LTS: Xung quanh sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 15-18/9, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận, đánh giá về mối quan hệ Việt-Nhật hiện nay, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Quan hệ Việt-Nhật hiện nay có thể nói là đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển rất rực rỡ chưa từng có với sự tin cậy song phương cao.
Nhật-Việt đều thấy nồng ấm trong quan hệ song phương
Hiện nay, cả hai nước đều cảm nhận được sự nồng ấm trong mối quan hệ song phương khi các chương trình hợp tác đôi bên đã đi vào mọi lĩnh vực, phát triển sâu rộng, thực chất và khá hiệu quả.
Trên phương diện chính trị, các cuộc gặp gỡ cấp cao song phương đã trở thành hoạt động rất thường xuyên. Nhiều chuyến thăm cấp cao giữa hai bên được tiến hành trong cùng một năm, trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế sâu rộng cũng như song phương trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày, bắt đầu từ hôm nay, ngày 15/9. |
Hợp tác trên phương diện chính trị, quốc phòng, an ninh giữa hai nước cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Phía Tokyo đã bày tỏ sự quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nhật Bản đã bàn giao 2 trong 6 tàu tuần tra cam kết viện trợ cho chúng ta hồi năm ngoái.
Lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất, nổi bật nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản chính là lĩnh vực kinh tế. Có thể nói trong các công trình trên khắp đất nước Việt Nam, ở đâu cũng có dấu ấn của Nhật Bản. Thậm chí, ngay cả ở thủ đô Hà Nội cũng có thể thấy những dấu ấn này như cầu Nhật Tân, sân bay…
Trên phương diện văn hóa, nhiều chương trình giao lưu văn hóa lớn đã và đang được tổ chức tại Việt Nam và Nhật Bản nhằm quảng bá những thông điệp tuyệt vời về đất nước, con người của nhau, từ đó thúc đẩy các chương trình hợp tác và du lịch.
Trên phương diện giáo dục, ngoài thúc đẩy tăng cường hợp tác về đào tạo chuyên gia, phía Nhật Bản cũng đã đề xuất đào tạo nghề cho các lao động phổ thông Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng nhân lực cho chúng ta.
Nhật Bản chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam
Một điều đặc biệt đáng lưu ý là trong chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tỉnh Kanagawa sẽ tổ chức một lễ hội văn hóa Việt Nam trên quy mô lớn chưa từng có.
Trong một dịp trao đổi trước khi tôi về nước hồi năm ngoái, Thống đốc tỉnh Kanagawa đã nói với tôi rằng họ đã thống nhất sẽ tổ chức sự kiện văn hóa lớn nhất từ trước tới nay tại Nhật với trên dưới 200.000 người tham dự.
Ở Việt Nam, phải là những sự kiện hết sức đặc biệt mới có thể thu hút lượng người tham gia lớn như vậy. Một sự kiện như thế ở nước ngoài lại càng khó hơn, nhất là lại ở Nhật Bản và trong quy mô của một tỉnh.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng - Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2012-2015). |
Tỉnh Kanagawa có 9 triệu dân nhưng GDP cao hơn 2 lần so với Việt Nam, gần 400 tỉ USD. Trong khi đó, tỉnh Kanagawa đang hướng mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam.
Từ đó có thể nói rằng đây không chỉ là một hoạt động giao lưu văn hóa bình thường mà là một cơ hội lớn do phía bạn chủ động mở ra để kết nối lòng tin giữa hai bên, từ đó để hướng các doanh nghiệp Nhật Bản tới thị trường Việt Nam và giúp các doanh nghiệp của ta tìm kiếm các đối tác của mình, thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch tới thăm Việt Nam.
Ngoài ra, nó cũng thể hiện rằng phía Nhật Bản, thậm chí là cấp tỉnh, cũng rất đặc biệt quan tâm và chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam. Sự chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương này có thể nói là xuất phát từ rất nhiều điểm tương đồng mà hai bên đã khai thác được.
Việt Nam và Nhật Bản vốn là hai quốc gia ở trong cùng khu vực châu Á nên nhiều nét tương đồng như: cùng có tính cần cù, ham học hỏi, có chung nhiều nét văn hóa mang đậm tính Á Đông, có bờ biển trải dài thường xuyên bị thiên tai tàn phá…
Người Nhật Bản vốn rất cần cù, sáng tạo, có tính kỷ luật cao. Điều đó đã giúp họ khắc phục hậu quả chiến tranh rất nhanh chóng, từ một nước nghèo tài nguyên có thể vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Người Nhật Bản quý mến người Việt Nam ở tính hiếu học, cần cù. Chúng ta tìm thấy ở người Nhật nhiều điều đáng học hỏi, còn người Nhật cũng có nhiều điều muốn chia sẻ với chúng ta.
Hai nước đều mong muốn được đóng góp vào hòa bình, ổn định khu vực, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển của hai bên.
Bản thân Nhật Bản cũng đang tiến hành rất nhiều đổi mới, cải cách kinh tế mạnh mẽ để duy trì và thúc đẩy sự tăng trưởng cao. Chúng ta cũng đang trên đà cải cách sâu rộng hơn nữa không khác gì công cuộc "Đổi mới lần 2”.
Mặc dù có nhiều nét tương đồng, nhưng không phải thời điểm nào chúng ta cũng biết khai thác được lợi thế đó. Hiện nay là thời điểm hai nước khai thác được lợi ích chung lớn rất, thành công rực rỡ nhất.
Trong chuyến thăm này tôi cũng được biết là Tổng Bí thư sẽ có các cuộc hội đàm hội kiến với Nhật hoàng, Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Người đứng đầu liên minh này là chính khách hàng đầu của Nhật Bản. Nó cho thấy Tokyo rất chú trọng đến chuyến thăm của Tổng Bí thư.
Theo tôi được biết, Thủ tướng Abe là người trực tiếp quan tâm, đôn đốc chuyến thăm này và trông đợi chuyến sự kiện này sẽ mang lại các kết quả rất tốt đẹp để tiếp tục duy trì đà quan hệ hiện nay, đưa quan hệ giữa hai quốc gia lên tầm cao hơn nữa, có thể kỳ vọng là chuyến thăm sẽ tốt đẹp.
Tôi hình dung là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Nhật Bản lần này sẽ tiếp tục củng cố thêm sự tin cậy hiểu biết lẫn nhau, hợp tác toàn diện, sâu sắc và cùng có lợi, hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản trên mọi lĩnh vực.
Mỗi chuyến thăm có một ý nghĩa khác nhau nhưng đây là chuyến thăm của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam và phía Nhật Bản cũng rất kỳ vọng, mong đợi củng cố hơn nữa quan hệ giữa hai nước./.