Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo ở Biển Đông, chìa khóa nằm ở Tập Cận Bình

11/09/2015 07:45
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Điều quan trọng hiện nay là Việt Nam làm sao để đối phó, bảo vệ cho được toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.

LST: Tiếp theo bài phân tích "Ts Trần Công Trục: Trung Quốc đã nhảy lên võ đài và ra chưởng ở Biển Đông", Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận thứ hai về dự đoán những gì Trung Quốc sẽ làm tiếp theo ở Biển Đông và kiến nghị giải pháp đối phó. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Trung Quốc đã có sẵn ADIZ, chỉ cần chờ "cớ" để đơn phương áp đặt

Hầu hết giới phân tích và quan sát quốc tế về Biển Đông và Trung Quốc đều cho rằng, Bắc Kinh đã có sẵn kế hoạch áp đặt cái gọi là "vùng nhận diện phòng không" ở Biển Đông (ADIZ) như đã từng làm ở Hoa Đông, vấn đề còn lại chỉ là thời gian và nói đúng hơn là một cái cớ thích hợp. Bản thân Bắc Kinh cũng thừa nhận điều này tại Đối thoại An ninh Shangri-la vừa qua, đó là một nguy cơ hiện hữu.

Trong vấn đề Biển Đông, để thỏa mãn tham vọng bành trướng Trung Quốc sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế - chính trị - quân sự - ngoại giao nhằm gây sức ép chia rẽ các bên. Họ sợ nhất là quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, họ sợ các bên liên quan đoàn kết lại, họ sợ phải ra trước các cơ quan tài phán quốc tế nên một trong những thủ đoạn của Bắc Kinh là sẽ lôi ADIZ ra "đe" các bên liên quan, nhất là Việt Nam.

Không ít người cũng lo ngại rằng, chỉ cần Việt Nam khởi kiện hoặc có hành động nào đó nhằm vào 3 điểm yếu nêu trên và nhất là khởi kiện giống như Philippines, Trung Quốc sẽ có cớ lập tức áp đặt ADIZ ở Biển Đông đẩy khủng hoảng lên cao khiến tình thế khó cứu vãn. Điều này chính là mong muốn và tính toán của Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là, nếu không kiện hoặc không có những hành động nào nhằm thẳng vào 3 điểm yếu của Trung Quốc, liệu Bắc Kinh có dừng tay? Tôi cho rằng họ sẽ không dừng tay.

Trung Quốc sẽ vẫn có thể tuyên bố áp đặt ADIZ ở Biển Đông như đã làm ở Hoa Đông khi họ quân sự hóa xong 7 bãi đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa. Thông tin mới nhất cho thấy họ đã xây gần xong đường băng quân sự bất hợp pháp thứ 2 ở đá Xu Bi và còn 1 đường băng nữa đang xây ở Vành Khăn. Việt Nam kiện hay không, Trung Quốc vẫn lấn tới. Vấn đề quan trọng hơn đặt ra là, liệu Bắc Kinh có khả năng thực thi quy chế ADIZ ở Biển Đông như họ tuyên bố?

Ở Hoa Đông, Trung Quốc có thể dọa được các máy bay hàng không dân dụng của các nước và đã lấy Lào ra làm "thí điểm". Nhưng ngay từ khi mới tuyên bố ADIZ, 2 chiếc B52 của Mỹ và các máy bay quân sự nhật đã vô hiệu hóa các quy định này. Rõ ràng Bắc Kinh cũng chỉ mềm nắn rắn buông, dọa Lào chứ không thể làm gì Mỹ - Nhật. Ở Biển Đông thực thi ADIZ còn khó khăn hơn nhiều. Tại sao?

Các đảo, bãi đá ở Trường Sa nằm cách nhau quá gần, các bên cắt quân đóng giữ theo thế cài răng lược. Những sân bay đã có trước đó rất lâu như trên đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát, đảo Ba Bình do Đài Loan kiểm soát, đá Hoa Lau do Malaysia kiểm soát hay đảo Trường Sa Lớn mà Việt Nam đang đóng giữ, máy bay cất hay hạ cánh đều vào ngay cái gọi là ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố, chắc chắn Bắc Kinh không thể phái chiến đấu cơ ép hạ cánh hay liều lĩnh bắn hạ, bởi đó là một hành động khơi mào chiến tranh.

Do đó, việc áp đặt ADIZ ở Trường Sa thực tế chỉ là một con "ngáo ộp" dùng làm đòn tâm lý chiến để gây sức ép với các bên, đồng thời nhắm tới việc tạo ra căn cứ pháp lý của riêng họ để ngăn chặn máy bay, tàu chiến Hoa Kỳ tiến vào 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo bồi lấp trên 7 bãi đá nửa chìm nửa nổi vốn chỉ được hưởng 500 mét vùng an toàn theo luật pháp quốc tế mà thôi. Khả năng thực thi cái gọi là ADIZ ở Biển Đông sẽ còn khó hơn Hoa Đông nhiều.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter lên thăm một con tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị Trung Quốc hung hãn đâm va làm hư hỏng trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter lên thăm một con tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị Trung Quốc hung hãn đâm va làm hư hỏng trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm ngoái.

