Một “chuyên gia pha chế số phận”

27/09/2015 07:36
Huỳnh Cam
(GDVN) - Rồi đây, cha em sẽ về lo việc công lẫn việc gia đình, liệu có lo nổi việc đưa rước và chăm sóc em ở nơi phố thị?

Vừa qua trong đợt xét tuyển Đại học – Cao đẳng ở trường Đại học An Giang có một thí sinh trúng tuyển trong hoàn cảnh “đặc biệt”. Đó là tân sinh viên Chau Giàu – người dân tộc Khmer, quê tại xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
  
Chau Giàu đã thi đỗ thủ khoa ngành Công nghệ thông tin (với 24,75 điểm) và đến với giảng đường Đại học bằng chính “đôi chân” của cha mẹ mình...

Lạc quan mỗi ngày đến trường 

Bị teo cơ từ lúc lên 3 tuổi, sức khỏe kém, đến năm học lớp 8 em bắt đầu không thể đi đứng và sinh hoạt bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. 

Chính vì thế, con đường đến trường đối với Giàu vô cùng gian nan từ những năm Tiểu học, em đã phải đi lắc lư bằng ngón chân nên rất dễ bị ngã. Do bị ngã nhiều nên dường như dần dần em không còn sợ ngã nữa, những vết sẹo cứ thế mà nhiều lên theo năm tháng vất vả đến trường học cái chữ của em. 

Giàu nhớ lại, lớp 1 là năm học em nhớ nhất bởi đến trường học cái chữ đã khó nhưng để vượt qua sợ trêu chọc của bạn bè mới thật sự khó. 

Thế nhưng những thử thách ấy chẳng là gì so với nỗi khủng hoảng tinh thần  năm 14 tuổi (lớp 8), khi tay chân ngày một teo, Giàu chỉ có thể ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến cha mẹ. 

Cha bồng bế Chau Giàu trong căn phòng tại Ký túc xá (Ảnh: Huỳnh Cam)
Cha bồng bế Chau Giàu trong căn phòng tại Ký túc xá (Ảnh: Huỳnh Cam)

Dáng ngồi học khúm núm vì cột sống cong vẹo nhức mỏi ê ẩm, bàn tay gầy guộc run run theo từng nét chữ… hình ảnh ấy lặp lại hàng ngày đã khiến cha mẹ Giàu chạnh lòng, xót xa. 

Thương con vất vả nên vào cuối năm học lớp 9, cha mẹ thuyết phục em thôi học. Suốt khoảng thời gian các bạn ôn thi vào lớp 10, Giàu ở nhà cứ mãi ngậm ngùi nghĩ đến việc học dang dở của mình. Thương cha mẹ đã phải cố gắng, khổ tâm nhiều nên Giàu không dám mở lời xin cha mẹ cho em đi học tiếp. 

Là Trưởng ấp - ấp Tô Lợi, xã Cô Tô, ngày ngày cha Giàu tất bật lo nhiều việc cho bà con trong ấp, rồi phải dãi nắng dầm mưa với 5 sào ruộng để kiếm kế sinh nhai; còn mẹ thì từ ngày lo chăm sóc 3 anh em Giàu (đứa em út hiện đang học lớp 2) đã phải nghỉ việc; tài chính gia đình từ đó trở nên hạn hẹp, thiếu thốn…

Bất ngờ lớn nhất đối với Giàu là đúng ngày thi, cha mẹ đổi ý, lại bồng bế Giàu đến trường thi và hồi hộp mong chờ thành tích vượt bậc của con trai mình. 

Không để cha mẹ thất vọng, năm đó Giàu đỗ vào lớp 10 với số điểm cao đứng thứ 3 toàn trường. Điều kỳ diệu đã đến, suốt những năm phổ thông cấp ba, mặc dù Giàu bệnh triền miên, có khi phải nằm viện cả tháng ròng vì viêm phổi tái phát nhưng Giàu vẫn theo kịp bài vở với các bạn. 

Con đường đến trường hơn 3 cây số, nhiều ổ gà ổ voi, có đoạn đang tu sửa gặp phải mưa thì lầy lội vô cùng, bằng tình thương vô bờ của người cha, chú Chau Kole ngày ngày chở Giàu đến trường với mong muốn sau này con mình có hiểu biết, có ích cho xã hội.

Một “chuyên gia pha chế số phận” ảnh 2
Chau Giàu cùng cha mẹ và bạn học tại Ký túc xá trường Đại học An Giang (Ảnh: Huỳnh Cam)

Là người luôn quan tâm và hỗ trợ Chau Giàu trong suốt quá trình học tập tại Trường Phổ thông Cô Tô (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn), thầy Lê Văn Quốc – Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 chia sẻ:

Chau Giàu rất năng động, lúc nào cũng giữ tinh thần lạc quan dẫu cho điều kiện sức khỏe của em không đảm bảo. 

