Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với tân sinh viên trường Nhân văn

16/09/2015 07:43
Ngọc Bích
(GDVN) - Cuộc trao đổi diễn ra sau bài phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2015-2016 của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Ngay sau lễ khai giảng ấm cúng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bước lên sân khấu giao lưu cùng tân sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cởi bỏ áo vest, xắn tay áo sơ mi và bước lên sân khấu giao lưu cùng tân sinh viên (Ảnh: Ngọc Bích)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cởi bỏ áo vest, xắn tay áo sơ mi và bước lên sân khấu giao lưu cùng tân sinh viên (Ảnh: Ngọc Bích)

"Hiện tại, những môn như Văn học, Triết học, Lịch sử... mai một dần. Ở quê, nhiều người thấy em học triết lại cho rằng... không bình thường. Theo Phó thủ tướng, làm thế nào để khơi dậy niềm tin của mọi người trong những môn học này, và sinh viên có thể sống bằng tình yêu của mình không?", một sinh viên đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, để một đất nước phát triển thì tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước đó phải mạnh. Nhưng liệu có phải chỉ cần mạnh về công nghệ, khoa học ứng dụng?

Các ngành đó rất quan trọng nhưng chưa đủ. Chúng ta có lịch sử nghìn năm hào hùng, chiến thắng thiên tai, địch họa đâu phải chỉ nhờ vào công nghệ? Chúng ta tìm ra con đường đổi mới đâu phải chỉ dựa vào công nghệ? 

Ngay từ ngày đầu thành lập nước Bác Hồ đã viết phía dưới “Việt Nam dân chủ Cộng hòa” là dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Điều đó có nghĩa là xã hội sản xuất để phát triển nhưng chúng ta cũng cần cuộc sống hạnh phúc, đó là những ngành nghề liên quan lĩnh vực nhân văn. 

"Hôm nay, tôi đến đây với các bạn, để nói rằng, các bạn đang theo học ngành này là rất quan trọng”…

Trước băn khoăn về tình trạng thất nghiệp của những ngành xã hội, Phó thủ tướng chia sẻ:

“Các bạn ơi, các bạn đừng già trước tuổi. Các bạn mới là sinh viên năm thứ nhất, hãy khoan nghĩ đến việc chưa tìm được việc làm khi ra trường, đừng nghĩ rằng vào Đại học là trở thành người lớn. Sau 12 năm học tập vất vả, các bạn hãy bước vào đời sống sinh viên bằng nhiệt huyết. 

Học trong sách vở, đi làm thêm, dù học ở đâu đều vô cùng cần thiết và đều chưa ăn thua gì cả. Bốn năm Đại học mới trang bị cho các bạn kiến thức cơ bản về phương pháp và kỹ năng cần thiết". 

Chúng ta còn học hàng ngày, hàng giờ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đang đứng đây và cũng học được ở sinh viên rất nhiều”. 

Phó Thủ tướng cho rằng, đừng so bì bản thân với ai xung quanh mà hãy tự nhủ mình đã cố gắng hết sức chưa? Sự cố gắng sẽ giúp bạn tìm được một chỗ đứng trong xã hội. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với tân sinh viên trường Nhân văn ảnh 2
Các bạn trẻ đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Ảnh: Ngọc Bích)

Khi các bạn sinh viên băn khoăn về việc làm trái ngành, trái nghề, Phó Thủ tướng cho biết, bản thân ông cũng là người làm trái ngành, nghề.

Bởi “tôi từng học khoa Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội, không bao giờ nghĩ rằng sẽ làm về chính trị. Lúc đi học biết chút về Ngoại ngữ nên làm đối ngoại chứ hoàn toàn chưa bao giờ được đào tạo để trở thành Phó Thủ tướng”, Phó Thủ tướng cho biết. 

"Vậy đất nước chúng ta làm sao để giải quyết được vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường?", một sinh viên đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta nhất định phải cố gắng hơn nữa, đừng đòi hỏi gì nhiều bởi kinh tế Việt Nam đang phát triển, có ít nhà đầu tư, ít nhà xưởng, không có nhiều nhà máy, văn phòng thì nhu cầu việc làm sẽ ít.

Chính phủ đã và đang có đường lối chung để khuyến khích phát triển sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Nhưng để một đất nước phát triển, cần có sự tham gia của toàn xã hội.

"Ngoài việc học cho thật giỏi, nghiên cứu khoa học, các bạn cần tham gia hoạt động ngoài xã hội để nhân rộng giá trị tốt đẹp. Khi đó việc làm sẽ đến. Và khi kinh tế phát triển thì những người học Triết học, hay nghiên cứu sâu về khoa học xã hội chắc chắn sẽ có việc làm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ câu chuyện của chính mình, thông điệp của Phó Thủ tướng nhắn gửi đến sinh viên toàn trường: “Hãy sống hết mình, đừng lo mình không chín chắn, đừng lo mình không làm được việc”. 

Ngọc Bích