LTS: Có cha mẹ nào mà không yêu con? Câu hỏi tưởng như thừa hay tựa quá ngây thơ! Bởi lẽ ai trong chúng ta mà chẳng tìm mọi cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan, tìm môi trường học “xịn nhất” và định hướng cho bằng tất cả những gì mình có.
Nhiều cha mẹ rất chăm chỉ đọc sách mà vẫn nhọc nhằn nuôi con. Bởi sách vở chỉ cho lời khuyên nhưng cách áp dụng hay nghệ thuật giáo dục lại đang nằm trong tay bạn.
Đúc kết kinh nghiệm tư vấn hàng ngàn gia đình, chuyên gia giáo dục Nguyễn Đình Sơn (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) cùng chia sẻ một góc nhìn giáo dục “Kiểu ban phát”.
Ban phát vật chất - Thừa mà thiếu
Có phải vì trước đây chúng ta kham khổ nên không muốn để con mình thiếu thốn? Thế là những công thức đầy chất dinh dưỡng được áp dụng vào từng bữa ăn.
Cách chế biến đơn điệu và bệnh “nhồi” dẫn đến hệ lụy ăn là phải ra khỏi nhà, vừa ăn vừa chơi điện thoại hay xem tivi. Lớn lên ta luôn hỏi “Mai con thích ăn gì”? Một câu hỏi rất đơn giản mà tạo ra cho con thói quen được phục vụ.
Dần dà những cô ấm, cậu chiêu miễn nhiễm một số đồ ăn, hay sau này có thói quen đòi hỏi từ người khác. Có những gia đình chăm chiều con đến tập 20 tuổi mà con chưa thể nấu bát canh hay tự tráng trứng, gọt hoa quả cho chính mình. Vậy chúng ta đang dạy con sống tự lập hay nuôi dưỡng sự phụ thuộc vào ta cả đời?
Chúng ta cố cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhưng vô tình lại “đánh cắp” đi của con trẻ thói quen ăn uống lành mạnh và ý thức vật chất.
Đúng hơn chúng ta tự tước đi bầu không khí đầm ấm trong những bữa cơm tối, không sẻ chia những thông tin vui vẻ, chưa kịp dạy con cách tự nấu, tự dọn, tự chăm sóc bản thân.
Ảnh minh họa. Tuổi trẻ |
Nếu chúng ta cứ cam tâm làm “nô lệ” cho con từ việc nhỏ đến việc lớn thì ta sẽ đúc ra một những con người đài các, ỷ lại, thụ động, ích kỷ, vô ý thức.
Liệu có đòi hỏi con hiếu thảo khi chính ta chưa từng dạy con gắp miếng ngon mời người thân nhỉ! Đó có phải lỗi hệ thống giáo dục hay là lựa chọn của mỗi bậc cha mẹ chúng ta!
Ban phát yêu thương
Nuông chiều con nhỏ như trung tâm trong gia đình là tự bạn đã tạo cho con uy quyền, thói la hét của ông hoàng bà chúa khi không được đáp ứng theo ý của mình.
Bội thực lời khen dành cho tuổi teen cũng sẽ vô nghĩa khi con đang cần ở ta những biểu cảm chân thành, sự chia sẻ trách nhiệm, khích lệ sự can đảm trong từng hành động.
Có bậc cha mẹ mắc những căn bệnh so sánh, giận hờn hay tỏ uy quyền, thì vô hình bạn đã chia tách tình thương khiến các con phải nói xấu và chiến đấu với nhau.
Đó là kiểu giáo dục “Dẫm đạp lên nhau để giành giật tình thương”. Nếu không giành được, chúng sẽ quay sang chọc ghẹo, ghét em, đánh em cho bõ tức. Vậy lỗi đó có thuộc về con trẻ và hệ thống giáo dục trường học?
“Thương con như thế bằng mười hại con”(GDVN) - Yêu thương con cái không có nghĩa dành làm hết mọi công việc của con. Hãy dành thời gian dạy con những việc làm đơn giản, phù hợp nhất. |
Giúp con biết cảm ơn khi được nhận quà và biết xin lỗi khi mình chưa đúng, dù điều đó có thể là rất khó. Khi con bước sang tuổi dạy thì mà ta vẫn giữ thói quen truy xét, tra hỏi về điểm số, bài tập hoặc câu hỏi vô nghĩa “Hôm nay ở trường có chuyện gì không?”, bạn sẽ nhận được câu trả “bình thường hay không ạ”.
Con sẽ thấy vui khi bạn dành ít nhất mỗi tuần 2 tiếng cùng chơi, và cùng mở lòng chia sẻ. Điều quan trọng là bạn cần học cách lắng nghe, chấp nhận và tôn trọng những gì con nói bằng những biểu đạt rõ ràng “Mẹ thấy vui, thấy rất tốt, hãnh diện, hài lòng, thích, tự hào, hạnh phúc, an tâm…”.
Thay cho việc “nhảy vào cổ họng” khi con đang nói hay chụp mũ và răn dạy, bạn thử gợi ý, đưa lựa chọn khác, góc nhìn khác giúp con tự trả lời.
Tránh căn bệnh “nhanh và ngay” bằng điều tiết cảm xúc của mình và con. Có lần sau khi chia sẻ, con trai tôi nói như quát “Bố nói lan man và phản ứng như của đứa trẻ bị dành miếng bánh”.
Tôi bình tĩnh ghi chép và đóng khung lại những nhận xét này trên một trang giấy. Sau 3 ngày chúng tôi nhẹ nhàng đặt câu hỏi một cách tế nhị giúp con liên tưởng đến câu nói chưa phù hợp của mình.
Để cuối cùng chàng trai 16 tuổi nhận ra rằng “Con nợ bố một lời xin lỗi!” Bạn luôn hành động vì con nhưng hãy tĩnh lặng tự hỏi “Mình đã có nghệ thuật làm cha mẹ, dẫn dắt mọi tình huống để đạt được mục đích giáo dục?”.
Lời kết “Không có gì là chân lý đúng sai – Mà chỉ có lựa chọn giá trị giáo dục sẽ tạo nên con người”.