Sáng nay (24/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Thái Bình báo cáo về dự án Luật về Hội.
Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã kịp thời đề ra đường lối, chủ trương phù hợp và ban hành nhiều văn bản về hội quần chúng; bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với các hội.
Ngày 20/5/1957 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh số 102/SL/L004 về “Luật quy định quyền lập hội”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Quyết định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đến nay, các hội ở nước ta phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau.
Tính đến tháng 12 năm 2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương.
Cho ý kiến về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tình hình hội tràn lan, hoạt động không cao, hành chính hóa lớn, dựa vào kinh phí nhà nước cũng lớn. Bên cạnh đó, có loại không mang tên hội nhưng hoạt động như hội, có tính chính trị trong đó.
“Nên tính lại, loại ích nước lợi nhà thì nên khuyến khích, đó mới chính là quyền tự do lập hội của công dân, để xây dựng và phát triển đất nước. Tôi đọc lên thấy chưa thật rõ, ngay khái niệm và định nghĩa chưa bao quát. Có tôn chỉ mục đích được pháp luật thừa nhận thì luật này chứ còn luật nào", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Người nước ngoài sống lâu đời tại Việt Nam mà luật này không nói gì cho họ lập hội thì họ buồn lắm”. ảnh: quochoi.vn |
Tại Điều 8 của dự thảo luật nói về “các hành vi bị cấm” bao gồm:
Cản trở công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Ép buộc, cưỡng ép công dân, pháp nhân Việt Nam thành lập, tổ chức, hoạt động hội trái quy định của pháp luật.
Xúi giục, lôi kéo, kích động, mua chuộc công dân, pháp nhân Việt Nam thành lập, tổ chức và các hoạt động của hội trái pháp luật.
Thành lập, tổ chức các hoạt động của hội trái pháp luật.
Lợi dụng việc thành lập, hoạt động của hội để:
Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân; trái thuần phong mỹ tục của dân tộc;
Tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước;
Xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản hợp pháp của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
Xúc phạm đến hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc.
Đề cập tới nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Công dân bị hạn chế thì hạn chế cái gì phải nói vào luật để bảo đảm quyền công dân”.
Người nước ngoài có được lập hội?
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là việc người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam tham gia hội.
Theo Tờ trình của Chính phủ, vấn đề này có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị, người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam được tham gia hội trong một số trường hợp theo quy định của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị, không quy định trong Luật việc tham gia hội của người nước ngoài. Chính phủ tán thành loại ý kiến thứ nhất và đã thể hiện tại Điều 36 của dự thảo Luật.
Oan sai, dân đau… quan có đau? |
Thường trực Ủy ban pháp luật bày tỏ quan điểm cho rằng, từ năm 1998 Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đã được phép hoạt động thương mại, đầu tư và dịch vụ tại Việt Nam được thành lập hiệp hội doanh nghiệp hoặc Câu lạc bộ doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Mặt khác, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài, có hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận cũng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, trên thực tế một số hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được Nhà nước cho phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành việc áp dụng quy định của Luật này đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam tham gia.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Người nước ngoài sống lâu đời tại Việt Nam mà luật này không nói gì cho họ lập hội thì họ buồn lắm”.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp – ông Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng, một nhà nước pháp quyền thì không thể cấm người nước ngoài tham gia hội. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là có cho phép họ thành lập tổ chức tại Việt Nam hay không?
"Nếu người nước ngoài tham gia vào hội văn học nghệ thuật của Việt Nam thì tốt quá, nhưng có cho họ thành lập hội nước ngoài ở Việt Nam hay không thì phải để tính", ông Quyền cho hay.
Cũng bày tỏ băn khoăn về nội dung này, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam – ông Nghiêm Vũ Khải bày tỏ quan điểm, không nên quy định tư cách pháp nhân vì nó là vấn đề dân sự, tuy nhiên cũng phải có quản lý để xử lý khi có tiêu cực.
Ông Khải dẫn chứng: "Ví dụ tôi sang Nhật Bản học thấy họ bắt cam kết, nếu sang học thì chỉ học chứ không được tham gia vào hoạt động chính trị ở nước đó ví dụ tham gia vào hoạt động biểu tình. Tôi phải ký vào giấy cam kết, nếu vi phạm là họ đuổi khỏi Nhật Bản. Họ quy định rất mạch lạc như vậy. Đó chính là quản lý nhà nước của họ".
Cũng theo ông Khải, vấn đề rất cần phải quan tâm hiện nay là người Việt Nam tham gia các hội ở nước ngoài thì có quản lý được không? Người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hội ở Việt Nam thì thế nào?
"Trên thực tế có rất nhiều hội tốt, nhưng cũng có những hội phản động chống phá chế độ, cho nên phải đặt ra vấn đề quản lý", ông Khải nhấn mạnh.