LTS: Tiếp tục bàn về chuyện tiền trường đầu năm học mới, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ quan điểm của mình trước vấn nạn lạm thu.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Năm nào cũng thế, cứ vào đầu năm học mới dư luận lại dậy sóng vì nhiều chuyện xảy ra trong ngành giáo dục, nơi dạy chữ, dạy người.
Nơi lẽ ra chỉ có những điều tốt đẹp tồn tại thì nay đang bị vấy bẩn bởi những việc làm thực dụng của một số hiệu trưởng nhưng núp danh trường học để tư lợi túi riêng của mình.
Chỉ là số ít cá nhân nhưng cả ngành giáo dục đang bị mang tiếng đã đang làm hình ảnh những thầy cô giáo trở nên thực dụng, vô cảm với bao nỗi thống khổ của cha mẹ học sinh.
Từ chuyện đồng phục
Học sinh đến trường phải mặc đồng phục điều này chẳng có gì sai và đáng bàn cãi nhưng cha mẹ các em có thể mua ở đâu thì tùy miễn đúng như mẫu mã quy định của nhà trường.
Chẳng có đồng phục học sinh nào đẹp hơn quần xanh áo trắng nhưng nhiều trường lại biến những cô cậu học trò ngây thơ thành những “hot girl, hot boy” hay giống các tài tử Hàn Quốc bởi những bộ đồ đồng phục cầu kì, rườm rà đến nhức mắt và giá thành những bộ đồ lên đến bạc triệu trong khi nếu mua ở ngoài có khi rẻ hơn đến cả trăm nghìn.
Chẳng có đồng phục học sinh nào đẹp hơn quần xanh áo trắng nhưng nhiều trường lại biến những cô cậu học trò ngây thơ thành những “hot girl, hot boy” (Ảnh minh họa từ tuoitre.vn) |
Sợ học sinh sài lại đồ cũ, mỗi năm trường lại thay đổi mẫu, màu sắc một lần vào thời gian cận kề ngày nhập trường để phụ huynh “trở tay không kịp”...
Chưa nói đến việc đặt may ở một cơ sở nào đó họ thường có “hoa hồng” trở lại để giữ mối mà khoản chênh lệch mấy chục nghìn/bộ đồ so với giá thực của hàng ngàn bộ đồ như thế không phải là khoản tiền nhỏ, nó đã làm cho nhiều hiệu trưởng quên đi nỗi thống khổ, nhọc nhằn của nhiều phụ huynh.
Đến chuyện lạm thu
Chuyện đồng phục chưa kịp lắng xuống, chuyện lạm thu lại gây nhức nhối, bất bình cho nhiều người.
Nhiều trường học ở khắp nơi đã đưa ra mức thu “trên trời” cho biết bao nhiêu khoản mà chỉ nghe thôi cũng hết sức vô lý. Thu tiền giữ xe đạp 108 nghìn đồng/ học sinh trong khi trường nào chẳng có bảo vệ.
Tiền vở in tên trường cho đồng bộ 260 nghìn đồng/ bộ vở, tiền sổ liên lạc điện tử trong khi đã có phiếu liên lạc, tiền mua điều hòa nhưng điều hòa vẫn chạy tốt....có trường đã được phụ huynh liệt kê khoảng 17 danh mục cần phải đóng với số tiền lên đến vài triệu đồng một em.
Đi họp phụ huynh chỉ để nộp tiền, phí công, đến làm gì?(GDVN) - Người giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ không đơn thuần chỉ thay mặt nhà trường đọc thông báo thu chi một cách lạnh lùng đầy vô cảm. |
Phụ huynh thì “ngậm đắng nuốt cay” móc hầu bao đóng cho con, đa phần giáo viên cũng phải “muối mặt” để thông báo các khoản thu nhiều khi chính họ cũng thấy vô lý và sau cùng là “è cổ” ra để nhắc nhở, để hù dọa thu sao cho đạt...
Những chuyện không đẹp như thế năm nào cũng xảy ra làm dư luận bất bình, lên án và chửi rủa hết lời, nhiều thầy cô trong ngành giáo dục cũng chột dạ và bị vạ lây.
Rồi biết bao cuộc thanh tra, bao quyết định chống lạm thu, quyết định cấm ép học sinh mua đồng phục được ban hành nhưng “quyết” thì cứ “quyết” mọi chuyện vẫn cứ được “định” như cũ mà chẳng thấy thay đổi gì, có khi những khoản thu năm sau lại cao hơn năm trước.
Muôn sự cũng tại chữ “tiền”, tiền đã làm mờ mắt nhiều người nên họ phớt lờ mọi lệnh cấm. Nhiều hiệu trưởng đã biến trường học nơi chỉ dạy chữ, dạy người trở thành nơi kinh doanh, nơi “tận thu”, nơi đem đến cho bao người dân nỗi lo về tiền bạc vào mỗi năm học mới.
Công văn cấm đầu này, họ tìm cách lách đầu kia vì thế việc lạm thu vẫn không có hồi kết. Chỉ khi nào người làm lãnh đạo các trường học thấu hiểu nỗi khổ của phụ huynh đang phải vắt kiệt sức mình bòn mót, chắt chiu những đồng tiền để mua cho con cái chữ thì chừng đó việc lạm thu mới được giải quyết.