Chương trình thăng tiến giáo dục Công tác xã hội tại ViệtNam

06/10/2015 17:20
Chu Hà
(GDVN) - Tại Hà Nội vừa diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 3 Chương trình thăng tiến giáo dục công tác xã hội với chủ đề Hợp tác Phát triển giáo dục Công tác xã hội.

“Bốn đúng” của chương trình

Tại Hà Nội vừa  diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 3 Chương trình thăng tiến giáo dục công tác xã hội (SWEEP) với chủ đề Hợp tác Phát triển giáo dục Công tác xã hội (CTXH) ở Việt Nam.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của lĩnh vực CTXH mới mẻ  này ở Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và nhà khoa học .

 Bắt đầu từ năm 2012 cơ quan Hỗ trợ Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), và trường Đại học Bang San José (SJSU) Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác thiết lập Chương trình Thăng tiến Giáo dục Công tác xã hội (SWEEP) -  một tổ hợp quốc tế bao gồm Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID, trường Đại học Bang San Jose SJSU – Mỹ, 8 trường Đại học ở Việt Nam, các bộ ngành,Tập đoàn công nghệ mạng Cisco, các tổ chức cộng đồng và các bên liên quan khác.

Mục đích của SWEEP là nhằm hỗ trợ 8 trường Đại học của Việt Nam: Nâng cao chương trình đào tạo cử nhân CTXH, nâng cao năng lực quản trị các chương trình CTXH; Năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên; Chương trình đào tạo CTXH, và xây dựng Mạng lưới truyền thông giữa các trường đại học thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, SWEEP đã tổ chức các khóa đào tạo giảng viên và các nhà quản trị của các đại học đối tác tham gia chương trình tập huấn hàng năm ở  Đại học San Jose, tổ chức Lễ tổng kết hàng năm tại Việt Nam, tiến hành tập huấn trực tuyến và cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.

Chương trình thăng tiến giáo dục Công tác xã hội tại ViệtNam  ảnh 1
Các đại biểu dự Hội nghị

Đánh giá  hiệu quả  của Chương trình SWEEP, ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.  Hồ Chí Minh nhận xét: “Chương trình đạt được “4 cái đúng” – Đúng lúc, đúng chỗ, đúng lĩnh vực,  và đúng cách”.

Phân tích 4 cái đúng, ông Sen nói:

Đúng lúc là Đảng vừa ra Nghị quyết Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo;

Đúng chỗ là các trường đang loay hoay tìm cách  đổi mới, hiện đại hóa chương trình giảng dạy thì được tham gia dự án, tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu, quản lý và giảng dạy hiện đại.;

Đúng lĩnh vực là nhu cầu học hỏi rất lớn nhưng dự án đã chọn ra 8 trường đều là những  Đại học lớn có đào tạo CTXH, đại diện cho cả 3 miền  Bắc – Trung –Nam.

Đúng cách, là dự án đã bắt đầu đào tạo công nghệ và quản lý ngay với người đứng đầu của 8 trường, tiếp đó là đào tạo nâng cao năng lực giảng viên, nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy và hỗ trợ xây dựng Chuẩn đầu ra".  

Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.  Hồ Chí Minh – Đại học Quốc gia, GS. TS Nguyễn Văn Kim ghi nhận sự hợp tác với Đại học San Joe, Mỹ đã giúp trường xây dựng nhiều chương trình đào tạo mới theo phương pháp hiện đại.

Nhiều giáo viên, giảng viên của trường được đào tạo tại San Joe đã trở thành các nhà CTXH nổi tiếng tham gia đào tạo CTXH trong nước và quốc tế. 

Sự kích hoạt của SWEEP đã nâng tầm đào tạo của 8 trường tham gia dự án, giúp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) mở rộng quan hệ hợp tác với các trường Đại học danh tiếng của Nhật Bản, Thụy Sĩ, đồng thời tạo sự kết nối giữa trường với các chương trình dự án của các Bộ như Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Kim cũng đề nghị Hiệp hội dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam tiếp tục giữ vai trò đầu mối kết nối để Chương trình SWEEP tiếp tục nhân lên những  thành quả đã đạt được.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp thành công nhất là Chương trình đã tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước để ra đời được Thông tư liên tịch số 30 của  Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT quy định rõ chức danh, mã vạch, mã nghề của người làm CTXH Việt Nam.

