm đồm quá nhiều công việc mà lẽ ra Bộ GD&ĐT chỉ nên tập trung vào chức năng quản lý nhà nước, cụ thể là kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc mẫu giáo đến đại học. 

Sở dĩ không nói đến những vấn đề ở tầm cao hơn như hoạch định chiến lược giáo dục, định hướng giáo dục, mô hình giáo dục, phân luồng giáo dục… vì đó là nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.
Dù chọn lĩnh vực nào để đột phá thì cũng không thể chậm trễ trong việc “nâng cấp” đội ngũ giáo viên. Không có một đội ngũ giáo viên khác về chất so với hiện tại không thể đổi mới giáo dục, có phải đây là điều hiển nhiên không cần tranh luận?

Đổi mới giáo dục thành công hay không, trước hết là từ những quyết sách được Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo hoạch định chứ không phải từ những hoạt động đơn lẻ mà Bộ GD&ĐT đang hoặc sẽ thực hiện.

Xuân Dương