LTS: Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ rõ những bất cập trong việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học; đồng thời chỉ ra các nhóm giải pháp cụ thể cho thực trạng này.
Quá nhiều bất cập
Quyền tự chủ của trường đại học đã được thừa nhận từ gần 10 năm nay nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, một phần do những vướng mắc về cơ chế như đã phân tích ở trên, nhưng một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của trường nào cũng thiếu và yếu, đặc biệt là tập quán “tự túc tự cấp” làm cho lực lượng của các trường ngày càng yếu đi.
Phần lớn các trường đại học, nhất là những trường lâu năm, thường chỉ giữ lại sinh viên do chính trường mình đào tạo ra để làm giảng viên. Trừ một số trường hợp sau khi tốt nghiệp đại học trúng tuyển đi học nước ngoài, trong suốt thời gian học đại học, cao học và làm nghiên cứu sinh, những sinh viên này chỉ biết các thầy ở trường mình, hầu như không tiếp xúc với những chuyên gia khác, những trường phái khác.
Ở lại trường làm giảng viên, họ tiếp tục nép dưới bóng những ông thầy cũ, và tiếp tục truyền giảng những giáo điều cũ cho các lớp sinh viên mới. Đó là chưa kể nhiều trường hợp những người có chức có quyền và giảng viên giữ lại trường con cháu mình, mặc dù những học trò này không hẳn là những sinh viên xuất sắc.
Giống như tình trạng hôn nhân cận huyết, tất cả những điều này dẫn đến hậu quả không mong muốn: các thế hệ giảng viên và học trò suy giảm dần năng lực sáng tạo, năng lực tiếp thu cái mới, từ đó làm suy giảm năng lực chung của trường đại học.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Cần phải bãi bỏ cơ chế "bộ chủ quản", chỉ còn Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về mặt nhà nước". ảnh: Ngọc Quang. |
Sự thiếu sẵn sàng của các trường thể hiện rõ ở kỳ thi tuyển sinh đại học hai năm gần đây. Thực hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức tuyển sinh riêng.
Tuy nhiên, chỉ có 62 trường trong số gần 500 trường đại học, cao đẳng hưởng ứng đề nghị này, chủ yếu là tuyển sinh riêng cho một số ngành đặc thù: Những ngành khó tuyển sinh nhưng xã hội cần như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thì tuyển sinh dựa vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp phổ thông.
Những ngành đòi hỏi năng khiếu như sân khấu, điện ảnh, nhạc, họa… thì ngoài việc dựa vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp phổ thông còn tổ chức thi môn năng khiếu. Các ngành khác của những trường này vẫn tham gia kỳ thi tuyển sinh “ba chung” của Bộ.
Giải thích vì sao ngay các trường tốp đầu cũng không muốn tuyển sinh riêng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “Với thi ba chung như mọi năm thì các trường tốp trên rất yên tâm không suy nghĩ về tuyển sinh riêng, cái khó nhất là làm đề thi thì bộ đã làm cho các trường, họ không thiếu nguồn tuyển, nếu làm riêng thậm chí sẽ có nhiều rủi ro hơn nên các trường không muốn tuyển sinh riêng.”
Điều này cho thấy tâm lý cầu an, thụ động là trở ngại lớn trong quá trình đổi mới giáo dục đại học nói chung cũng như thực hiện quyền tự chủ nói riêng.
Quyền tự chủ một mặt đảm bảo cho trường đại học được tự quyết định các vấn đề của mình, nhưng mặt khác lại đề cao trách nhiệm của nhà trường trước xã hội – từ những đối tượng liên quan trực tiếp như Nhà nước, nhà đầu tư, người học và gia đình họ đến những người đóng thuế để cung cấp ngân sách hoặc để kiến tạo môi trường hoạt động cho nhà trường.
Trách nhiệm này thường được gọi là trách nhiệm giải trình, bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường.
Đáng tiếc là trong khi nỗ lực đòi hỏi và thực thi quyền tự quyết định, nhiều trường đại học nước ta lại tỏ ra miễn cưỡng, hình thức trong việc minh bạch hóa các thông tin về tài chính, đào tạo và việc làm; đồng thời không phải chịu trách nhiệm về điều kiện đào tạo kém, chất lượng đào tạo yếu, khả năng tìm việc làm và hòa nhập thị trường lao động thấp của sinh viên trường mình.
Trong tuyển sinh, hầu hết các trường đều có khuynh hướng hạ thấp yêu cầu, lấy cho đủ chỉ tiêu, thậm chí sẵn sàng vượt chỉ tiêu để thu được nhiều học phí.
Quá trình đào tạo hầu như không sàng lọc, chủ yếu cũng để tránh giảm thu nhập của trường. Chỉ trừ những sinh viên tự ý bỏ học hoặc vi phạm kỷ luật nặng đến mức phải buộc thôi học, hễ đã vào được trường thì sẽ tốt nghiệp và có bằng cử nhân. Sinh viên ra trường thất nghiệp được coi là vấn đề của xã hội, không gắn với trách nhiệm của bất cứ trường nào.
