Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và vợ chồng ông Lê Văn Tròn (đã chết), bà Trần Thị Bích Vân trú tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo thông tin mà BIDV cung cấp tại Tòa: Bắt đầu từ tháng 8/2003, ông Lê Văn Tròn có quan hệ tín dụng với BIDV. Đến ngày 08/7/2014, ông Tròn vẫn còn nợ quá hạn BIDV số tiền hơn 1,5 tỷ đồng nhưng BIDV vẫn tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐHM để giải ngân cho ông Tròn vay tới 2,4 tỷ đồng.
Chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Vĩnh Phúc đang bị khách hàng tố ngược là vi phạm quy định cho vay. |
Mục đích của việc vay tiền là “kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng”. Trong số 3 tài sản đảm bảo (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) mà ông Tròn cung cấp cho Ngân hàng thì chỉ có 01 tài sản là đứng tên vợ chồng ông Tròn, 02 tài sản còn lại đứng tên một hộ gia đình khác.
Đó là, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 161,6m2 tại tờ bản đồ số 03, số thửa 58A và 85,6m2 tại tờ bản đồ số 3, số thửa 154 đều mang tên vợ chồng ông Lê Văn Lực và bà Nguyễn Thị Duyên địa chỉ tại thôn Táo, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường.
Cũng theo thông tin từ BIDV cung cấp, đến nay gia đình bà Vân vẫn còn nợ Ngân hàng hơn 1,7 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ, buộc Ngân hàng phải khởi kiện ra Tòa để thu hồi tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, trong khi xét xử, đã lộ ra nhiều sai phạm của BIDV trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay vốn.
Đó là, Ngân hàng BIDV đã không xác minh hoặc cố tình khai khống mục đích vay vốn của khách hàng. Cụ thể, tại phần mục đích sử dụng tiền vay của hợp đồng tín dụng ghi rõ: “Kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng”.
Tuy nhiên, xác minh của Tòa án cho thấy: “Khi ông Tròn còn sống gia đình không có buôn bán kinh doanh gì vì ông Tròn công tác tại UBND huyện Vĩnh Tường, bà Vân làm giáo viên dạy học tại xã.
Thực tế, vợ chồng bà Vân không kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng;
ngôi nhà của ông Tròn, bà Vân ở khu chợ Táo, thôn Tuân Chính đã cho vợ chồng ông Trương Công Tích, bà Vũ Thị Bình thuê để kinh doanh mặt hàng điện nước từ năm 2007. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Vân cũng thừa nhận không kinh doanh thiết bị điện nước, vật liệu xây dựng…”.
Hợp đồng thế chấp bị khách hàng chỉ ra một loạt sai phạm và đề nghị Tòa tuyên vô hiệu. |
Ngay tại phiên tòa, người có hợp đồng thế chấp với BIDV là gia đình ông Lê Văn Lực lại đồng loạt tố cáo BIDV đã vi phạm quy định cho vay, tự ý sửa hợp đồng và đề nghị Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu.
Cụ thể, ông Lê Văn Lực cho rằng: Khi ông Tròn ký kết vay tiền với BIDV như thế nào vợ chồng ông không được biết, ông không sử dụng khoản tiền vay đó và cũng không nhờ ông Tròn vay tiền hộ. Chỉ vì quan hệ gia đình nên ông Lực mới cho ông Tròn mượn tài sản thế chấp.
Khi ký hợp đồng thế chấp, ông Tròn mang đến nhà để hướng dẫn vợ chồng ông Lực ký vào và không hề có chữ ký của 03 người con ông (đều trên 18 tuổi).
Ông Lực cũng không đến Phòng Công chứng Vĩnh Tường để ký kết nhưng Công chứng viên Nguyễn Văn Dần vẫn thực hiện lời chứng của công chứng viên. Không những thế, ông Lực còn tố BIDV đã tự ý thay thế các trang hợp đồng (không có chữ ký nháy của ông) để làm sai lệch, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.
Công chứng viên Nguyễn Văn Dần thừa nhận: Ở các trang trong của hợp đồng thế chấp (trang 1, 2, 4, 6, 8) không có chữ ký nháy của ông Lực, bà Duyên và trang 1,2 trong văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp cũng không có chữ ký nháy của ông Lực, trang 2 không có chữ chữ ký nháy của bà Duyên. |
Cũng tại phiên tòa, Công chứng viên Nguyễn Văn Dần thừa nhận: Ở các trang trong của hợp đồng thế chấp (trang 1, 2, 4, 6, 8) không có chữ ký nháy của ông Lực, bà Duyên và trang 1,2 trong văn bản sửa đổi hợp đồng thế chấp cũng không có chữ ký nháy của ông Lực, trang 2 không có chữ chữ ký nháy của bà Duyên.
Tuy nhiên, ông Dần giải thích, không có chữ ký là do… sơ suất và không phải lỗi nghiêm trọng.
Cuối phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử vẫn không chấp nhận yêu cầu của ông Lực, bà Duyên là “tuyên bố vô hiệu hợp đồng số 01/2012/HĐTC”.
Phân tích về những sai phạm của BIDV trong việc thực hiện hợp đồng tín dụng trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Điều 389, Bộ luật Dân sự quy định về việc giao kết hợp đồng dân sự phải theo nguyên tắc tự do, tự nguyên, bình đẳng, thiện chí, trung thực… nhưng rõ ràng Hợp đồng thế chấp số 01 đã vi phạm nguyên tắc trên.
Hơn nữa, gia đình ông Lực không đến Phòng Công chứng nhưng Công chứng viên vẫn thực hiện là vi phạm Điều 35, Điều 39 và Điều 41 Luật Công chứng.
Ngoài ra, việc hợp đồng tín dụng ghi rõ mục đích vay vốn là “kinh doanh điện nước, vật liệu xây dựng” nhưng thực tế không phải vậy. Đây rõ ràng là vi phạm trong quá trình thẩm định hồ sơ hoặc cố tình ghi khống của cán bộ Ngân hàng BIDV….”.
Như vậy, “cháy nhà mới ra mặt chuột”, qua vụ án này mới thấy công tác thẩm định hồ sơ vay vốn của BIDV quá lỏng lẻo và có dấu hiệu “trục lợi” của một số cán bộ Ngân hàng trong giao dịch với khách hàng.
Các hành vi sai phạm của cán bộ Ngân hàng BIDV trong vụ án trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích ở các bài báo tiếp theo.