LTS: Công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng của cơ quan chức năng, người dân.
Trong khi đó có người “làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng, thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng?
Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tý – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Bến Tre nói tại phiên thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) chiều 26/5.
Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 9/9 phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng).
PV: Ông đánh giá như thế nào về nhận định có một đội ngũ cán bộ "giàu nhanh bất thường”?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Với cơ chế hiện nay thì lương Bộ trưởng cũng đang còn khó sống chứ chưa nói đến công chức bình thường.
Do đó, không ít cán bộ vừa đảm nhiệm cương vị quản lý
vừa tham gia làm kinh tế. Thậm chí là họ làm ăn phát đạt.
Do đó, tài sản của một bộ phận cán bộ có được từ việc kinh doanh hợp pháp… là điều có thể chấp nhận được.
Nói như thế không có nghĩa là cán bộ nào có tài sản lớn đều trong sạch.
Thử đặt câu hỏi, nếu làm ăn đàng hoàng, với đồng lương như vậy, tại sao có nhiều cán bộ giàu nhanh thế?
Họ có nhiều nhà cửa, cho con cái học đi du học... Nếu người ta không tham ô, tham nhũng hoặc có thu nhập bất thường thì có được vậy không?
Do vậy điều mà nhiều người phân vân về tài sản “bất thường” của họ là có cơ sở.
Vậy, theo ông, làm thế nào để phát hiện cán bộ "giàu bất thường”?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Điều này không khó, nếu vấn đề công khai, minh bạch (tài sản) của cán bộ được thực hiện một cách quyết liệt có hệ thống.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Infonet |
Do đó, nếu quản lý tốt đầu vào tài sản cá nhân, thì biết ngay tài sản cán bộ ấy như thế nào? Có tham nhũng hay không?
Quan trọng là người ta có quyết tâm làm đến nơi đến chốn hay không?
Còn hiện tại, chống tham nhũng ở nước ta như kiểu con mèo ăn miếng mỡ thì bắt được. Còn con cọp bắt con heo thì chẳng ai dám đụng đến.
Nếu cứ chống tham nhũng theo kiểu hình thức, ngại đụng chạm thì chẳng có nghĩa lý gì.
Nói như vậy có nghĩa là công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch (tài sản). Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Thực tế cho thấy, việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng hiện nay còn bộc lộ nhiều yếu kém.
Điều này có thể minh chứng từ việc số lượng án tham nhũng phát hiện được còn ít, không phản ánh đúng tình trạng tham nhũng hiện nay ở nước ta.
Trong khi đó, hầu hết các vụ việc khi phát hiện tiêu cực mới biết tài sản của người ta có được là bất hợp pháp.
Còn bỗng dưng chúng ta thực hiện kiểm tra, xác minh tài sản của cán bộ là điều không dễ, trừ khi họ có dấu hiệu vi phạm.
Cũng phải nói thêm rằng, trong luật phòng chống tham nhũng nước ta hiện nay, còn nhiều vấn đề bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Bất cập từ việc quản lý, xác minh xử lý tài sản cả người chưa thành niên khi họ được chuyển nhượng số tài sản bất hợp pháp từ người thân.
Nếu không làm rõ được điều này, thì khó đánh giá hết được thực tiễn có một đội ngũ cán bộ giàu lên một cách bất thường, bất chính.
Theo ông, đâu là giải pháp hạn chế hiện tượng cán bộ "giàu nhanh bất thường", bất hợp pháp?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền: Quan trọng là phải quản lý được tài sản cán bộ.
Theo đó, nên hạn chế việc giao dịch bằng tiền mặt. Thay vào đó, các giao dịch liên quan đến đồng tiền nên thông qua hệ thống tài khoản để kiểm soát nguồn tiền thu nhập của cán bộ.
Mặt khác, các khoản tiền lớn được người ta chi cho việc tiêu dùng khi bị phát hiện... đều phải chứng minh nguồn gốc, giải trình trước cơ quan giám sát.
Cần chú trọng việc công khai, minh bạch về tài sản của người có chức quyền, ở vị trí "nhạy cảm".
Nếu phát hiện cán bộ vi phạm sai phạm thì nêu tên để người dân được biết…