Khi lãi lớn, sao không thấy EVN giảm giá điện?

08/09/2015 09:50
Mai Anh
(GDVN) - Từ trước đến nay, cụ thể trong 3 năm gần nhất, tỷ giá ổn định, EVN liên tục công bố lãi lớn nhưng chưa bao giờ đề xuất giảm giá điện.

"EVN chưa thể lỗ ngay được"

Trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương (ngày 4/9), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiến nghị Bộ Công Thương cho phân bổ khoản thua lỗ do chênh lệch tỷ giá vào giá điện. Đề xuất này của EVN và TKV khiến lo ngại việc tăng giá bán điện trong thời gian tới.

Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Việc tăng, giảm giá điện, Bộ Công Thương sẽ xem xét trong thẩm quyền và chức trách của mình, nếu có biến động lớn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định".

EVN kiến nghị chuyển khoản lỗ do điều chỉnh tỷ giá vào giá bán điện (ảnh minh họa nguồn EVN)
EVN kiến nghị chuyển khoản lỗ do điều chỉnh tỷ giá vào giá bán điện (ảnh minh họa nguồn EVN)

Trong khi đó theo Cục Điều tiết điện, các doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn ngoại tệ, đầu tư, chi phí mua nguyên vật liệu đều bị ảnh hưởng do biến động của tỷ giá.

Cục Điều tiết điện cũng cho biết, đang tổng hợp báo cáo từ các đơn vị về thua lỗ vì vậy lúc này chưa có đề xuất cụ thể đối với lãnh đạo hai Bộ liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng như việc tính toán sự chênh lệch này vào giá thành điện.

Mặc dù Cục Điều tiết điện chưa đề xuất đưa khoản chênh lệch này vào giá thành điện song người dân vẫn lo ngại giá bán điện sẽ tăng trong thời gian tới. Điều đáng nói là từ trước đến nay, cụ thể trong 3 năm gần nhất, tỷ giá ổn định, EVN liên tục công bố lãi lớn nhưng chưa bao giờ đề xuất giảm giá điện (Năm 2012, EVN công bố mức lãi 3.500 - 4.000 tỷ đồng; Năm 2013, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, EVN lãi gần 5.000 tỉ đồng. Năm 2014, EVN báo lãi khoảng 300 tỉ đồng).

Nhận định đề xuất của EVN, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công thừa nhận việc điều chỉnh tỷ giá tăng như vừa qua sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài như máy móc, hệ thống dây dẫn, nguyên vật liệu… trong đó có EVN.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công, nguyên Trưởng khoa Chính sách Công Học viên Chính sách Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công, nguyên Trưởng khoa Chính sách Công Học viên Chính sách Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

“Tuy nhiên mức ảnh hưởng như thế nào, bao nhiêu EVN phải giải trình bởi không thể vừa điều chỉnh tỷ giá, doanh nghiệp đã hạch toán ra số lỗ ngay được. Có thể thấy đây là chiêu trò của doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Nên nhớ việc nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu của EVN thực hiện bằng hợp đồng từ trước đó, thậm chí từ năm trước, khi tỷ giá chưa điều chỉnh. Do vậy việc điều chỉnh tỷ giá mới đây chưa thể ảnh hưởng ngay”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó PGS.TS Thọ cho rằng, trước đến nay khi EVN thua lỗ đều đưa ra nguyên nhân khách quan mà không nhận trách nhiệm về mình. Để bù lỗ đều đề xuất tăng giá bán điện, sự bất hợp lý này dẫn đến người tiêu dùng luôn chịu thiệt.

Khi lãi lớn, sao không thấy EVN giảm giá điện? ảnh 3

Kêu lỗ nghìn tỷ, EVN xin chuyển vào giá điện

Về kiến nghị chuyển khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá vào giá thành điện của EVN, PGS.TS Phạm Quý Thọ thẳng thắn: “Không thể đẩy thua lỗ doanh nghiệp lên vai người dân, trong khi tất cả mặt hàng giảm do giá xăng dầu giảm, duy nhất giá điện liên tục tăng, cần công bằng với người tiêu dùng”.

Không công bằng

Đánh giá việc việc EVN xin chuyển khoản lỗ chênh lệch tỷ giá vào giá bán điện PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cho rằng, việc điều chỉnh ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên có nhiều yếu tố câu thành lên giá mặt hàng điện, vì vậy EVN không thể vin vào việc điều chỉnh tỷ giá để xin tăng giá bán điện.

PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến giá thành: Thứ nhất điều chỉnh tỷ giá; Thứ hai giá nguyên liệu, với ngành điện hiện nay của Việt Nam chủ yếu nguồn cung vẫn từ thủy điện, nhiệt điện từ dầu khí chiếm một phần; Thứ ba sản lượng điện thực tế từ các nguồn thủy điện, nhiệt điện đầu khí…; Thứ tư giá bán điện cạnh tranh trên thị trường.

“Để tăng giá bán điện phải xem xét các yêu tố trên, có thể tỷ giá tăng nhưng các yếu tố trên không tăng dẫn đến không tăng chí phí sản xuất không thể tăng giá bán điện”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Theo PGS.TS Long, trong bối cảnh tỷ giá tăng ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị sản xuất trong nước. “Nói cách khác, điều chỉnh tỷ giá là yếu tố khách quan tác động đến doanh nghiệp, trong cuộc chơi công bằng trên thị trường, doanh nghiệp phải tự tìm cách khắc phục bằng như giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, bộ máy gọn nhẹ…”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Đồng quan điểm trên, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ điều chỉnh tỷ giá tác động chung đến tất cả doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nhà nước nào cũng đến kêu thua lỗ để xin tăng giá bán, xin ưu đãi của nhà nước thì cuộc chơi có công bằng? 

“Việc điều chỉnh tỷ giá tác động nhiều mặt đến nền kinh tế, Chính phủ cần có quyết sách đảm bảo hài hòa lợi ích các bên từ doanh nghiệp, người dân và chung cho nền kinh tế", PGS.TS Phạm Quý Thọ kết luận.

Mai Anh