Trung Quốc muốn cạnh tranh với Đức bán tàu ngầm cho Ai Cập
Hãng tin Reuters và BBC Anh, Đài tiếng nói Đức ngày 16 tháng 9 đồng loạt đưa tin, có nguồn tin cho biết, Trung Quốc đang tìm cách bán 2 tàu ngầm cho Ai Cập, giá cả tàu ngầm của Trung Quốc thấp hơn tàu ngầm Đức. Trung Quốc tìm cách mở rộng xuất khẩu tàu ngầm vươn ra ngoài thị trường khách hàng châu Á truyền thống.
Tàu ngầm Hải quân Trung Quốc (nguồn Đài tiếng nói Đức) |
Bắc Kinh thông qua cung cấp ưu đãi vay xuất khẩu hấp dẫn ở châu Á để giành ưu thế trong cạnh tranh với nhà chế tạo tàu ngầm phương Tây.
Đến nay, Trung Quốc đã đạt được hợp đồng mua sắm tàu ngầm với Pakistan và Bangladesh, lần lượt bán 8 tàu ngầm lớp Nguyên và 2 tàu ngầm lớp Minh. Tuy nhiên, kế hoạch bán 3 tàu ngầm cho Thái Lan đã gặp khó khăn, Chính phủ Thái Lan cho biết muốn đánh giá lại nhu cầu mua sắm của họ.
Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) tháng 3 công bố, Trung Quốc đã vượt Đức, vươn lên trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới, có điều, 70% vũ khí xuất khẩu đều dành cho Pakistan, Bangladesh và Myanmar.
Nguồn tin giấu tên trong Quân đội Ai Cập cho biết, Trung Quốc đề xuất bán tàu ngầm cho Cairo. Ai Cập đang tiến hành nghiên cứu, nhưng việc đưa ra quyết định không hề dễ dàng.
Tàu ngầm thông thường lớp Tống do nhà máy đóng tàu Vũ Xương, Trung Quốc chế tạo (nguồn BBC Anh) |
Người phát ngôn Quân đội Ai Cập cho biết, ông không có "(nội dung) chi tiết chính thức" về việc này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng từ chối đưa ra bình luận.
Nguồn tin hiểu rõ việc này cho biết, sau khi Ai Cập đặt mua 2 tàu ngầm Type 209 của Công ty Thyssen Krupp Marine Systems Đức vào năm 2011, giá thành là 920 triệu Euro, Ai Cập còn muốn mua thêm 2 tàu ngầm khác.
Theo bài báo, 2 tàu ngầm Đức dự tính bàn giao vào năm 2017. Nguồn tin cho hay, hiện nay, Công ty Thyssen Krupp Marine Systems Đức đang tiến hành đàm phán với Ai Cập về việc mua thêm 2 tàu ngầm khác. Bộ Kinh tế Đức cho biết, đã phê chuẩn chế tạo 2 tàu ngầm khác cho Ai Cập.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đề nghị Ai Cập cân nhắc mua tàu ngầm mới của Trung Quốc như là một sự lựa chọn với giá rẻ hơn. Song, nguồn tin không rõ chủng loại và điều kiện giá cả cụ thể của tàu ngầm do Trung Quốc đề nghị.
Tàu ngầm Type 033 của Hải quân Ai Cập, do Trung Quốc chế tạo |
Tàu ngầm Trung Quốc do nhà máy đóng tàu Vũ Xương chế tạo. Nhà máy đóng tàu Vũ Xương là doanh nghiệp đóng tàu tổng hợp hiện đại lớn nhất Trung Quốc, trực thuộc Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc.
Theo bình luận của báo chí Đài Loan, Trung Quốc luôn có quan hệ hữu nghị với Ai Cập, vào thập niên 1980 từng bán 4 tàu ngầm động cơ dầu diesel Type 033 lớp Minh và nhiều tàu chiến mặt nước như 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ cho Ai Cập.
4 tàu ngầm này hiện vẫn là tàu ngầm hiện có duy nhất của Hải quân Ai Cập. Những tàu ngầm này đã được cải tạo hiện đại hóa, có thể bắn tên lửa chống hạm UGM-84 và ngư lôi săn ngầm chạy điện MK-37.
Căn cứ vào ghi chép hội đàm do Chính phủ Trung Quốc công bố, tháng 12 năm ngoái, trong thời gian thăm Bắc Kinh, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, hy vọng mở rộng hợp tác trên lĩnh vực quân sự và an ninh.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi |
Đầu tháng 9 năm nay, ông Abdel Fattah el-Sisi tiếp tục đến thăm Trung Quốc, tham dự lễ duyệt binh ngày 3 tháng 9, tiếp tục trao đổi vấn đề tương tự với Tập Cận Bình. Tháng này, Hải quân Trung Quốc và Ai Cập cũng đã tổ chức diễn tập quân sự liên hợp lần đầu tiên ở Địa Trung Hải.
