Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 18 tháng 9 dẫn báo Nhật cho rằng, Nhật Bản, Đức và Pháp đang tranh thủ trở thành đối tượng hợp tác chế tạo tàu ngầm thế hệ mới của Australia. Do Australia thay Thủ tướng, có quan điểm cho rằng Nhật Bản có thể sẽ đối mặt với cục diện bất lợi.
Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (trái) |
Báo chí Nhật Bản phân tích cho rằng, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott coi trọng hợp tác an ninh với Nhật Bản và Mỹ từ góc độ chiến lược. Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull được cho là ưu tiên xem xét thông qua chương trình tàu ngầm để mở rộng việc làm ở miền nam Australia.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản, các công ty của Đức và Pháp đã tham dự tranh thầu tàu ngầm của Australia. Các công ty của Pháp và Đức đề xuất tàu ngầm có thể hoàn toàn chế tạo ở Adelaide, bang South Australia, nơi tập trung ngành công nghiệp quân sự. Phương án tranh thầu của Nhật Bản được hiểu là một phần tàu ngầm phải chế tạo ở Nhật Bản.
Theo bài báo, ông Malcolm Turnbull cam kết sẽ đến Adelaide trong thời gian tới. Tập trung vào cuộc bầu cử khóa tới, bên ngoài cho rằng, ông Malcolm Turnbull sẽ dành nhiều quan tâm hơn tới Adelaide.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Adelaide chờ mong thông qua nâng cao tỷ lệ chế tạo tàu ngầm ở địa phương để mở rộng việc làm. Có chuyên gia cho rằng, điều này làm cho phương án tranh thầu của Nhật Bản đứng ở thế bất lợi.
Mặt khác, ông Malcolm Turnbull sẽ thành lập chính phủ mới vào tuần tới, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng là Bộ trưởng Giáo dục hiện nay được chọn từ Adelaide, ông Christopher Pyne. Điều này cũng đem lại lợi ích cho Adelaide.
Đứng trước thế tấn công của các công ty Pháp và Đức, Nhật Bản cũng cho biết sẽ "nghiên cứu nghiêm túc" việc chế tạo tàu ngầm ở địa phương, chính thức muốn xóa tan nghi ngờ của phía Australia.
Trước đó, trong cuộc họp báo, nói về ciệc ông Malcolm Turnbull lên làm Tân Thủ tướng Australia, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết "sẽ nỗ lực tiếp tục tăng cường quan hệ với đối tác quan trọng".
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida |
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng chỉ ra "quan hệ Nhật Bản-Australia trở nên ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có tình hình ngày càng thay đổi. Hy vọng nỗ lực cho hợp tác chặt chẽ, cùng phát triển".
Hãng tin Reuters Anh ngày 18 tháng 9 cũng có bài viết cho rằng, Thủ tướng Australia Tony Abbott ra đi đã tiếp tục làm suy yếu đầu tư của Nhật Bản đối với chương trình tàu ngầm trị giá 50 tỷ đô la Úc (36 tỷ USD) của Australia.
Ông Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản có quan hệ thân thiết, vì vậy Nhật Bản trở thành người đi đầu trong tranh thầu. Nhưng, một loạt sai lầm của công nghiệp nặng Mitsubishi và công nghiệp nặng Kawasaki đã làm cho cơ hội trúng thầu của Nhật Bản trong vài tháng gần đây đã giảm đi.
Theo các chuyên gia, những sai lầm này làm lộ rõ thiếu kinh nghiệm của Nhật Bản trong đấu thầu hợp đồng quốc phòng trên thế giới, thể hiện tầm quan trọng của ông Tony Abbott và việc ra đi của ông có thể làm cho Nhật Bản đối mặt với khó khăn.
Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott coi trọng quan hệ với Mỹ và Nhật Bản |
Một nguồn tin trong ngành quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo cho rằng: "Chúng tôi vẫn chưa rõ sẽ có ảnh hưởng gì, vì vậy, điều chúng tôi có thể làm chỉ có thúc đẩy bỏ thầu". "Nhưng chúng tôi không có nhiều khả năng nhìn thấy mức độ thân cận trước đó".
Ba nguồn tin từ Canberra cho rằng, sau khi ông Tony Abbottv và Andrew Shearer - cố vấn an ninh quốc gia thân Nhật của ông ra đi, trong nội các Australia không còn có tiếng nói thân Nhật mạnh mẽ.
"Chúng tôi luôn nói cần căn cứ vào chất lượng để đưa ra quyết định, hiện nay, chúng tôi có niềm tin đáng kể đối với vấn đề này" - một nguồn tin từ Australia tham gia đấu thầu cho biết.
Theo công ty phát thanh Australia, trước đây, có quan chức quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, Australia "không chế tạo được" tàu ngầm tiên tiến do Nhật Bản thiết kế, ngầm cho biết, Australia nếu quyết định mua tàu ngầm mới của Nhật Bản, cần được giao hàng sau khi chế tạo ở Nhật Bản, chứ không phải chế tạo ở Australia.
Thủ tướng Australia Tony Abbott và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews trong một chuyến thăm đến Adedalai gần đây |
Phát biểu này đã chọc giận Australia, một thượng nghị sĩ Australia có ảnh hưởng cho biết, phát biểu này cho thấy, Nhật Bản "chưa chuẩn bị tốt" tham gia kế hoạch thay thế tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử Australia.
Căn cứ vào chiến lược quốc phòng của Chính phủ Australia, Australia sẽ từng bước thay thế lực lượng tàu ngầm lớp Collins thập niên 90 của thế kỷ 20. Kim ngạch đơn đặt hàng tàu ngầm mới gần 40 tỷ USD. Dựa vào công nghệ cao cấp của ngành đóng tàu, Nhật Bản được cho là đối thủ cạnh tranh nặng ký của đơn đặt hàng tàu ngầm mới.
Tuy nhiên, do chịu sức ép của việc bảo vệ ngành nghề và việc làm trong nước, Chính phủ Australia hy vọng tàu ngầm mới có thể chế tạo ở trong nước.
Đối với vấn đề này, cựu sĩ quan chỉ huy lực lượng tàu ngầm Nhật Bản Masao Kobayashi cho biết Australia "không có đủ công nhân lành nghề để chế tạo loại vật liệu thép cao áp này, chế tạo ở Nhật Bản đã rất khó khăn".
Tàu ngầm thông thường AIP Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu Nhật Bản hạ thủy sáng ngày 31 tháng 10 năm 2013 |
Thượng nghị sĩ độc lập Australia Xenophon từng cho rằng, phát biểu của quan chức Nhật Bản là "làm nhục" Australia. Mọi người đều biết, Đức và Pháp đang tích cực thúc đẩy bán tàu ngầm cao cấp cho Australia, "sẵn sàng chế tạo tàu ngầm ở Australia".
Trong khi đó Nhật Bản "dường như đang tìm lý do, làm cho tiền của người nộp thuế Australia chi tiêu ở Nhật Bản". Xenophon cho rằng: "Người Nhật Bản chưa bao giờ xuất khẩu tàu ngầm, những phát biểu này cho thấy họ rõ ràng không làm được".