Tiếp tục tạo ra "trạng thái bình thường mới" bằng chiến lược bắp cải

"Trạng thái bình thường mới" là khẩu hiệu Tập Cận Bình thường xuyên nhắc đến gần đây để chỉ sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc sau hàng thập kỷ tăng trưởng liên tục là chuyện "bình thường" và xã hội nên làm quen. Trên Biển Đông, bằng việc chiếm đoạt quyền kiểm soát Scarborough, xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Trường Sa để cố tình tạo ra hiện trạng mới. Nói cách khác, Trung Quốc đang tạo ra "trạng thái bình thường mới" trên Biển Đông mà không ai có thể đảo ngược được họ.

Trung Quốc hợp nhất thành công "5 con rồng" trên Biển Đông thành một -Cảnh sát biển và đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng này cùng với dân quân biển. Thực tế, cả hai đều là lực lượng vũ trang trá hình nằm dưới vỏ bọc cơ quan hành chính công vụ biển mà họ gọi là "lực lượng chấp pháp" và dân quân biển - ngư dân có vũ trang để tránh những hệ lụy về ngoại giao, truyền thông khi tham gia các hành động tạo ra "trạng thái bình thường mới" ở Biển Đông như vụ Scarborough.

Hai, ba năm qua Trung Quốc đang tiếp tục dùng thủ đoạn này để vây hãm khoảng 1 tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines đóng ở bãi Cỏ Mây, Trường Sa nhưng chưa có cớ nào khiêu khích. Việc Philippines yêu cầu Mỹ hộ tống tàu tiếp tế cho lực lượng ở bãi Cỏ Mây khiến âm mưu này càng khó thực hiện hơn. Do đó những rặng san hô, bãi đá nửa nổi nửa chìm ở Biển Đông mà chưa có quân đội nước nào đóng giữ sẽ trở thành mục tiêu "đánh" chiếm của Trung Quốc bằng 2 lực lượng này, dưới sự yểm trợ của tàu hải quân ở vòng ngoài.

2 lực lượng "hải quân trá hình" này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quấy rối hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên mà các nước ven Biển Đông tiến hành trong thời gian tới khi Bắc Kinh cảm thấy cần thiết. Chúng cũng sẽ là đội quân chủ lực để hộ tống các giàn khoan nước sâu mà Trung Quốc sẽ kéo ra Biển Đông để hiện thực hóa đường lưỡi bò phi lý như khủng hoảng giàn khoan 981 họ đã từng làm với Việt Nam.

Mấu chốt các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay là tính toán, tham vọng của Tập Cận Bình

Ngay từ khi lên nắm ghế Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập Cận Bình đã tuần du phương Nam, thị sát đại quân khu Quảng Châu và hạm đội Nam Hải cho thấy ông ta đã lựa chọn Biển Đông là cửa ngõ chiến lược để Bắc Kinh vươn ra thế giới, phá cái gọi là "vòng vây của Mỹ". Sau đó Tập Cận Bình bắt đầu tuyên bố hàng loạt chủ trương cứng rắn rằng không thỏa hiệp, không đổi chác cái Bắc Kinh gọi là chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dưới thời Tập Cận Bình, hải quân và đặc biệt là hạm đội Nam Hải được đầu tư trang bị, phát triển mạnh mẽ, bao gồm căn cứ quân sự ở Hải Nam và bây giờ là 7 đảo nhân tạo - tiền đồn quân sự đang xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa.

Ông Tập Cận Bình, ảnh: The Japan Times.
Ông Tập Cận Bình, ảnh: The Japan Times.

Thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào thì những quyết sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc đều do 9 thành viên Thường vụ Bộ chính trị quyết. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, dường như ông ta là người quyết định tất cả. Đại hội 18 bắt đầu kỷ nguyên hay thời kỳ Tập Cận Bình với số ghế Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị bị cắt giảm từ 9 xuống 7.

Trong "bộ 7 quyền lực" này, Tập Cận Bình lại tiếp tục tập trung quyền lực về tay mình bằng cách lập ra các tiểu tổ chỉ đạo về ngoại giao, kinh tế, quân sự, an ninh quốc gia, an ninh mạng...do ông Bình làm tổ trưởng, vai trò của 6 thành viên còn lại rất mờ nhạt. Nhờ thế thượng phong tuyệt đối ấy, Tập Cận Bình mới có thể ung dung xử lý Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch...và đe dọa xử lý cả Giang Trạch Dân.

Chắc chắn có những bất mãn thậm chí hoang mang trong các tập đoàn lợi ích, các quan chức Trung Quốc, nhưng không ai dám lên tiếng phản kháng. Nói qua vài nét về ông Tập Cận Bình để thấy nhà lãnh đạo này thực sự đang rất mạnh ở Trung Quốc.