Thậm chí, khi một số tỉnh, thành từ chối nhận sinh viên tốt nghiệp đại họcngoài công lập và đại học tại chức, khá nhiều lãnh đạo trường đã lên tiếng trên báo chí, coi đây là sự kỳ thị, mà không thấy nguyên nhân dẫn đến quyết định này là chất lượng thấp của những cử nhân mà họ đã đào tạo ra.
Chất lượng đội ngũ yếu, xu hướng đào tạo chạy theo số lượng phục vụ lợi ích kinh tế và trách nhiệm giải trình thấp là những hạn chế lớn của các trường đại học, một mặt khiến cơ quan quản lý nhà nước không mạnh dạn trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường, mặt khác có thể khiến xu hướng thương mại hóa giáo dục phát triển, trong khi chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra ngày càng thấp.
5 giải pháp quan trọng gỡ rối cho Nhà nước và các trường đại học
Nhóm giải pháp về thể chế: Tập trung sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, từ đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thực hiện tự chủ đại học.
Ngoài việc khắc phục những bất cập, mâu thuẫn thì cần làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường, phân biệt trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận để các trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực của Nhà nước.
Theo quan điểm của chúng tôi, những trường hoạt động theo nguyên tắc doanh nghiệp – quyết định dựa theo tỷ lệ phiếu của cổ đông và chia lợi tức cho cổ đông dưới bất kỳ hình thức nào – đều là trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
Nhiều trường đại học không thể tự chủ được vì thói quen cái gì cũng đi xin |
Nhóm giải pháp thực hiện tự chủ về tổ chức - nhân sự: Nghiên cứu, giải quyết mối quan hệ giữa Hội đồng trường (Hội đồng quản trị) với tổ chức, cá nhân có liên quan, trước hết là với Đảng ủy ở trường công lập và nhà đầu tư ở trường tư thục, để hội đồng có đủ năng lực và thực quyền quyết định các vấn đề của nhà trường.
Bãi bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”; các trường đại học chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.
Các trường cần xây dựng, công bố và thực hiện tiêu chuẩn cán bộ quản lý và giảng viên, quy chế tuyển dụng, làm việc, đề bạt cán bộ quản lý và giảng viên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Nhóm giải pháp thực hiện tự chủ về học thuật: Cùng với việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp phổ thông theo hướng thể hiện yêu cầu phân loại học sinh rõ hơn làm cơ sở tuyển sinh đại học, cần tổng kết và kết thúc hình thức thi “ba chung” hoặc thi “2 trong 1” để các trường tự quyết định việc tuyển sinh của mình (xét tuyển hay thi tuyển, thi tuyển độc lập hay liên kết với một số trường khác).
Các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, chú trọng chuẩn ngoại ngữ trước mắt ngang với yêu cầu của các trường đại họchàng đầu trong khu vực ASEAN; gắn kết chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động; thực hiện sàng lọc mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Nhóm giải pháp thực hiện tự chủ về tài chính: Để chính sách phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý hơn và có tác dụng khuyến khích cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo, cần chuyển từ cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo các tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo các tiêu chí đầu ra, gắn với kết quả kiểm định chất lượng đào tạo.
Chuyển từ cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước đối với tất cả các ngành học sang cơ chế Nhà nước đặt hàng đối với một số ngành nghề đặc thù, mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo.
Chuyển từ cơ chế hỗ trợ thông qua học phí thấp đối với tất cả học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế cấp học bổng tương xứng với chi phí đào tạo đối với sinh viên thuộc diện được hưởng chính sách xã hội, sinh viên giỏi, sinh viên theo học một số ngành nghề đặc biệt theo yêu cầu của Nhà nước.
Giải pháp huy động nguồn lực xã hội từ học phí: Hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập chỉ được phép thu theo khung học phí do Chính phủ quy định. Mức học phí trong khung thấp hơn nhiều so với chi phí đào tạo thực tế.
Việc áp dụng học phí thấp có mặt tích cực là tạo cơ hội học tập cho nhiều người. Tuy nhiên, do học phí thấp trong khi nguồn cung từ ngân sách nhà nước hạn chế, nên các cơ sở đào tạo buộc phải chọn giải pháp tăng quy mô đào tạo để tăng nguồn thu.
Nhưng việc tăng quy mô không tương xứng với điều kiện đảm bảo chất lượng (tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ sinh viên/thư viện, phòng thí nghiệm, giảng đường,...) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Việc áp dụng học phí thấp ở cơ sở giáo dục công lập cũng tạo ra tình trạng thiếu công bằng: Vì không có ngân sách nhà nước hỗ trợ, buộc phải thu học phí cao, nên các cơ sở giáo dục ngoài công lập không cạnh tranh được với cơ sở giáo dục công lập.
Để chính sách huy động nguồn lực tài chính từ người học hợp lý, công bằng hơn, Luật Giáo dục Đại học cần quy định học phí được xác định trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo cần thiết theo chuẩn đầu ra.
Chính sách miễn, giảm học phí cũng nên được thay bằng chính sách cấp học bổng và sắp xếp việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường. So việc được miễn đóng góp vài triệu đồng học phí với việc phải bỏ ra vài trăm triệu đồng chạy việc lúc ra trường thì chắc chắn người học mong được “miễn phí” khi sắp xếp việc làm hơn nhiều.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!