Ngay sau khi Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai, nhiều người tiếp tục kéo đến khu vực gần dự án để mua đất với mục đích đầu cơ. Vì vậy xuất hiện nhiều “cò” đất và chính những người này đã đẩy giá đất khu vực quanh dự án lên cao.
Không chỉ tạo cơn sốt về bất động sản, tình trạng đầu cơ đất xung quanh dự án còn đặt ra lo ngại cho việc mở rộng, xây dựng các công trình, dự án phụ trợ cho sân bay Long Thành sau này.
UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra biện pháp thắt chặt quản lý đất đai tại khu vực quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành (Long Thành - Đồng Nai) |
Trước thực trạng này, ngày 8/10, chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành và huyện Long Thành về việc quy hoạch phát triển không gian khu vực xung quanh Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Xây dựng làm quy hoạch không gian khu vực xung quanh Cảng hàng không nên bổ sung thêm đường kết nối vào Cảng hàng không, điện, nước;
Yêu cầu UBND huyện Long Thành phải quản lý chặt đất đai khu vực xung quanh cảng, tránh tình trạng phân lô bán nền xây dựng trái phép.
UBND tỉnh Đồng Nai xác định việc quy hoạch phát triển không gian khu vực xung quanh Cảng hàng không Quốc tế Long Thành phải chú ý khu vực máy bay lên xuống, hạn chế cấp phép đầu tư khu dân cư, dịch vụ thấp tầng.
Ngoài ra, cần chú ý những khu vực giáp sân bay để sau này Cảng hàng không có nhu cầu mở rộng có đất thực hiện, quy hoạch đường từ Cảng hàng không ra đường cao tốc, Quốc lộ 51 để giảm áp lực, tránh kẹt xe.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai gửi lên Thủ tướng Chính phủ văn bản báo cáo chính thức đề nghị tách ngay tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và cho tạm ứng vốn theo tiến độ giải phóng mặt bằng để có thể đáp ứng kịp tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, tỉnh Đồng Nai cho biết theo tính toán về kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay Long Thành và xây dựng hạ tầng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, cần khoảng ba năm mới có thể hoàn thành công tác bồi thường, GPMB.
Điều này có nghĩa là UBND tỉnh Đồng Nai không thể kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án vào năm 2018 (hoặc đầu năm 2019), nếu không thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay từ bây giờ.
Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù với Dự án, chấp thuận cho tách ngay tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư để triển khai ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằntg, đảm bảo trong năm 2018 có thể khởi công dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạm ứng vốn theo tiến độ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằntg, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, sớm di dời dân để bàn giao mặt bằng, triển khai giai đoạn 1 của dự án (2.750 ha); Đồng thời cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, thiết kế, giám sát thi công đầu tư xây dựng hạ tầng trước một khu tái định cư tại Lộc An - Bình Sơn (282 ha) để kịp thời bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng thuộc dự án.
Dự án sân bay Long Thành được triển khai trên quy mô diện tích 5.000 ha. Qua số liệu điều tra, dự án thu hồi đất của 4.730 hộ với gần 15 nghìn nhân khẩu, 26 tổ chức trong đó có 4.330 hộ bị giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư.
Diện tích đất thu hồi triển khai giai đoạn 1 của dự án là 2.750 ha của 1.894 hộ và 12 tổ chức. Tổng kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giai đoạn 1 là 11.266 tỷ đồng, trong đó tổng dự toán bồi thường, giải phóng mặt bằntg là 8.556 tỷ đồng, tổng kinh phí dự toán đầu tư xây dựng hạ tầng tái định cư là 2.710 tỷ đồng.