PGS.TS Ngô Đức Hòa, Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt cho biết, được nhất của Đại học Đà Lạt là trường đã đổi mới toàn diện công tác đào tạo.  

Sau SWEEP, đã có 31 chương trình đào tạo bậc cử nhân mới đã được xây dựng dùng mô hình phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra của Đại học San Jose.  

Mỗi chương trình khi hoàn tất đã  thể hiện dưới dạng một bộ hồ sơ bao gồm các thành phần: Mục tiêu đào tạo của chương trình; Chuẩn đầu ra chương trình mô tả theo năng lực; Chuẩn đầu ra chương trình mô tả theo chuẩn CDIO cấp độ 3; Bảng đối sánh giữa mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình; Cấu trúc chương trình đào tạo; Các mô tả môn học; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sản xuất  Ebook, tương tác với sinh viên và với giáo viên.

Thay đổi toàn diện công tác thực hành CTXH đúng nghề, đúng chuyên môn, đúng kỹ năng…

Tiếp cận chuẩn công tác xã hội ASEAN

Đánh giá kết quả của dự án SWEEP, bà Nguyễn Thị Hằng Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam, cơ quan đầu mối kết nối của dự án  nhấn mạnh, Việt Nam hiện có khoảng 25% dân số thuộc đối tượng cần trợ giúp của nhân viên CTXH. 

Nhiệm vụ  đào tạo, bồi dưỡng chuyên nghiệp hóa cho 60.000 cán bộ nhân viên và cộng tác viên CTXH đến năm 2020 theo Đề án 32 đã được chính phủ phê duyệt là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo CTXH của Việt Nam. 

Trong 3 năm qua Chương trình hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ về Thăng tiến giáo dục CTXH (SWEEP) đã giúp các trường sớm đi trước trong đổi mới căn bản chương trình đào tạo CTXH. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao tặng GS. TS Alice Hines Kỷ niệm chương vì sự nghiệp lao động xã hội.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao tặng GS. TS Alice Hines Kỷ niệm chương vì sự nghiệp lao động xã hội.

Thông qua các khóa tập huấn đào tạo kỹ  thuật, 50 cán bộ quản lý và giảng viên của 8 trường Đại học tham gia dự án đã được  tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại, xây dựng chương trình đào tạo CTXH bậc cử nhân theo Chuẩn đầu ra.  

Với sự giúp đỡ của Chương trình, Hội các trường đào tạo CTXH đã xây dựng được bộ Chuẩn đầu ra CTXH khung với 9 tiêu chí về đạo đức, kiến thức và kỹ năng.

Quan trọng hơn, thông qua dự án năng lực quản lý, quản trị của lãnh đạo các trường và đội ngũ giáo viên được nâng cao, hình thành được mạng kết nối thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu giữa các trường đào tạo CTXH Việt Nam và Hoa kỳ. 

Các cán bộ quản lý và giáo viên của 8 trường Đại học của Việt Nam được tập huấn tại trường Đại học San Jose  State - Mỹ, sẽ là đội ngũ hạt nhân phát triển chương trình đào tạo trong hệ thống các trường đào tạo nghề công tác xã hội  của Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam hiện có 25% dân số thuộc nhóm đối tượng của CTXH. Tiếp cận an sinh xã hội được coi là Quyền của công dân và đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2014.

Các trường đào tạo CTXH sẽ là đầu não đào tạo ra các nhân viên CTXH chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Trước mắt các phương pháp, sản phẩm và kinh nghiệm của 8 trường tham gia dự án sẽ được tập huấn  nhân rộng ra các trường đào tạo CTXH khác. 

Đồng thời  Hội các trường đào tạo CTXH sẽ tiếp tục kết nối hợp tác  nghiên cứu  tạo điều kiện để các trường tham gia Hiệp hội CTXH ASEAN, tìm hiểu Chuẩn CTXH ASEAN để bổ sung đưa vào giảng dạy nhằm trang bị cho sinh viên CTXH Việt Nam ra trường có được các kiến thức, kỹ năng chuẩn CTXH ASEAN qua đó dễ dàng tìm kiếm việc làm  tại các nước trong khu vực. 

Ghi nhận những đóng góp của GS.TS Alice Hines, Đại học San Jose, Giám đốc dự án, nhân dịp này Bộ LĐ-TB&XH đã trao tặng bà Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp lao động xã hội.

Chu Hà