Đầu năm lớp 12, Giàu nằm viện điều trị bệnh lý về gan, thận nên em phải nghỉ học hai tuần lễ. Bệnh tình vừa thuyên giảm chút ít, em lại tiếp tục đến trường. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Giàu, nhà trường sắp xếp cho em chỉ học chính khóa buổi sáng; còn các giờ học phụ đạo thì em tự mày mò nghiên cứu ở nhà. Em là một trong những gương điển hình trong việc giúp đỡ bạn bè học tập để cùng tiến bộ. Ở trường, Chau Giàu luôn được thầy yêu bạn mến…
”.

Cuộc gặp gỡ nhiều ấn tượng  


Biết tin thi đỗ Đại học của Chau Giàu, gia đình em lo nhiều hơn mừng. Sau nhiều ngày trằn trọc, tính toán đủ mọi cách thức, cha mẹ em không tìm ra được cách nào vẹn toàn để con nhập học, đành nói với con hãy tạm gác lại ước mơ đến trường. 

Nhận được sự liên hệ, vận động từ phía đại diện Hội sinh viên trường Đại học An Giang, bằng giọng chắc nịch rắn rỏi pha lẫn chút tinh nghịch, hài hước của tuổi trẻ, tân sinh viên Chau Giàu hứa sẽ cố gắng thuyết phục họ hàng, gia đình dù thế nào cũng cho em được thử sức đến với giảng đường Đại học.

Tôi gặp Chau Giàu trong căn phòng nhỏ tại Ký túc xá Tịnh Biên, khi em vừa nghỉ ngơi sau hơn hai giờ đồng hồ ngồi xe gắn máy từ nhà đến trường nhập học. 

Em chào đón tôi bằng nụ cười tươi tắn, rạng rỡ và giọng nói khỏe khoắn, tự tin. Tôi bảo em hãy nằm cho khỏe cái lưng vì biết rằng cách nay không lâu, em bị ngã làm cột sống chấn thương thêm nhiều. Nhưng em vẫn cố gắng ngồi để cuộc trò chuyện được bắt đầu. 

Lúc đó, cha mẹ Chau Giàu lay hoay dọn dẹp phòng, căn phòng trước đây là chỗ nghỉ ngơi của thầy cô trong Ban quản lý Ký túc xá, hiện tại nhà trường đã ưu ái dành cho em. 

Một “chuyên gia pha chế số phận” ảnh 3
Chau Giàu nhận phần quà khen thưởng thành tích Thủ khoa đầu ngành từ nhà tài trợ (Ảnh: Huỳnh Cam)

Đại diện các tổ chức Đoàn thể, lãnh đạo phòng Công tác sinh viên cũng đã đến thăm và trực tiếp trao cho Giàu các suất học bổng xem như là những hỗ trợ ban đầu cho em yên tâm nhập học. 

Cảnh tượng trước mắt tôi là sự lễ phép vui vẻ của Giàu, ánh mắt trìu mến thân thương của người cha, tay chân cặm cụi làm việc của người mẹ.

Tình cờ hôm ấy, một người thầy trong Ban quản lý Ký túc xá cùng đến thăm hỏi Giàu, thầy ủng hộ em cả vật chất và tinh thần nhưng em xin phép chỉ nhận những gì thuộc về tinh thần. 

Em thẳng thắn nói bằng giọng thật thà, chân chất rằng: “Thầy đã lớn tuổi, thầy còn phải lo cho gia đình nữa. Tiền này là công sức mồ hôi nước mắt của thầy, con không thể nhận”. 

Có lẽ sự giúp đỡ của mọi người, Giàu rất đỗi biết ơn, song em vẫn cảm thấy có chút ái ngại. Tôi ấn tượng về Giàu, không chỉ ở nghị lực khát khao đến trường, tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, em còn cho tôi thấy ở em lòng tự trọng, sự bản lĩnh và cách sống cách nghĩ cho mọi người xung quanh.

Mấy ngày qua, mưa bão cả ngày, phòng Công tác sinh viên sắp xếp ưu tiên cho em chuyển buổi học tuần sinh hoạt công dân sang ban ngày và cho phép em chỉ học 2 buổi học thực sự cần thiết đối với em. 

Tuy vậy, tối nào em cũng cùng cha mẹ đội mưa đến lớp theo đúng lịch học ban đầu. Hôm đầu tiên đi học, vì chưa quen đường nên cha Giàu đã lạc đường, phải chạy lòng vòng dưới làn mưa xối xả. 

Tình cảnh ấy khiến cha mẹ em lần nữa lo ngại, thoái chí. Rồi đây, cha em sẽ về lo việc công lẫn việc gia đình, mẹ em thì đi xe đạp chưa thạo, tiếng Việt thì chỉ biết vài câu đơn giản, liệu có lo nổi việc đưa rước và chăm sóc em ở nơi phố thị? 