Theo bài báo, hạm đội Trung Quốc hiện nay có khoảng 70 tàu ngầm. Có chuyên gia cho rằng, tàu ngầm xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là tàu ngầm tấn công thông thường lớp Tống, ngoài ra còn có tàu ngầm lớp Nguyên loại cải tiến, trang bị hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP), có thể lặn lâu hơn.
Nhưng, một số chuyên gia phương Tây nghi ngờ về tính năng tàu ngầm Trung Quốc phải chăng có thể đối phó với tàu ngầm phương Tây.
Trung Quốc lấy giá cả rẻ và ưu đãi vay vốn để thu hút các nước đang phát triển, trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh của các nhà sản xuất vũ khí phương Tây, mở rộng thị trường ra ngoài châu Á.
Tàu ngầm thông thường lớp Tống Trung Quốc (nguồn mạng Người quan sát) |
Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc chưa chắc sở hữu tàu ngầm chất lượng tốt nhất, nhưng giá cả thực sự rẻ hơn rất nhiều so với phương Tây, rất có sức hấp dẫn đối với các nước đang phát triển như Ai Cập.
Trung Quốc có đột phá công nghệ tàu ngầm?
Bên cạnh tin về việc Trung Quốc tranh bán tàu ngầm cho Ai Cập với Đức, tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 16 tháng 9 còn dẫn tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 15 tháng 9 đăng bài viết tuyên truyền về công nghệ vật liệu tàu ngầm do Trung Quốc nghiên cứu phát triển.
Theo bài báo, một sự đổi mới công nghệ mang tính đột phá trên lĩnh vực chế tạo sắt thép của các nhà khoa học Trung Quốc có thể sẽ giúp cho tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc có tốc độ nhanh hơn, độ bền tốt hơn so với tàu chiến nước ngoài trong tương lai.
Nhân viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu kim loại, Viện khoa học Trung Quốc cho biết, thép không rỉ (inox) sẽ bị phá hoại và ăn mòn trong môi trường nước biển, nhưng công nghệ mới sẽ có lợi cho tiết kiệm gần nghìn tỷ nhân dân tệ. Mặc dù vẫn ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng loại vật liệu đặc biệt này có thể ứng dụng cho các bộ kiện quan trọng.
Tàu ngầm thông thường Type 209 Đức |
Theo nhà khoa học, công nghệ truyền thống rất khó tăng thêm vật liệu chống ăn mòn cho bộ phận kết cấu, nhưng công nghệ mới sẽ nâng cao rất lớn độ bền của thân tàu.
Theo bài báo, hiện nay, đối với tàu chiến Trung Quốc, nguy hiểm của vi khuẩn (khuẩn que) lớn hơn nhiều so với hải quân địch. Cho dù sử dụng inox thì mỗi năm nó cũng sẽ bị ăn mòn 40 mm, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ và tính cơ động của tàu chiến.
Họ dự đoán, trong nhiên liệu của tàu Trung Quốc có trên 1/3 bị tiêu hao bởi ăn mòn sinh học.
Bài viết cho rằng, mặc dù Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không tiết lộ ảnh hưởng của vấn đề này đối với hạm đội của họ, nhưng Mỹ hàng năm phải chi 23 tỷ USD cho giải quyết vấn đề này. Để nghiên cứu vật liệu mới, đội ngũ nghiên cứu của Trung Quốc đã nhìn lại lịch sử đóng tàu thế giới.
Hải quân Hoàng gia Anh từng phủ đồng vào đáy thuyền gỗ để tránh thân tàu thối rữa, công nghệ quan trọng này đã giúp Anh thực hiện bá chủ trên biển vào cuối thế kỷ 18. Nhưng, cùng với mọi người sử dụng vật liệu kim loại đóng tàu, công nghệ này từng bước bị loại bỏ.
Tàu ngầm thông thường Type 209 Đức |
Đội ngũ nghiên cứu của Trung Quốc thử nghiệm kết hợp đồng với sắt không rỉ (inox), những nỗ lực này đã kéo dài hơn 10 năm. Cuối cùng tìm được phương pháp đúng đắn để tối đa hóa hiệu ứng sát khuẩn của ion đồng, đồng thời không ảnh hưởng đến cường độ của sắt thép.
Căn cứ vào luận văn công khai của đội ngũ này, tỷ lệ sát khuẩn trong thời gian 1 tuần của loại hợp chất đồng-sắt này đạt 97%, có thể chống ăn mòn và diệt trừ hiệu quả màng sinh học.