Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 3 tháng 10 dẫn trang mạng tuần san "Chuyên gia" Nga ngày 1 tháng 10 đưa tin, Quân đội Mỹ dẫn đầu trong xếp hạng quân đội mạnh nhất thế giới sẽ không gây ngạc nhiên.
Hạm đội Hải quân Mỹ trên đại dương |
Ngân hàng tín dụng Thụy Sĩ đã đưa ra bảng xếp hạng này và đưa nó vào trong báo cáo nghiên cứu mang tên "Toàn cầu hóa kết thúc hay thế giới càng đa cực".
Theo bài báo, lực lượng vũ trang Mỹ với ưu thế to lớn, đứng đầu danh sách là điều không có gì lạ, nguyên nhân rất đơn giản: ngân sách quốc phòng của họ vượt xa tổng chi tiêu quân sự các nước khác trong top 10.
Nga đứng thứ hai với khoảng cách không nhỏ. Trung Quốc kém họ một chút. Trong top 10 còn có Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Italia, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong báo cáo, Ngân hàng tín dụng Thụy Sĩ viết: "Phân tích của chúng tôi đã chứng minh Mỹ có ưu thế quân sự trước các đối thủ gần nhất trên phương diện năng lực tác chiến thông thường. Lầu Năm Góc bỏ xa các đối thủ ở phía sau với quy mô kho vũ khí gồm 13.900 máy bay, 920 máy bay trực thăng, 20 tàu sân bay và 72 tàu ngầm.
Ưu thế ngân sách quốc phòng của Mỹ rõ ràng hơn, năm 2014 con số của họ là 610 tỷ USD, vượt xa tổng chi tiêu quân sự của 9 nước đứng sau".
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 Nga |
Theo bài báo, để so sánh quân đội của 20 nước lớn quân sự, chuyên gia phân tích ngân hàng đã đưa ra chỉ số sức mạnh quân sự riêng bao gồm 6 nhân tố xem xét lực lượng vũ trang thông thường: quân số (chiếm 5%), xe tăng (10%), trực thăng vũ trang (15%), máy bay (20%), tàu sân bay và tàu ngầm (mỗi loại chiếm 25%).
Tác giả đưa ra chỉ số quân sự thừa nhận, họ không thể phản ánh toàn bộ diện mạo thực lực quân sự. Vấn đề ở chỗ, trong thế kỷ hạt nhân hiện nay, lực lượng vũ trang thông thường đã không còn là chỉ tiêu duy nhất để đo lường sức mạnh quân sự một nước.
Căn cứ vào số liệu niên giám về quân bị, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế năm 2015 của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nga và Mỹ sở hữu 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Vì vậy, nếu đưa lực lượng hạt nhân vào đánh giá sức mạnh quân sự thì ưu thế quân sự của Nga trước Trung Quốc sẽ rõ ràng hơn so với khi xem xét vũ khí thông thường.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 Nga |
Ngoài ra, theo tờ "Quan điểm" Nga ngày 1 tháng 10, nhà phân tích của Ngân hàng tín dụng Thụy Sĩ cũng đã đưa ra bảng xếp hạng hiệu quả tác chiến và sức chiến đấu của quân đội toàn cầu, trong đó, Mỹ, Nga và Trung Quốc đứng top 3.
Theo bài báo, Mỹ đứng đầu ở mức độ rất lớn có nguồn gốc từ chi tiêu quân sự ở mức cao. Năm 2014, chi tiêu quốc phòng của Mỹ đạt 610 tỷ USD, nhiều hơn 9 nước kế tiếp cộng lại.
Đồng thời, Nga và Trung Quốc mặc dù chi tiêu quân bị ít hơn nhiều, nhưng "thắng" ở hiệu suất sử dụng. Chuyên gia ngân hàng này cho rằng, đầu tư cho vũ khí mới của họ nhiều hơn. Chẳng hạn, chỉ năm 2014, Nga đã tiếp nhận hơn 4.500 vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự mới, bao gồm 142 máy bay và 135 trực thăng.
Năm 2015, sản phẩm vũ khí mới chủ yếu của Nga gồm có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50, xe tăng chiến đấu Armata và hệ thống phòng không mới S-500 (có thể bắn rơi mục tiêu gần với vũ trụ).
Trung Quốc cũng đang ra sức đầu tư cho vũ khí mới. Trong lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai vào ngày 3 tháng 9 năm 2015, quân đội nước này đã khoe tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D, nó có thể đối phó tàu sân bay ở ngoài 2.000 km.
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc |
Một sản phẩm quân sự mới khác đó là tên lửa đạn đạo Đông Phong-16 tầm bắn 1.000 km, nó được cho là thủ đoạn tấn công chính xác cao phi hạt nhân. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vượt các nước khác về số lượng quân chính quy, với 2,3 triệu quân, trong khi đó, Nga và Mỹ lần lượt có 1 triệu và 1,4 triệu quân.
Cách đây không lâu, tờ tuần san "The Economist" Anh đưa ra báo cáo cho rằng, tình hình này làm cho các ưu thế quan trọng của Mỹ như trình độ cao của trang bị công nghệ sẽ từng bước mất đi.
Sau khi tập trung các nguồn lực vào sản xuất trang bị bọc thép và máy bay không người lái, Mỹ không có tiếp tục phát triển vũ khí mới, trong khi đó, Trung Quốc và Nga lại tích cực hoàn thiện các loại trang bị.
Chuyên gia tờ báo này cho rằng, điểm yếu của cỗ máy quân sự Mỹ gồm có tàu chiến dễ bị tên lửa mặt đất tấn công, máy bay và vệ tinh rất yếu trước các phương tiện phòng không hiện đại: Không quân Mỹ ngày càng khó phát hiện thiết bị tên lửa cơ động.
Ngoài ra, đề phòng của căn cứ không quân Mỹ ở các khu vực đối với các cuộc tập kích thường xuyên ở các khu vực điểm nóng không đủ.
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 của không quân Mỹ |
Phó viện trưởng Alexander Khramchikhin, Viện nghiên cứu phân tích quân sự chính trị Nga cho rằng: "Top 3 thực sự là 3 nước Mỹ, Nga và Trung Quốc, thứ tự không thể đảo ngược. Đây là điều không cần phân tích cũng dễ thấy được, là do điều kiện kinh tế và công nghệ quyết định".
"Mỗi nước có điểm mạnh của mình: Mỹ luôn mạnh ở trên không và trên biển, Trung Quốc không ngừng phát triển trang bị mặt đất, Nga tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Liên Xô trong việc chế tạo hệ thống vũ khí mới".
Theo bài báo, điều thú vị là, những nước này cũng được xếp hạng tương tự trong bảng danh sách xuất khẩu vũ khí thông thường. Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, từ năm 2010 đến năm 2014, xuất khẩu của Mỹ chiếm 31% toàn cầu (tăng trưởng 23%), Nga chiếm 27% (tăng trưởng 37%).
Trước đây, theo sát phía sau là các nước châu Âu, nhưng 5 năm gần đây đã bị Trung Quốc vượt qua. Trong bảng xếp hạng giai đoạn 2010-2014 của viện nghiên cứu này, Trung Quốc đứng thứ ba, Đức và Pháp lần lượt đứng thứ tư và thứ năm, xuất khẩu của họ trong giai đoạn này bị trượt dốc.
Không quân Mỹ phát triển vũ khí siêu thanh |
Theo bài báo, các bảng xếp hạng trên đều không tính đến vũ khí hạt nhân, nhưng điều này ảnh hưởng không lớn, bởi vì 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu nằm trong tay Nga và Mỹ.