Phân biệt chủng tộc và kích động bài Việt chỉ làm cho xã hội Campuchia bất ổn

13/10/2015 06:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Sam Rainsy và Hun Sen đều khẳng định mình và chính đảng của mình không phân biệt chủng tộc, không theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Vậy xin hai ngài...

Những khó khăn của cộng đồng người Campuchia gốc Việt

The Cambodia Daily ngày 12/10 đưa tin, cuộc sống của hàng ngàn hộ gia đình ngư dân Campuchia gốc Việt sinh sống hàng thập kỷ trên các làng chài sông Tonle Sap ở Kompong Chhnang đang bị đe dọa, chưa biết đi đâu về đâu khi chính quyền giải tỏa những làng chài này để phục vụ cho một lễ hội năm 2017, nhưng người Campuchia gốc Việt lại không được phép sở hữu đất đai. Những người dân chài này sinh sống trên con sông từ sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ trong tình trạng vô thừa nhận của chính quyền địa phương.

Một hộ gia đình Campuchia gốc Việt phải dời nhà nổi của mình lên khúc sông cạn hơn theo yêu cầu của chính quyền địa phương, giải tỏa khúc sông cho lễ hội năm 2017. Ảnh: The Cambodia Daily.
Một hộ gia đình Campuchia gốc Việt phải dời nhà nổi của mình lên khúc sông cạn hơn theo yêu cầu của chính quyền địa phương, giải tỏa khúc sông cho lễ hội năm 2017. Ảnh: The Cambodia Daily.

Le Thy Le, một phụ nữ làng chài 58 tuổi được The Cambodia Daily dẫn lời cho biết: "Nếu chúng tôi sống ở Campuchia, chúng tôi không có đất. Nếu chúng tôi trở về Việt nam, chúng tôi cũng không có đất. Tôi thích sống ở Campuchia vì ông bà, cha mẹ tôi đã sống và chết ở đây. Chúng tôi có thể đánh cá sinh sống. Nhưng bây giờ tôi không phải biết sẽ làm gì".

Ông Heang, một ngư dân khác 60 tuổi nói với The Cambodia Daily: "Chúng tôi không có quyền để mua đất vì chúng tôi là người dân tộc Việt Nam và chỉ có giấy tờ cư trú. Mặc dù ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống và chết ở đây, họ vẫn coi chúng tôi là công dân Việt Nam."

Leou Koloan, 36 tuổi, một người Campuchia chuyên cho thuê thuyền gần làng nổi của người Việt cho biết, ông đã chứng kiến cuộc sống nghèo khó của làng chài người Việt. "Chúng tôi sống cùng nhau rất hòa thuận, người Khmer hay người dân tộc khác có thể chung sống cùng nhau. Tôi không qua tâm về quyền công dân của họ. Nếu họ muốn sống ở đây, hãy cứ để họ sống ở đây. Họ làm công việc khác nhau và họ sống tách biệt với chúng tôi."

"Chúng tôi trồng lúa, còn người Việt thì kinh doanh buôn bán hoặc làm nông nghiệp theo cách của họ, hoặc đánh bắt cá trên sông. Tôi không nghĩ rằng họ muốn lấy đất đai của chúng tôi. Tôi không quan tâm về điều đó, họ là anh em của chúng tôi", Loeu Koloan nói. Đó chỉ là một trong những khó khăn mà người Campuchia gốc Việt đang gặp phải. 

Tâm lý bài Việt cực đoan trong xã hội Campuchia

Trong một động thái khác, các nhà quản lý Campuchia cũng siết chặt chính sách nhập cư đối với người Việt. Kể từ năm 2014 đến nay có gần 3 ngàn người nhập cư trái phép bị bắt thì phần lớn là người Việt, động thái được chính một nhà bình luận Campuchia nhận xét là "có màu sắc chính trị".

Nhà phân tích Ou Virak bình luận trên Khmer Times ngày 8/9 rằng: "Các cuộc truy quét và trục xuất hiện nay là phản ứng của chính phủ để công khai thể hiện với những ai chỉ trích, cáo buộc họ là 'con rối của Việt Nam'. CPP đang bắt đầu xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn và sẵn sàng hơn để thay đổi chính sách nhập cư để xoa dịu dân số trẻ trong nước."

