Tòa nhà 8B Lê Trực: Phạt 100 triệu đồng, yêu cầu tự tháo dỡ phần sai phạm

15/10/2015 16:55
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Quyết định xử phạt trên được UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đưa ra với Công ty cổ phần May Lê Trực, chủ đầu tư dự án tòa nhà 8B Lê Trực.

Hôm nay, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng công trình với Công ty cổ phần May Lê Trực chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực (tòa nhà 8B Lê Trực)

Theo đó, căn cứ vào các quy định pháp luật của Nhà nước và thành phố, UBND quận Ba Đình đã đã bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là 100 triệu đồng với Công ty cổ phần May Lê Trực (đại diện là ông Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị) do có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 do Sở Xây dựng cấp và hồ sơ thiết kế được xác nhận theo giấy phép xây dựng đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng được cấp phép xây dựng mới.

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở số 8B Lê Trực.
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở số 8B Lê Trực.

Sai phạm của chủ đầu tư dự án tòa nhà 8B Lê Trực dựa vào kết luận của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Hà Nội.

Cụ thể, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m, nhưng thực tế chủ đầu tư đã tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép…

Với những sai phạm trên, chủ đầu tư đã vi phạm Điểm c Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ- CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và Điểm b Khoản 5 Nghị quyết số 07/2014/NQ – HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Điểm b Khoản 5 Nghị quyết số 07/2014/NQ – HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội:

5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị(theo hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 13);

b) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13).

Cùng với việc phải nộp phạt vi phạm hành chính, UBND quận Ba Đình còn yêu cầu chủ đầu tư toàn nhà 8B Lê Trực phải đình chỉ toàn diện thi công xây dựng công trình; yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và lập phương án phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng báo cáo cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên, Đội Thanh tra Xây dựng quận trước ngày 15/10/2015).

Phương án phá dỡ phải xác định rõ thời gian, tiến độ từ khi thực hiện việc phá dỡ đến khi kết thúc và đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 25 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP.

Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Trước đó tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (sáng 13/10), Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thẳng thắn: “Về trật tự xây dựng, chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm” và hứa “không để xảy ra trường hợp nghiêm trọng nữa”.

Ông Dục cho biết, Sở Xây dựng đã tăng cường kiểm tra trách nhiệm của các cán bộ thanh tra, từ đội cho đến Sở, liên ngành. Nếu phát hiện vi phạm, tùy theo mức độ, Sở sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Trong khi đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, thành phố từng xử lý nhiều vụ việc vi phạm xây dựng nghiêm trọng, vượt nhiều tầng, sai giấy phép. Quy trình xử lý đã có, khi phát hiện sai phạm thì lập biên bản xử lý. Chủ đầu tư không thực hiện thì sẽ bị cắt điện, nước, đình chỉ thi công, thậm chí không cho mua bán, giao dịch…

“Chúng ta xử rất nhiều công trình vi phạm, thế nhưng vẫn để xảy ra trường hợp nhà 8B Lê Trực. Giờ không cần biện pháp gì mới lạ, cứ đúng quy định mà làm thôi. Sai chỗ nào cắt chỗ đấy, xây sai 16 m cắt đi 16 m, không giật cấp thì yêu cầu giật cấp. Biện pháp khá đơn giản”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Trước ý kiến lo ngại việc cắt ngọn sẽ ảnh hưởng đến kiểu dáng kiến trúc, mất cân đối công trình, ông Nghị cho rằng lập luận này từng có khi thành phố cắt ngọn các công trình vi phạm. Nhưng về logic, chồng thêm tầng mới nguy hiểm còn cắt bớt chỉ làm công trình nhẹ đi. Trường hợp cần có biện pháp kỹ thuật gia cố để công trình an toàn thì chủ đầu tư phải thực hiện.

“Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng phải kiểm điểm, xử lý nghiêm túc những người đã thanh tra, kiểm tra lập biên bản mà không xử lý kịp thời, thậm chí không báo cáo với lãnh đạo. Đến lúc báo đăng thì lãnh đạo mới biết”, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh trường hợp tòa nhà 8B Lê Trực.

Mai Anh (Tổng hợp)