LTS: Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế cho đối tượng học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế với nhiều điểm mới.
Theo đó, từ năm học này, học sinh, sinh viên sẽ là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế với mức đóng tăng 1,5 lần. Điều này đã tạo thêm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình trước thềm năm học mới. Thấu hiểu điều này cô giáo Đỗ Quyên gửi tới tòa soạn bài viết.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới độc giả.
Ở tiểu học, học sinh chưa phải đóng học phí nên tiền phải nộp (mọi người quen gọi là tiền trường) phần lớn chỉ là tiền bảo hiểm.
Mức đóng của các trường tiểu học ở vùng quê chỉ dao động khoảng gần 700 nghìn đồng/em nhưng riêng tiền bảo hiểm đã chiếm mất 600 nghìn đồng cho hai loại bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.
Công việc vận động phụ huynh đóng tiền bảo hiểm vô cùng áp lực và mệt mỏi với những thầy cô làm công tác chủ nhiệm lớp.
Nói là không bắt buộc nhưng danh sách học sinh lớp mình đóng tiền bảo hiểm luôn được kế toán cập nhật để ban giám hiệu nắm và nhắc nhở thầy cô những lớp chưa tham gia đầy đủ.
Từ năm học 2015-2016, học sinh, sinh viên sẽ là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế với mức đóng tăng 1,5 lần. (Ảnh minh họa trên infonet.vn) |
Có trường hiệu trưởng chỉ động viên giáo viên chủ nhiệm chịu khó vận động phụ huynh tham gia nhưng không ít trường hiệu trưởng lại đưa vào tiêu chí thi đua của từng cá nhân.
Những lớp đóng đủ được tuyên dương trên hội đồng, lớp đóng chưa đạt bị xem như giáo viên làm công tác chủ nhiệm chưa tốt và thường xuyên bị nhắc nhở...
Thế rồi, hàng ngày lên lớp, thầy cô luôn đặt việc nhắc học sinh nộp tiền là công việc quan trọng đầu tiên thay vì dạy học thì giáo viên nào cũng phải dành mươi phút nêu tên những em chưa đóng tiền, dặn dò các em về nhà nói với cha mẹ đóng tiền sớm hoặc thầy cô gửi giấy, gọi điện thoại trực tiếp để liên hệ, thuyết phục phụ huynh.
Thu tiền bảo hiểm hộ, giáo viên đã tự biến mình thành những chủ nợ luôn thúc ép đôi khi là hăm dọa, to tiếng với những học sinh chưa tham gia.
Có giáo viên còn dọa dẫm: “Nếu chiều không có tiền đóng, con đừng tới lớp nữa”. Tội cho những em học sinh nhỏ khi nghe cô nói thế về nhà khóc lóc, đòi mẹ bằng được tiền mới chịu đến lớp.
Với những học sinh cấp 2, 3 “cảm thấy thật quê và xấu hổ khi bị thầy cô nêu tên trước lớp”. Vì thế, đã có một số em tự ý nghỉ học khi gia đình chưa kịp kiếm ra tiền để nộp cho con.
Thường thì hàng năm, các trường học cũng hỗ trợ cho khoảng chục em có hoàn cảnh khó khăn bảo hiểm tai nạn với mức đóng 163 nghìn đồng, có giáo viên bỏ tiền túi đóng cho học sinh và vận động phụ huynh đóng tiếp bảo hiểm y tế để lớp mình đạt chỉ tiêu.
Bộ trưởng Y tế: Người bệnh hài lòng là thước đo của đổi mới cả ngành(GDVN) - “Có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế vẫn có thái độ thờ ơ, thậm chí quát bệnh nhân. Vì thế, muốn đổi mới cán bộ y tế phải đổi mới từ trong não, tim...mình". |
Nhiều phụ huynh không mặn mà với việc đóng bảo hiểm bởi lẽ:
“Con tôi bị cảm sốt thường ra ngoài hiệu thuốc mua cho tiện, chứ bệnh viện ở xa đưa con đi khám cũng mất cả nửa ngày chỉ lấy được ít thuốc mất thời gian”.
Việc vận động, thúc ép phụ huynh đóng tiền bảo hiểm cho học sinh mỗi giáo viên cũng không nhận được một phần trăm hoa hồng nào.
Phía bảo hiểm họ trích lại hoa hồng cho kế toán và hiệu trưởng các trường chưa kể hàng năm họ mời đích danh kế toán, hiệu trưởng các trường học đi du lịch với giá bao trọn gói từ vài triệu đến vài chục triệu một người.
Bởi có sự ràng buộc về lợi ích như thế nên phía nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm trong việc buộc phụ huynh đóng bảo hiểm cho con.
Việc trường học trở thành nơi thu hộ tiền bảo hiểm học sinh cho công ty bảo hiểm đã tồn tại nhiều năm qua nhưng phần thiệt thòi là giáo viên chủ nhiệm khi họ phải dành quá nhiều thời gian để làm công việc không đúng chuyên môn của mình.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần trả về đúng vị trí, bảo hiểm muốn có được sự đồng thuận của phụ huynh cần phải làm tốt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình chứ không nên núp bóng các trường học để hưởng lợi.