Trong khi đó tâm lý bài Việt đang trở thành một xu thế đáng lo ngại trong xã hội Campuchia. Khmer Times ngày 29/9 dẫn lời cựu Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại nước này Surya Subedi nói: "Tôi cảm thấy đáng báo động về ngôn ngữ bài Việt mà phe đối lập Campuchia đang sử dụng". Các chính trị gia Campuchia đang khai thác tâm lý này để tìm kiếm phiếu bầu và chống phá nhau, Khmer Times cho biết.

Luận điệu bài Việt, chống phá quan hệ Việt Nam - Campuchia và nhằm cả vào cộng đồng người Campuchia gốc Việt được thiết lập bởi Funcinpec, sau đó là SRP và bây giờ là CNRP. Đỉnh điểm của trào lưu bài Việt ở Campuchia là cuộc bầu cử năm 2013, xã hội Campuchia đã trở nên rối loạn vì những hoạt động, phát ngôn kích động bài Việt của phe đối lập CNRP.

Ông Heang và con cháu vừa phải rời khỏi làng nổi đến nơi ở tạm mới chưa biết những ngày sắp tới sẽ làm gì để sinh sống. Ảnh: The Cambodia Daily.
Ông Heang và con cháu vừa phải rời khỏi làng nổi đến nơi ở tạm mới chưa biết những ngày sắp tới sẽ làm gì để sinh sống. Ảnh: The Cambodia Daily.

Cuộc bầu cử năm 2018 đã cận kề, hy vọng Thủ tướng Hun Sen và nhà nước Campuchia xử lý đúng đắn, tỉnh táo vấn đề, tránh để các thế lực bài Việt ngóc dậy chống phá. Kích động tâm lý bài Việt hoặc chống phá, gây khó dễ cho cộng đồng cư dân Campuchia gốc Việt chỉ làm cho xã hội Campuchia thêm rối loạn.

Khmer Times ngày 29/9 cho biết, Luật Quốc tịch của Campuchia có quy định rõ ràng, những người nước ngoài đã sinh sống hợp pháp (có thẻ cư trú) ở Campuchia trong ít nhất 5 năm có thể nộp đơn xin gia nhập quốc tịch Campuchia.

Vậy những hộ gia đình người Campuchia gốc Việt đã sinh sống ở Campuchia hàng mấy chục năm qua, làm ăn lương thiện và là một bộ phận trong cộng đồng dân cư Campuchia, thiết nghĩ nhà nước chùa tháp nên có chính sách chính thức thừa nhận quyền công dân và hỗ trợ họ, để con em họ được đến trường, người bệnh được chăm sóc y tế và không còn bị phân biệt đối xử như những gì Thủ tướng Hun Sen và cả các lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã tuyên bố về nạn phân biệt chủng tộc ở Campuchia.

Những khác biệt về văn hóa và nhận thức lệch lạc về lịch sử

Theo Wikipedia, cộng đồng người Campuchia gốc Việt là dân tộc thiểu số lớn nhất tại Campuchia, trải qua mấy thế kỷ cộng đồng này vẫn chung sống hòa bình cùng người Khmer trên đất nước chùa tháp. Thư tịch cổ ghi rằng người Việt và người Khmer đã có sự giao lưu, tiếp xúc từ thế kỷ 13. Trải qua những diễn biến thăng trầm của lịch sử, cộng đồng người Campuchia gốc Việt đã trở thành một bộ phận của xã hội Khmer.

Tuy nhiên do những khác biệt về văn hóa cũng như các yếu tố chính trị, lịch sử đã khiến cho người Campuchia gốc Việt trở thành cộng đồng thiểu số ở thế yếu, không được hưởng quyền bình đẳng của một công dân bình thường trong xã hội Campuchia.  

The Cambodia Daily ngày 25/9 dẫn lời ông Sam Rainsy nói rằng: "Bạn phải nhìn lại trong khoảng thời gian ít nhất là 400 năm khi Campuchia bắt đầu mất dần lãnh thổ do sự mất cân bằng dân số. Việt Nam đã phái dân tới định cư từng chút một, và các khu vực khác nhau của Campuchia được sáp nhập từng chút một".