Nhưng nghĩ đến việc những ngày trước, Giàu không thiết tha ăn uống chỉ vì cha mẹ, họ hàng khuyên can không nên cho em học tiếp lên Đại học thì cha mẹ lại bấm bụng mà động viên nhau “thôi cứ lo cho con đi học bằng bạn bằng bè, tới đâu thì hay tới đó”. 

Niềm vui sống đã biến giấc mơ thành hiện thực


Còn nhớ, một trong những bậc thầy vĩ đại của văn học Pháp – Victor Hugo đã từng phát biểu rằng: “Khi số phận đưa đến một quả chanh chua là muốn ta pha chế nó thành nước chanh”. 

Nếu xét theo quan điểm này thì Chau Giàu đã trở thành một “chuyên gia pha chế tài ba”. Quyết không đầu hàng số phận, giấc mơ được học Đại học để sau này trở thành người hữu ích luôn thường trực trong Giàu. 

Thành tích khá giỏi 12 năm phổ thông và thủ khoa ngành Công nghệ thông tin trường Đại học An Giang là một trong những minh chứng giàu sức thuyết phục. 

Có lẽ niềm vui sống cùng với nghị lực vượt khó đã giúp cậu sinh viên tật nguyền, nặng không tới 26 kg chiến thắng bao thử thách, trở ngại. 

Giàu nhớ lại, em đã từng được tham gia luyện thi học sinh giỏi môn Toán (lớp 9) và môn Hóa (lớp 12) nhưng lần nào em cũng chỉ ở nhà đợi tin vui của các bạn vì cứ đến đợt thi là em ngã bệnh. 

Mấy tháng nay chắc trời phật thương nên căn bệnh viêm phổi mạn tính của em không bộc phát, tuy vậy để vượt qua kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa rồi, em đã phải chống chọi với căn bệnh viêm loét dạ dày. 

Để có thể theo kịp với các bạn, em thường tự học ở nhà, phương pháp hữu hiệu nhất là tích cực mua thêm sách bài tập nâng cao về mày mò nghiền ngẫm, tìm thêm tài liệu, xem bài giảng trên Youtube... 

Chiếc điện thoại cũ kỹ - công cụ để em thâu tóm thêm kiến thức đã trở thành người bạn thân thiết, cùng em chinh phục những rào cản, khó khăn bởi những khiếm khuyết thân thể. 

Một “chuyên gia pha chế số phận” ảnh 4
Chau Giàu vui tươi cùng bạn bè trong lễ khai giảng năm học mới (Ảnh: Huỳnh Cam)

Năm học lớp 12 là khoảng thời gian nỗ lực phi thường của Giàu, có đêm em thức đến 3 giờ sáng và nhiều hôm bạn bè đến nhà cùng học nhóm, em bỏ cả buổi ăn trưa. 

Chú Chau Kole, cha của em tâm sự: “Nhiều khi thấy con ngồi hoài một chỗ để chỉ bài cho các bạn, không ăn uống gì cả,… Các bạn của con có thể đi tới đi lui, rượt đuổi vui đùa, còn con mình thì ngồi yên một chỗ đến mỏi cả lưng… Làm cha mẹ thấy cảnh đó, ai mà chẳng xót”. 

Thế nhưng, sự chân thành trong tình bạn và ý chí lúc nào cũng chịu thương chịu khó ấy đã giúp Giàu chiến thắng nghịch cảnh. Em luôn đứng đầu lớp về điểm số môn Toán (trên 9.0). 

Không chỉ vậy em dẫn đầu trường về điểm thi môn Toán trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia vừa rồi. Tươi cười, một nụ cười của sự mãn nguyện, Giàu nói vui “mặc dù kết quả không như ý cho lắm nhưng em thực sự hài lòng, vì em đã thể hiện được “đẳng cấp” của mình trong kỳ thi này”.

Thực tế, quyết định lựa chọn ngành Công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện sức khỏe của em. Ngoài đam mê học tập Tin học và các môn tự nhiên, Giàu còn ấp ủ sở nguyện về các ngành có liên quan đến năng khiếu tư vấn, kỹ năng diễn thuyết và giao tiếp của mình như: Tâm lý học, Giáo dục lý luận chính trị… 

Tôi ra về, lòng bồi hồi nhớ đến ánh mắt đầy khát vọng và từng câu từng chữ trong câu nói quả quyết của Chau Giàu “Ở nhà không khỏe bằng đi học, đi học em cảm thấy như khỏe ra và vui hơn”. 

Tin rằng, bằng nghị lực và sự quyết tâm không ngừng nghĩ của chính mình, em sẽ trở thành một trong những tấm gương sáng cho tinh thần hiếu học, cho đến mai sau!   

Huỳnh Cam