Cá nhân tôi cho rằng, mọi hành động leo thang ở Biển Đông phải có sự chỉ đạo từ ông Tập Cận Bình, độc chiếm và thôn tính Biển Đông là âm mưu chiến lược xuyên suốt của họ mà đến thời Tập Cận Bình nó được thúc đẩy hiện thực hóa mạnh mẽ.

Một số quan điểm cho rằng có mâu thuẫn giữa Bộ Ngoại giao Trung Quốc với giới quân sự trong các quyết sách về Biển Đông, nói cách khác là các quan chức ngoại giao Trung Quốc "không hay biết" về kế hoạch xây dựng, bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa mà chỉ đến khi gần hoàn thành họ mới lên tiếng họa theo.

Điều này chỉ là kế nghi binh của Trung Quốc với dư luận bên ngoài, bởi ngoại giao hay quân sự, thậm chí đến kinh tế và quản lý mạng internet ông Tập Cận Bình cũng trực tiếp nắm thì không có chuyện không thống nhất nội bộ. Mặt khác, độc chiếm Biển Đông là âm mưu,, tham vọng xuyên suốt đến thời Tập Cận Bình được đẩy mạnh triển khai chứ không phải ông Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên đẩy mạnh chiến lược này.

Việc tuyên bố thành lập cái gọi là "Tam Sa" phi pháp năm 2007 và lộ diện hình ảnh xây dựng căn cứ quân sự Du Lâm, Tam Á, Hải Nam năm 2008 là dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, có ảnh hưởng của Giang Trạch Dân.

Trung Quốc đã ra chưởng ở Biển Đông, Việt Nam làm sao để đối phó?

Những gì diễn ra cho thấy Trung Quốc đã cởi áo nhảy lên võ đài và tung chưởng ở Biển Đông chứ không còn giấu mình chờ thời. Điều quan trọng hiện nay là Việt Nam làm sao để đối phó, bảo vệ cho được toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông?

Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung trong việc duy trì, bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung trong việc duy trì, bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông. 

Đặt vấn đề này không có nghĩa là chúng ta kích động chiến tranh xung đột, mà là đưa ra cảnh báo những nguy cơ Việt Nam phải đối mặt và có phương án chuẩn bị, trong đó có phương diện quân sự.

Trên thực tế sức mạnh quân sự Trung Quốc đến đâu và đối phó ra sao, tôi tin là các nhà chiến lược quân sự, quốc phòng của ta và các bên liên quan đã có tính toán phù hợp. Cá nhân tôi tin tưởng vào Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng, tỉnh táo, có kế hoạch sẵn sàng và đủ sức bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nên không cần bàn nhiều về quân sự. Vấn đề còn lại là chiêu thức thủ đoạn cũng như các mặt trận khác đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào.

Với cuộc khủng hoảng Scarborough rồi khủng hoảng giàn khoan 981 có thể thấy, "cao thủ võ lâm Trung Nguyên" không thích/không thể sử dụng các ngón đòn họ vẫn gọi là của "danh môn chính phái", mà lựa chọn thi triển các kỹ năng đánh lén của "bàng môn tà đạo" ở Biển Đông. Cái này mới thực sự khó đối phó.

Vì vậy, cần nghiên cứu thật kỹ 2 cuộc khủng hoảng Scarborough và giàn khoan 981 để tìm cách đối phó với một chiến lược toàn diện hơn chứ không chỉ nhằm vào một vụ việc, động thái nước cờ cụ thể. Trung Quốc càng bành trướng, dư luận càng ngao ngán, hoang mang, sợ sệt và phải đoàn kết lại.

3 điểm Trung Quốc sợ chính là 3 yếu huyệt của họ ở Biển Đông mà ta không thể bỏ qua khi tính toán giải pháp: Quốc tế hóa mạnh mẽ vấn đề Biển Đông; củng cố đoàn kết các bên liên quan - ASEAN - Hoa Kỳ - Nhật Bản - Úc và cộng đồng quốc tế; Tính toán các giải pháp về pháp lý.

Mỗi một giải pháp là một mặt trận cần có sự chuẩn bị chu đáo và đặt trong một kế hoạch tổng thể, bối cảnh tổng thể và tính toán toàn cục. Riêng mặt trận pháp lý cần được ưu tiên đẩy mạnh vì hiện nay chúng ta đang yếu, trong nước thì chưa thống nhất được nhận thức, bên ngoài khó có thể tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực và quốc tế.

Cần lưu ý rằng, luật pháp quốc tế, ngay cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng có những khoảng "chông chênh" mà Trung Quốc lợi dụng được. Và họ đang lợi dụng những khoảng "chông chênh" này để tuyên truyền cho tham vọng và hành vi bành trướng.

Chúng ta phải biết địch, nhưng quan trọng hơn là biết mình mạnh yếu ra sao, lợi thế và bất lợi ở chỗ nào mới là điều quan trọng để có thể bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Muốn bảo vệ mình trong thời đại này, chúng ta phải hiểu luật và bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, do đó mặt trận pháp lý cần được quan tâm đẩy mạnh và không thể chần chừ thêm được nữa.


Ts Trần Công Trục