Trong khi đó cũng chính The Cambodia Daily ngày 12/10 dẫn ý kiến của nhà nhân chủng học Philip Taylor nói rằng, thực dân Pháp đã chú ý quan sát thấy người Việt Nam từ phía Bắc xuống định cư ở Nam Bộ, nhưng chủ yếu sinh sống và dựng nhà ở ven sông, suối, kênh rạch, nhưng nơi ẩm thấp cách xa nơi cộng đồng người Khmer sinh sống. Người Khmer thích sống và lập làng lập ấp ở những gò đồi, nơi khô ráo.

Gia đình ông Veang Yang Tourng người Campuchia gốc Việt vừa phải di dời nhà nổi tuần trước đang lo lắng về tương lai. Ảnh: The Cambodia Daily.
Gia đình ông Veang Yang Tourng người Campuchia gốc Việt vừa phải di dời nhà nổi tuần trước đang lo lắng về tương lai. Ảnh: The Cambodia Daily.

Bản thân ông Philip Taylor cũng không thể giải thích một cách rõ ràng, chính xác cái gọi là "sự xâm chiếm thuộc địa đối với Kampuchia Krom", tức vùng đất Nam Bộ Việt Nam ngày nay. Quá trình xác lập chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ đã được Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ phân tích TẠI ĐÂY, mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi.

Quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Campuchia không chỉ có những lăn tăn, cấn cá về biên giới lãnh thổ do những nhận thức khác nhau về lịch sử, mà còn cả máu và nước mắt của biết bao người Việt Nam đã hy sinh cho mảnh đất chùa tháp và dân tộc Khmer hồi sinh từ nạn diệt chủng thảm khốc của Khmer Đỏ. Thiết nghĩ người Campuchia có được ngày hôm nay, thoát kiếp nạn nồi da xáo thịt, máu chảy đầu rơi cũng chớ nên quên ngày hôm qua. Hòa bình, hữu nghị, hợp tác là vô giá. Chiến tranh, xung đột chỉ dẫn tới hủy diệt tất cả.

Vài lời nhắn gửi ông Sam Rainsy và Thủ tướng Hun Sen

Lịch sử không thể thay đổi, đồng thời cương vực lãnh thổ quốc gia đã định hình hợp pháp cũng không thể thay đổi chỉ vì lịch sử, bởi nếu không thế giới này sẽ rối loạn, chiến tranh liên miên không dứt vì cách hiểu, cách giải thích sai lầm về lịch sử.

Để tránh vết xe đổ của lịch sử, tránh cảnh binh đao và bảo vệ hòa bình, cách tốt nhất là sớm hoàn thành công tác phân định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia theo đúng tinh thần hai bên đã thỏa thuận, cũng như khuôn khổ pháp lý và chuẩn mực quốc tế, chung sống hòa bình, phát triển kinh tế, văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc khác nhau dưới chung một mái nhà.

Ông Sam Rainsy và đảng CNRP đang chủ trương cổ động xiết chặt chính sách quản lý nhập cư, đó là công việc nội bộ của Campuchia mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tính đến để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, miễn là xử lý sao cho đúng luật, công khai minh bạch, đối xử nhân đạo với các đối tượng nhập cư như chuẩn mực của nhân loại tiến bộ, tránh sử dụng chuyện "đánh người nhập cư" vào các mục đích chính trị để hạ bệ nhau.

Bản thân ông Sam Rainsy cũng nói rằng, cộng đồng người Việt sống lâu đời tại Kompong Chhnang hoặc các địa phương khác miễn là được ghi chép đầy đủ và đúng, có thể cùng chung sống với người dân Khmer mà không đe dọa đến chủ quyền. "Điều quan trọng nhất là thực hiện pháp luật. Chúng ta phải kiểm tra những gì họ nói. Nó có thể đúng, có thể sai. Họ nói rằng họ đã ở đây trong nhiều thế hệ. Nếu đúng như vậy, chúng ta phải tôn trọng quyền của họ", The Cambdoai Daily dẫn lời ông Sam Rainsy nói.

