Thông tin được ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Hội nghị tổng kết phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2011 – 2015 (quyết định 1033) được tổ chức tại Cần Thơ sáng ngày 25/9.
Cùng tham dự Hội nghị tổng kết này còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, cùng với nhiều lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở trung ương, lãnh đạo, các trường thuộc 13 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Sau 5 năm thực hiện quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, việc thực hiện đã đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu nhất định như: tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học đạt 99%, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 99%.
Tỷ lệ học sinh đảm bảo ngưỡng đầu vào hệ cao đẳng là 88,71% số lượng thí sinh dự thi ở các cụm thi Đại học, học sinh đảm bảo ngưỡng đầu vào hệ Đại học, Cao đẳng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long là 88,34%, cao hơn rất nhiều so với nhiều khu vực khác của cả nước. Trường Đại học Cần Thơ và 4 trường Cao đẳng khác trong khu vực đã tuyển được hơn 80% chỉ tiêu ngay trong đợt 1 tuyển sinh.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga báo cáo kết quả 5 năm thực hiện quyết định 1033 ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ảnh: T.Q) |
Công tác dạy nghề trong khu vực này đã được chuyển hướng tích cực theo việc gắn liền với nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các tỉnh cũng đã thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy và người học.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đã chỉ ra một số các chỉ tiêu chưa đạt được như: Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đạt phổ cập mầm non chưa đạt được 100% theo kế hoạch do thiếu nguồn lực đầu tư, công tác phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở, tuyển sinh trung học chuyên nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, tỷ lệ học sinh nhập học đúng độ tuổi ở các cấp đạt mức thấp, tỷ lệ bỏ học còn cao…
Ngoài ra, trong khu vực còn có nhiều phòng học xuống cấp, thiết bị đào tạo chậm được đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố chưa đạt tỷ lệ theo đúng kế hoạch, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn có bất cập, số lượng và cơ cấu chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới giáo dục, thiếu giảng viên sư phạm có trình độ chuyên môn cao, một số cơ chế tài chính, chính sách chậm được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Sở dĩ có nhiều chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ ra nguyên nhân là do đặc thù của khu vực là vùng sông nước, cư dân phân bố không đều nên việc huy động học sinh đến trường còn gặp nhiều khó khăn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị vừa được tổ chức tại Cần Thơ sáng 25/9 (Ảnh: T.Q) |
Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, các cơ sở giáo dục và đào tạo chưa phát huy hết quyền tự chủ, chưa chủ động việc thực hiện đổi mới nội dung.
Một số tỉnh, thành phố chưa có chính sách đủ mạng để thực hiện công tác phân luồng học sinh, chưa có một chiến lược mang tính tổng thể về phát triển nhân lực phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, thiếu cơ chế đặc thù cho dạy nghề của vùng.
Trong thời gian 5 năm tới, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, ngành giáo dục và dạy nghề cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quy hoạch các cơ sở giáo dục phù hợp với quy mô phát triển, điều kiện của vùng sông nước, chuyển đổi trọng tâm từ phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo theo nhu cầu của thị trường và xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, sau 5 năm thực hiện quyết định 1033, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã bớt ‘trũng’ hơn nhiều khu vực khác trong cả nước rất nhiều, dù rằng trong các chỉ tiêu đặt ra từ trước thì có một số chỉ tiêu đạt và cả chưa đạt, vì cả chủ quan lẫn khách quan.
Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, quyết định 1033 ra đời cho tới nay đã mang lại kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng.
Về việc khu vực này không đạt chỉ tiêu huy động 100% trẻ 5 tuổi vào học mầm non, mẫu giáo, Phó Thủ tướng cho rằng, trong các bậc học thì mầm non luôn là bậc học quan trọng.
Việc không đạt chỉ tiêu có liên quan đến bậc học này là do điều kiện khách quan, có liên quan đến điều kiện tự nhiên và cả nhận thức, thói quen của người dân địa phương.
Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: T.Q) |
Trên tinh thần là một khu vực còn ‘trũng’ trên nhiều lĩnh vực hơn nhiều khu vực khác trong cả nước, ông Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chung tay với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, xem xét và xây dựng nông thông mới, cái gì kém nhất thì làm trước tiên.
“Nên chăng chúng ta làm đề án xây dựng các lớp học dành cho trẻ mầm non. Nếu thiếu biên chế giáo viên mầm non, các Bộ, địa phương cần trình trung ương cho phép áp dụng một cơ chế đặc thù để làm thí điểm.” – Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói tiếp.
Song song đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh thuộc khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cần vực dậy lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo cho tất cả học sinh khi học xong nghề đều có thể học liên thông lên các bậc học cao hơn như Đại học...
Ông Vũ Đức Đam kết luận, nếu áp dụng vào thực tế mà vướng ở điểm nào thì sẽ thảo luận, trình Chính phủ xem xét, để áp dụng thí điểm. “Nếu không thì cần phải áp dụng, làm ngay mà không thể chần chừ được nữa” – ông Đam nhấn mạnh.