Hình minh họa, ảnh: Wikipedia. |
Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 6/10 bình luận, bầu trời Syria đang ngày càng trở nên đông đúc và nguy hiểm khi lực lượng không quân nhiều quốc gia đang thường xuyên tấn công các mục tiêu mặt đất tại quốc gia này mà không có sự phối hợp.
Mới nhất là Nga đã điều động không quân tiến hành không kích các mục tiêu Moscow tuyên bố là tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Syria. Tuy nhiên Hoa Kỳ lại nói rằng không quân Nga chủ yếu nã đạn vào mục tiêu là các lực lượng đối lập ở Syria chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Người Nga và người Mỹ mạnh ai nấy bắn và không phối hợp với nhau, điều này tạo ra nguy cơ đụng độ giữa không quân hai phía trên bầu trời quốc gia Trung Đông này. Cuối tháng Tám, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu tiến hành không kích ISIS ở Syria trong chiến dịch do Mỹ dẫn đầu.
Qua tháng Chín, Úc và Pháp cũng bắt đầu điều động không quân ném bom các mục tiêu ISIS ở Syria. Bản thân không quân Syria cũng tham gia đánh bom các mục tiêu trên biên giới, bao gồm cả lực lượng ISIS và phe đối lập mà ông Bashar al-Assad gọi chung là khủng bố.
Các quan chức quân đội Mỹ, Nga đã tổ chức họp trực tuyến một giờ vào tuần trước, bàn cách để tránh chạm trán nhau trên bầu trời Syria hoặc ngăn chặn các sự cố ngoài ý muốn, tuy nhiên cuộc họp không đạt được thỏa thuận nào. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter lo ngại khả năng va chạm giữa không quân 2 nước ở Syria, mặc dù Nga chủ yếu không kích miền Tây, còn Mỹ hoạt động ở miền Đông và miền Bắc Syria.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Stephane Dujarric bình luận: "Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là không quân rất nhiều quốc gia và liên minh khác nhau đang hoạt động trên bầu trời Syria. Tôi nghĩ rằng nó có thể tạo ra các tình huống đầy nguy hiểm bất ngờ. Thực sự cần phải tập trung chú ý vào việc tìm kiếm một giải pháp chính trị."
Các quan chức Nga nói rằng họ điều hơn 50 chiến đấu cơ và trực thăng vũ trang các loại tham gia không kích ở Syria với tần xuất 20 - 25 lượt xuất kích/ngày, so với trung bình 8 lượt xuất kích/ngày của liên minh do Mỹ dẫn đầu. Ngoài không quân, Nga còn đưa sang Syria một loạt vũ khí khí tài mặt đất như pháo, tên lửa di động.