Cả hai ông Hun Sen và Sam Rainsy đều đang cố chứng minh rằng, đất nước Campuchia không có nạn phân biệt chủng tộc. Vậy xin hai ngài hãy chứng minh bằng hành động. Ảnh: The Cambodia Daily.
Cả hai ông Hun Sen và Sam Rainsy đều đang cố chứng minh rằng, đất nước Campuchia không có nạn phân biệt chủng tộc. Vậy xin hai ngài hãy chứng minh bằng hành động. Ảnh: The Cambodia Daily.

Vậy hy vọng ông Sam Rainsy với vai trò một nghị sĩ, người đứng đầu một chính đảng ở Campuchia khi phát biểu công khai phải thượng tôn pháp luật thì hãy giữ lời bằng hành động, hỗ trợ cộng đồng người Campuchia gốc Việt đã sinh sống, làm ăn lương thiện ở Campuchia mấy chục năm qua được nhập quốc tịch và được hưởng đầy đủ quyền lợi công dân như mọi người dân Campuchia khác, theo quy định của Luật Quốc tịch.

Được như vậy, chắc hẳn cộng đồng người Campuchia gốc Việt chắc hắn sẽ biết ơn ông, cũng như Nhà nước Campuchia, chính họ đã, đang và sẽ góp phần nhiều hơn nữa làm giàu thêm bản sắc, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước chùa tháp, củng cố hòa bình, an ninh và ổn định cho quốc gia này.

Còn với Thủ tướng Hun Sen, theo The Cambodia Daily hôm 22/9, khi tiếp tân Cao ủy Liên Hợp Quốc tại Campuchia về nhân quyền Rhona Smith, ông đã lưu ý bà Rhona Smith cần đặc biệt chú ý đến vấn đề phân biệt chủng tộc ở Campuchia. Mặc dù ông không nói rõ, nhưng The Cambodia Daily nói rằng chính phủ của ông thường xuyên lên án phe đối lập CNRP tuyên truyền bài Việt, phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người Campuchia gốc Việt.

Đó là việc cần thiết, nên làm và cũng là thực tế những gì đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, cách thực hiện chính sách nhập cư hiện nay của Campuchia cũng như chính sách đối với cộng đồng người Campuchia gốc Việt đang khiến dư luận có cảm giác dường như cổ vũ tâm lý bài Việt vẫn lấp ló đâu đó trong các hoạt động thường ngày của bộ máy chính quyền nhà nước.

Cộng đồng người Campuchia gốc Việt đã trở thành một bộ phận của xã hội đất nước chùa tháp, họ sinh ra trên đất Campuchia, nói tiếng Khmer, sinh hoạt và làm việc như người Khmer và vẫn hàng ngày đóng góp cho sự phát triển của xã hội Campuchia.

Vì vậy hy vọng rằng Thủ tướng Hun Sen trong phạm vi quyền hạn, cương vị của mình hãy có chỉ đạo các cơ quan chức năng phụ trách quản lý nhập cư, dân số hãy làm việc công tâm, công khai, đúng luật, khách quan và nhân đạo, đặc biệt quan tâm đến cộng đồng người Campuchia gốc Việt còn chưa được hưởng đầy đủ quyền công dân trên đất nước chùa tháp.

Được như vậy thì dù thế lực chính trị nào có muốn kích động nói xấu bản thân Thủ tướng Hun Sen hay CPP cũng chỉ là dã tràng xe cát, uy tín của cá nhân ông cũng như chính phủ, nhà nước Campuchia chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Chính điều đó sẽ góp phần làm cho xã hội Campuchia ngày càng ổn định và đoàn kết.

Cả hai ông Sam Rainsy và Hun Sen đều khẳng định mình và chính đảng của mình không phân biệt chủng tộc, không theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Vậy xin hai ngài hãy chứng minh thiện chí ấy bằng hành động giúp đỡ cộng đồng người Campuchia gốc Việt đúng theo tinh thần luật pháp Campuchia quy định và cam kết của quý vị, được như thế chính là hồng phúc cho đất nước chùa tháp và cũng là may mắn, đóng góp tích cực, thiết thực nhất cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Hồng Thủy