Đại sứ Lê Văn Bàng: Sự tham gia của Nhật sẽ tạo thế cân bằng ở Biển Đông

14/09/2015 14:19
Đại sứ Lê Văn Bàng
(GDVN) - Một khi Nhật Bản tham gia đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự hỗ trợ quốc tế rất lớn trong những vấn đề cần có sự ủng hộ.

LTS: Xung quanh quan hệ Việt - Nhật, Đại sứ Lê Văn Bàng - một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ một số quan điểm riêng của ông xung quanh chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc. 

Đại sứ Lê Văn Bàng. Ảnh: Nguyễn Hường
Đại sứ Lê Văn Bàng. Ảnh: Nguyễn Hường

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 15 đến 18 tháng 9 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Cá nhân tôi cho rằng, chuyến thăm này là một hoạt động ngoại giao nhằm cân bằng quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các cường quốc sau khi Tổng Bí thư đã tới thăm Trung Quốc và Mỹ vào đầu và giữa năm nay.

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh, kinh tế và giáo dục giữa hai nước lên một tầm cao mới với những lợi ích rất sát sườn đối với Việt Nam.

Trên phương diện an ninh, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc nâng cao năng lực thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán và bảo vệ lợi ích hợp pháp của đất nước cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam 2 trong số 6 tàu tuần tra cam kết năm ngoái. 

Trong vấn đề Biển Đông, thời gian vừa qua Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm khá mạnh mẽ và kiên quyết trong việc phản đối sự bành trướng của Trung Quốc. Tuyên bố hồi tháng 7 vừa qua, Đô đốc Katsutoshi Kawano - Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã nhận định, Trung Quốc có thể ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông.

Ông cũng hé mở khả năng Tokyo có thể tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát ở khu vực này trong tương lai cùng với Hải quân Mỹ. Một khi Nhật Bản tham gia đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự hỗ trợ quốc tế rất lớn trong những vấn đề cần có sự ủng hộ của dư luận quốc tế, tăng cường sức mạnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách hòa bình, tạo thế cân bằng ở Biển Đông.

Cũng như Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản là một đối tác chiến lược của Việt Nam. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Nhật Bản luôn dành cho Việt Nam sự hỗ trợ ưu ái và quan hệ Việt-Nhật không ngừng được mở rộng, phát triển, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế.

Trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản đã trở thành quốc gia cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Với khoảng 24 tỷ USD, Nhật Bản chiếm đến 30% tổng viện trợ phát triển nước ngoài cho Việt Nam.

Về thương mại, Nhật Bản cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam được công bố ngày 23/01 năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật năm 2013 là 25,3 tỷ USD.
 
Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp, chuyển giao nhiều công nghệ có lợi cho sự phát triển của nền nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam. Đổi lại, đối với Nhật Bản, Việt Nam cũng là một đối tác khá quan trọng và điều này đã được thể hiện qua việc các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. 

Trên lĩnh vực giáo dục, Nhật Bản là nơi rất đông du học sinh Việt Nam lựa chọn làm điểm đến nhờ chất lượng cao và có nhiều chương trình học bổng, ưu đãi dành cho phía chúng ta. Điều này giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trên lĩnh vực đào tạo nhân lực có chất lượng cao.

Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn nồng ấm và phát triển sâu rộng, giữa hai nước luôn có sự tin tưởng, tôn trọng và coi trọng lẫn nhau. Về phía Việt Nam, Nhật Bản còn là một đất nước mà từ các nhà lãnh đạo cho đến người dân đều cảm thấy có nhiều tin tưởng, tôn trọng, thiện cảm.

Tuy nhiên, trong mọi mối quan hệ bao giờ cũng có những sự khác biệt. Vì vậy, tôi cho rằng để quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, các bên đều cần phải biết gác lại những khác biệt hướng tới những lợi ích chung to lớn hơn./.

Đại sứ Lê Văn Bàng