Áp mã thuế sai, thất thoát hàng nghìn tỷ: Đủ căn cứ khởi tố!

04/10/2011 14:45
P.V
(GDVN) - Vụ việc “Áp mã thuế sai, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng” theo LS Trần Đình Triển: Đã đủ căn cứ để cơ quan chức năng khởi tố vụ án...
Sau vụ việc “Áp mã thuế sai, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng” được báo chí phản ánh, dư luận cho rằng đây chính là chiêu bài “đánh lận con đen” hết sức nguy hiểm của cơ quan quản lý là Tổng cục Hải quan, để bảo trợ cho một số doanh nghiệp nhập khẩu lúa mỳ tại Việt Nam.

Xung quanh vụ việc gây bức xúc trong dư luận trong việc áp mã thuế sai cho nhập khẩu lúa mỳ, ngày 2/10/2011, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân.

Luật sư Trần Đình Triển đánh giá: Hiện nay, tình hình đất nước còn đang rất khó khăn, thực trạng ngân sách nhà nước thu không đủ chi, nhà nước và nhân dân đang tiết kiệm từng đồng để đảm bảo đời sống và thúc đẩy các ngành kinh tế, sản xuất phát triển.
DN khai báo nhập lúa mì về làm thức ăn cho người tính thuế NK ưu đãi 5%, có DN khai báo NK lúa mì về dùng làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì tính thuế NK 0%. Ảnh: DĐDN.
DN khai báo nhập lúa mì về làm thức ăn cho người tính thuế NK ưu đãi 5%, có DN khai báo NK lúa mì về dùng làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì tính thuế NK 0%. Ảnh: DĐDN.

Về phương diện Nhà nước thì tìm mọi nguồn thu để tăng nguồn thu cho ngân sách, việc thất thu thuế từ việc nhập khẩu lúa mỳ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, từ việc ban hành văn bản trái quy định, trái pháp luật của Tổng cục Hải Quan là không thể chấp nhận được.

Luật sư Trần Đình Triển phân tích: “Cụ thể, theo các quy định của pháp luật, mức thuế xuất (biểu thuế-PV) đã được ban hành thành luật, muốn điều chỉnh mức thuế xuất (biểu thuế) thì phải do cơ quan Quốc hội quyết định.

Mức áp thuế nhập khẩu đối với lúa mỳ, về luật thế xuất nhập khẩu đã được quy định trong biểu thuế (mức thuế nhập khẩu là 20%). Ở đây, Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn luật thuế, Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định, còn Tổng cục Hải quan là đơn vị phải tổ chức và thi hành để thực hiện việc quản lý việc nhập khẩu này và áp dụng thuế xuất (biểu thuế) này. Tổng cục Hải Quan không có đủ thẩm quyền để tự ý thay đổi thuế xuất (biểu thuế) nhập khẩu lúa mỳ.

Luật sư Triển khẳng định: “Vậy mà Tổng cục Hải Quan ban hành văn bản hướng dẫn (Công văn số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006-PV) cho các Cục và các Chi cục Hải quan các địa phương làm thay đổi cơ bản tính chất và nội dung đối tượng được áp dụng của luật thế xuất nhập khẩu thuế xuất (biểu thuế) này. Đây là một hành vi làm trái và vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Đã đủ căn cứ để cơ quan chức năng khởi tối vụ án về đối tượng cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời cần phải có biện pháp thu hồi số tiền thuế đã thất thoát đó vào cho ngân sách nhà nước.

Đánh giá tính chất sai phạm nghiêm trọng của sự việc này, luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Nếu như trong vụ án cố ý làm trái ở Tập đoàn Vinashin con số thất thoát là hơn 900 tỷ đã là một sự kinh hoàng, nhưng có thể nói nó vẫn chưa ăn thua gì so với số tiền thất thoát trong vụ việc này.

Thống kê của hải quan các địa phương trong 5 tháng đầu năm 2010 cho thấy, số thuế thu từ 453.000 tấn lúa mỳ nhập khẩu với mức thuế suất 5% đã là 801,4 tỷ đồng. Nếu tính đúng, tính đủ theo mức thuế suất 20%, thì số thuế thu được sẽ phải là hơn 3.200 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy con số thất thu trong một thời gian ngắn đã lên tới 2.400 tỷ đồng. Nếu tính cả 4 năm áp sai thuế suất, con số thất thu sẽ là bao nhiêu? Điều này cần phải có một cuộc điều tra toàn diện mới có thể làm rõ được.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội đánh giá: Nếu sự việc đúng như các cơ quan báo chí, pháp luật phản ánh, thì Chính Phủ hoặc Bộ tài chính cần phải vào cuộc làm rõ và có yêu cầu làm giải trình từ bản thân ông Nguyễn Ngọc Túc (lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan – người đã ký văn bản chỉ đạo – PV), sau đó tùy lỗi để xử lý. Nhẹ thì hạ cấp, nặng thì cách chức, truy tố trước pháp luật và có chế tài bồi thường theo quy định bồi thường hiện hành của Nhà nước khi công chức phạm lỗi gây hậu quả thiệt hại vật chất...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra một ví dụ: Trước đây ở Bộ tài chính cũng đã có một vụ việc: áp mức thuế sai cho một công ty dẫn đến cơ quan pháp luật đã truy tố nguyên 6 cán bộ tài chính và họ đã phải chịu tội trước pháp luật.


P.V