Tờ Tầm nhìn của Nga ngày 3.10 đưa tin cho biết, có báo cáo cho rằng các quan chức Lầu Năm Góc đã phát triển một chiến lược nhằm bảo vệ phe đối lập tại Syria ở mức độ vừa phải sau khi xuất hiện những cáo buộc cho rằng máy bay Nga không kích các mục tiêu này.
Hãng tin RT của Nga dẫn báo cáo từ thông tấn AP cho biết thêm, Lầu Năm Góc cũng ước tính rủi ro pháp lý và chính trị của dự tính trang bị vũ khí phòng không cho phe đối lập Syria nhằm tự vệ trước các cuộc không kích của Nga.
Người biểu tình ủng hộ Nga tham gia không kích tại Syria ở Nga. Ảnh al-akhbar |
Việc Mỹ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí tự vệ cho phe đối lập Syria trước các cuộc không kích của Nga đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc Nga-Mỹ.
Thông tin xuất hiện trong bối cảnh có những đồn đoán cho rằng Moscow đã không kích các mục tiêu là phe đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn trong quá trình tấn công tiêu diệt các trụ sở của khủng bố IS. Đồng thời có những đồn đoán cho rằng đã xảy ra va chạm giữa Mỹ và Nga tại Syria.
Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã từ chối thảo luận về nguy cơ xảy ra va chạm với Nga tại Syria. Mới đây, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết, chưa xảy ra cuộc đụng độ nào giữa Mỹ và máy bay Nga ở Syria và các bên đều nỗ lực tránh điều này trong tương lai.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ thay mặt 7 quốc gia kêu gọi Nga ngừng tấn công vào phe đối lập Syria và tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố IS.
Bình luận về phản ứng trên, Giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự Nga Vadim Kozyulin cho rằng Mỹ tin chiến lược của Lầu Năm Góc có thể làm mối quan hệ Nga-Mỹ trầm trọng thêm.
Hơn nữa, việc cung cấp vũ khí cho phe này rất dễ bị rơi vào tay các nhóm khủng bố cực đoan khác khi mà tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở Syria. Những rủi ro này Washington hiểu rất rõ và không hề mong muốn. Do đó, khả năng Mỹ sẽ trang bị vũ khí phòng không cho phe đối lập Syria rất khó xảy ra.
Gần đây, Mỹ cũng đã bác bỏ các báo cáo sai lạc về hoạt động quân sự của Nga tại Syria. Điều đó cho thấy giữa Washington và Moscow đang phối hợp rất tốt trong vấn đề này.
Chuyên gia tại Hiệp hội các nhà khoa học chính trị-quân sự, Phó Giáo sư khoa học chính trị và xã hội Alexander Perendzhiev cũng tin rằng khả năng Mỹ trang bị vũ khí cho phe đối lập Syria là rất thấp. Thay vì đưa vũ khí, người Mỹ có thể cung cấp thông tin giúp phe này tránh các vị trí bị tấn công.
Tuy nhiên, Mỹ cũng rất lo ngại rằng sau các cuộc không kích của Nga, phe đối lập Syria sẽ bị giải tán. Nhưng trên thực tế, không có sự khác biệt rõ ràng giữa nhóm này với tổ chức khủng bố IS. Bản chất kép của nhóm này đã tạo cơ sở cho các cuộc xung đột ở Syria.
Do đó, để đảm bảo lợi ích của cả hai bên cần phải tiến hành đàm phán, thành lập nhiều nhóm công tác chung giữa Bộ Quốc phòng Nga và Lầu Năm Góc. Cũng có thể hỗ trợ vừa phải cho nhóm này, ông cho biết thêm.
Về kịch bản xảy ra đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ tại Syria, chuyên gia Vadim Kozyulin nói rằng đó là lo ngại thái quá. Theo ông, Mỹ có một khát vọng rất lớn là được dẫn đầu liên minh chống IS, nhưng họ cũng hiểu rằng chiến lược này đã bị phá sản mặc dù không trực tiếp thừa nhận điều đó.
Hơn nữa, theo ông Perendzhiev, cuộc đối đầu này là không thể xảy ra bởi người Mỹ hiểu rất rõ rằng một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp sẽ không tốt cho họ, nhất là với một đối thủ như Nga.