Cần lắm tấm gương của người thầy

16/09/2015 07:50
Trần Vũ
(GDVN) - “Các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo”

LTS: Những vấn đề bất cập trong giáo dục của Nhà trường thông qua hình ảnh người thầy, người cô được tác giả Trần Vũ (Thị trấn Trảng Bàng- Tây Ninh) thấu hiểu qua những câu chuyện mà bản thân được nghe. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Tôi hiểu, bất kỳ thầy - cô đã đi dạy học, thì lúc nào cũng mong muốn học trò của mình khi ra đời đều thành đạt, sống trung thực, sống có ích cho xã hội, không vi phạm pháp luật của Nhà nước, đó cũng là mơ ước của tất cả phụ huynh khi cho con đi học. 

Ở trường con tôi học, phải đến khi ra trường, con tôi mới kể: Có thầy- cô cắt bỏ hoặc xén bớt chương trình nhưng vẫn ghi đầy đủ số tiết dạy vào sổ đầu bài;

Có thầy - cô chấm điểm không công bằng, học trò khiếu nại đến Ban giám hiệu; có thầy - cô dạy thêm không đúng quy định, phụ huynh bức xúc phản ánh lên cấp trên; có học trò đi học thêm tại nhà thầy mất xe máy cả trường ai cũng biết và còn nữa....

Thế nhưng trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, những thầy cô đó vẫn được khen thưởng là “Lao động tiên tiến ”, “Chiến sĩ thi đua ”.  

Người thầy phải là tấm gương để giáo dục cho học trò từ khi còn học trong trường (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Người thầy phải là tấm gương để giáo dục cho học trò từ khi còn học trong trường (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Nghe con nói, là phụ huynh học sinh, tôi nghĩ những thầy- cô đó có thể “qua mặt” được lãnh đạo nhà trường một khi bộ phận quản lý chuyên môn không sâu sát trong kiểm tra hoặc lãnh đạo và bộ phận kiểm tra cũng thế hoặc do tình cảm- nể nang  và họ “qua mặt” được đồng nghiệp trong trường có thể do họ có “thế ” mạnh hơn nên không ai dám nói hoặc phần đông “an phận”. 

Không biết khi được nhận danh hiệu thi đua và tiền thưởng không đúng tiêu chuẩn, lương tâm họ có bị “cắn rứt” hay không?  Và không biết họ có “xấu hổ” trước thầy - cô và học trò hay không khi bước lên nhận thưởng?

Thầy - cô làm thế, làm sao nhà trường thực hiện tốt mục tiêu của giáo dục phổ thông là:

Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ” ( Điều 2 - Luật Giáo dục ).

Còn học trò, các em vẫn biết thầy - cô làm thế là không trung thực, thì những gì thầy- cô dạy cho chúng không được dối trá trong học tập, trong kiểm tra - thi- cử… thì  hiệu quả mang lại có khi ngược lại với mong muốn; khi ra trường học trò sẽ nói gì và niềm tin vào người thầy chắc chắn ít nhiều sẽ bị giảm sút?  

Cần lắm tấm gương của người thầy ảnh 2

Nơi ấy cần nhiều tình thương

(GDVN) - Hàng triệu ánh mắt đang băn khoăn vừa mừng vừa lo hướng về phía bên kia cổng trường khi năm học nữa lại khai trường.

Thế thì làm sao người thầy giáo dục cho học trò đức tính trung thực một phẩm chất hàng đầu của nhân cách để dần được hoàn thiện khi còn ngồi trên ghế nhà trường và khi ra đời các em không có hành vi gian lận trong cuộc sống, thiết thực góp phần vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Cần lắm thầy - cô ơi ! Người thầy phải là tấm gương để giáo dục cho học trò từ khi còn học trong trường, ngoài giáo dục của gia đình; cả một thế hệ học trò chúng tôi tin tưởng giao cho thầy- cô; mong thầy - cô nhớ lời Bác Hồ dạy: “Học trò tốt, hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”.

Và Người còn căn dặn: “Các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo”.

Trần Vũ