Tờ Diplomat ngày 11/9 đăng tải bài viết của tác giả Van Jackson cho rằng, nếu tỷ phú Mỹ Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại của Washington với châu Á có thể sẽ trở thành một thảm họa.
Theo tác giả, mặc dù những gì ông Trump thể hiện trong thời gian qua chỉ cho một cái nhìn thoáng qua những suy tưởng về chính sách của ông, nhưng có thể hiểu được một vài điều về định hướng đối với chính sách đối ngoại nói chung và châu Á nói riêng của chính trị gia này.
Tỷ phú, chính trị gia Mỹ Donald Trump. |
Donald Trump tin rằng việc có một quân đội lớn, hiện đại và có khả năng là rất quan trọng trong việc củng cố vị thế của nước Mỹ trên bản đồ toàn cầu.
Ông Trump tin rằng nước Mỹ cần quyền lực, nhưng không cần sử dụng nó quá nhiều. Các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, đang quá lạm dụng các cam kết của Mỹ dẫn tới hai hệ quả là Mỹ phải duy trì sự hiện diện quân sự khi không cần thiết ở những quốc gia này và phải chịu gánh nặng kinh tế trong mối quan hệ này do không có sự cân bằng về thương mại và tăng trưởng kinh tế.
Trong quan hệ với Nhật Bản, ông Trump đang hướng tới sự đối đầu. Ông đổ lỗi cho Tokyo là gánh nặng quốc phòng đối với Mỹ vì quốc gia này không đủ năng lực quốc phòng.
Về vấn đề Hàn Quốc, ông Trump từng lên tiếng đặt ra câu hỏi rằng tại sao Mỹ cần phải bảo vệ Hàn Quốc và còn phải bảo vệ quốc gia này trước Triều Tiên bao lâu nữa; rằng Hàn Quốc không đóng góp cho an ninh cũng như lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới; hoặc là Mỹ quá tốn kém và không có lợi khi bảo vệ Hàn Quốc trước Triều Tiên.
Từ những quan điểm này của ông Trump, Van Jackson đã đưa ra cái nhìn thoáng qua về chính sách của ông Trump với châu Á trong trường hợp đắc cử mà ông mô tả là đầy "tai hại".
Đầu tiên, ông Trump có thể sẽ rút quân đội Mỹ khỏi châu Á và thay vào đó là một lực lượng đồn trú trên lãnh thổ Mỹ. Điều này sẽ để lại những hậu quả chiến lược rất to lớn.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại các nước đồng minh có mục đích chính là bảo vệ đồng minh, răn đen ngăn chặn chiến tranh, xâm lược. Nó cũng cho phép Mỹ có thể phản ứng nhanh với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở một nơi nào.
Nếu chờ đợi triển khai lực lượng Mỹ từ lục địa của mình tới nơi nào đó một khi xảy ra khủng hoảng để đảm bảo lợi ích của mình, mọi thứ có thể sẽ trở nên quá trễ. Do khoảng cách, khi người Mỹ đến nơi, cuộc tấn công có thể đã kết thúc và Washington chỉ còn cách chấp nhận điều đó hoặc đảo ngược thành tựu của họ. Dù chọn cách nào nó cũng đòi hỏi một chi phí rất lớn.
Thứ hai, việc từ bỏ sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, cũng đồng nghĩa với việc chính quyền Trump tự nguyện từ bỏ quyền kiểm soát leo thang.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những cú đánh tạo tiếng vang trong dư luận nước Mỹ, nhưng không có độ sâu do thiếu kinh nghiệm chính trị và đối ngoại. |
Hệ quả tất yếu của việc Mỹ đưa hết quân về đồn trú tại nhà là mỗi một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột đều có thể bùng lên thành những cuộc tấn công trả đũa phiên bản thế kỷ 21, trong đó các loại vũ khí hủy diệt sẽ được sử dụng, vì không có một trung gian mạnh đưa ra giải pháp phù hợp, không có lực lượng có thể răn đe hoặc triển khai quân đội điều hướng.
Một lực lượng Mỹ đóng tại nhà cũng có thể ảnh hưởng đến trật tự quốc tế khi các cuộc tấn công và trả đũa có thể sẽ diễn ra tự do và nhanh chóng leo thang đến mức độ không thể chấp nhận được, vô trách nhiệm.
Nếu Mỹ không có mặt tại Biển Đông, Trung Quốc sẽ tự do thống trị vùng biển này, độc chiếm nơi có tới 5.000 tỷ USD giao dịch thương mại đi qua hàng năm làm ao nhà. Nếu Bắc Kinh thành công trong việc thiếp lập sự thống trị quân sự ở Biển Đông, Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác của mình sẽ mất quyền đi lại tự do ở đó, khả năng tham gia vào thương mại toàn cầu sẽ bị cản trở hoặc ngăn chặn.
Cuối cùng, lập trường của ông Trump đối với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ đơn giản là nhằm phá vỡ liên minh và còn làm mất ổn định sự cân bằng vốn đã bấp bênh ở Đông Bắc Á.
Nếu không có sự hiện diện của liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực, Triều Tiên và Trung Quốc có thể sẽ tự do phát triển vũ khí hạt nhân, phá vỡ nỗ lực duy trì sự không phổ biến loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này và hệ quả là cũng không thể ngăn chặn các nước khác sở hữu nó, như Iran.
Nếu Mỹ rút khỏi cam kết với Nhật Bản và Hàn Quốc, nước này cũng sẽ sớm rút các cam kết với Đài Loan và hòn đảo này sẽ nhanh chóng được sáp nhập vào Trung Quốc.
Quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các nước châu Á hiện nay đều ở thế đôi bên cùng có lợi. Hàng chục đời Tổng thống Mỹ trước đó cũng sẽ không dại gì xây dựng quan hệ đồng mình, triển khai lực lượng đồn trú tốn kém nếu không có lợi cho Mỹ.
Khẩu hiệu của ông Trump là "Hãy biến Mỹ thành vĩ đại một lần nữa", nhưng lại cố ý từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Việc từ bỏ sự to toàn cầu, cho phép sự tàn bạo quy mô lớn lên ngôi hoặc kết thúc một thế hệ hòa bình ở châu Á khi có khả năng để ngăn chặn điều đó, không phải là sự vĩ đại.
Van Jackson kết luận, chính sách đối với châu Á của ông Trump kém về cả mặt đạo đức, kinh tế và theo đuổi chiến lược vô lương tâm.