Thượng viện Mỹ hôm 7/10 đã thông qua Đạo Luật Cấp Thẩm Quyền Quốc Phòng 2012 (National Defense Authorization Act - NDAA) hay còn được gọi là Nghị quyết 1735 hoặc NDAA.
Trong khi Nhà Trắng và các nhà lập pháp Mỹ đang có một số tranh chấp về chi tiết của nghị quyết này thì xuất hiện những rò rỉ cho biết nội dung của nó có đề cập tới việc tiếp tục cung cấp số viện trợ khá lớn cho chính quyền Ukraine và phe nổi loạn ôn hòa ở Syria.
Quân đội Mỹ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine. Ảnh RT. |
Theo RT, NDAA cho phép trích ngân sách 600 triệu USD để hỗ trợ lực lượng phiến quân Syria chống lại cả chính phủ Damascus và khủng bố IS cũng như trang trải cho các hoạt động của Không quân Mỹ tại quốc gia này và ngăn các loại vũ khí, đạn dược, vật tư viện trợ rơi vào tay những kẻ khủng bố.
Washington khẳng định rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là "gốc của mọi tội lỗi" ở Syria và rằng sự thay đổi chế độ ở Damascus cần phải theo đuổi song song với cuộc đấu tranh chống lại IS.
Mỹ cũng phân bổ 715 triệu USD cho chương trình đào tạo và trang bị cho quân đội Iraq và lực lượng dân quân người Kurd, các bộ lạc tham gia chiến đấu chống IS.
Ngoài ra, theo nghị quyết, Mỹ cũng sẽ phân bổ 300 triệu USD cho "sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine" nhằm vực dậy chính phủ Kiev.
Dự luật này chỉ thị cho Lầu Năm Góc phối hợp với Bộ Ngoại giao "hỗ trợ an ninh và hỗ trợ tình báo, bao gồm đào tạo, thiết bị và hỗ trợ hậu cần, vật tư và dịch vụ, các lực lượng an ninh và quân sự khác cho Chính phủ Ukraine."
Mỹ cũng phân bổ không dưới 50 triệu USD để cung cấp hệ thống chống giáp, súng cối, đạn dược, súng phóng lựu và các vũ khí sát thương khác cho quân đội Ukraine.
Theo tờ Sự thật của Nga, đây là lần đầu tiên Mỹ phê duyệt viện trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine, mặc dù nghị quyết này vẫn còn cần có sự phê duyệt của Tổng thống Obama mới chính thức có hiệu lực.
Tờ Sự thật dẫn bình luận của Vitaly Tsymbal - một nhà nghiên cứu tại Học viện Kinh tế Quốc gia Nga, việc chính phủ Mỹ quyết định chi một khoản viện trợ lớn, gồm vũ khí sát thương, cho chính phủ Kiev là dấu hiệu cho thấy Washington thực sự không quan tâm tới việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Donbass.
"Cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Ukraine nên được xem là một lời kêu gọi (Tổng thống Ukraine Petro) Poroshenko không nên vội vàng kết thúc cuộc xung đột", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc cung cấp cho chính phủ Kiev những vũ khí sát thương mà lực lượng này đang rất cần giống như động lực để đảm bảo rằng ông Poroshenko không nên nghĩ tới các hướng giải quyết khác.
Ngoài ra, theo chuyên gia Tsymbal, Mỹ không thích sáng kiến Nga tham gia chống khủng bố IS tại Syria. Do đó, việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev - một động thái mà Nga luôn cật lực phản đối - có thể nhằm để đẩy mạnh chiến sự tại Donbass, hút quân đội Nga rời Syria.
Theo ông, Washington tin rằng Moscow không đủ khả năng để giải quyết hai vấn đề cùng lúc - sự lây lan của IS và chiến tranh tại Donbass.