Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 15 tháng 10 đưa tin, ngày 9 tháng 10 tại Bắc Kinh, Hiệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc, Viện nghiên cứu thông tin khoa học công nghệ hạt nhân và kinh tế Trung Quốc đã chính thức công bố "Báo cáo nghiên cứu vấn đề nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản".
Nhật Bản vận chuyển phế liệu hạt nhân |
Báo cáo này đã trình bày kỹ lưỡng các tình hình như dự trữ nhiên liệu hạt nhân nhạy cảm (plutonium, uranium), năng lực sản xuất và nhu cầu thực tế của Nhật Bản.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng vừa cho biết, vấn đề nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản hoàn toàn không phải không thể giải quyết, quan trọng là Nhật Bản cần có thiện chí và giữ thái độ có trách nhiệm, có hành động thực tế để giải quyết mối quan ngại của "cộng đồng quốc tế" (Trung Quốc).
Về vấn đề này, bài báo đã phỏng vấn Viện trưởng Đằng Kiến Quần, Viện nghiên cứu Mỹ, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc.
Nhật Bản có nhiên liệu, có năng lực hạt nhân
"Báo cáo nghiên cứu vấn đề nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản" dẫn số liệu tháng 8 năm nay của Chính phủ Nhật Bản cho biết, lấy "nhiên liệu hạt nhân có thể trực tiếp dùng cho chế tạo vũ khí hạt nhân" (do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế định nghĩa) làm tiêu chuẩn,
thì Nhật Bản sở hữu 47,8 tấn plutonium phân tách có độ nhạy cảm rất cao, trong đó có 10,8 tấn dự trữ ở Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản còn sở hữu khoảng 1,2 tấn uranium làm giàu cao.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham gia hoạt động kỷ niệm ở Nagasaki |
Báo cáo chỉ ra, "với năng lực hạt nhân của Nhật Bản, những nhiên liệu hạt nhân này có thể được dùng để chế tạo ra vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn".
Đằng Kiến Quần phân tích cho rằng, trình độ khoa học công nghệ và mức độ tự động hóa của Nhật Bản tương đối cao, về công nghệ, Nhật Bản thực sự có thể chế tạo được vũ khí hạt nhân.
Ở góc độ công nghệ, năng lực hạt nhân của Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới. Chế tạo vũ khí hạt nhân chủ yếu có 3 điều kiện, thứ nhất chính là nhiên liệu hạt nhân, cái này không thành vấn đề đối với Nhật Bản.
Sau khi Nhật Bản đề xuất phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân bắt đầu từ thập niên 1950, nhiên liệu hạt nhân của họ có quy mô lớn trên thế giới, trong đó có plutonium nhiên liệu đã qua sử dụng, còn có năng lực làm giàu uranium, cho nên, về mặt nhiên liệu là không thành vấn đề.
Thứ hai là Nhật Bản rất giỏi gia công, về mặt thiết kế kỹ thuật cũng không thành vấn đề. Hiện nay, điều chủ yếu nhất vẫn là một vấn đề quyết tâm chính trị.
Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản |
Cho nên, từ thiết kế kỹ thuật và năng lực sản xuất, Nhật Bản hiện nay chế tạo vũ khí hạt nhân thực sự không thành vấn đề. Hơn nữa, chính trị gia Nhật Bản cũng cho rằng, trong vòng 3 - 6 tháng hoàn toàn có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân. Nhật Bản không có bất cứ khó khăn gì về công nghệ.
Ba nguyên tắc hạt nhân có thể thay đổi
Hiện nay, chính quyền Shinzo Abe đã thông qua Luật bảo đảm an ninh mới, vì vậy, Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân tồn tại khả năng bị thay đổi.
Trong lễ kỷ niệm hòa bình Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm nay, ông Shinzo Abe không đề cập đến Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này phải chăng có nghĩa là Nhật Bản có thể từ bỏ ba nguyên tắc này bất cứ lúc nào?
Đằng Kiến Quần cho rằng, Chính phủ Nhật Bản hiện nay có lẽ có bầu không khí chính trị chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng do bị hạn chế bởi môi trường quốc tế và môi trường địa lý, Nhật Bản hiện không có điều kiện thực tế chế tạo vũ khí hạt nhân.
Sự cố hạt nhân Fukushima Nhật Bản năm 2011 |
Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân của Nhật Bản được bắt đầu đưa ra từ thập niên 1960, chính là không sở hữu, không chế tạo, không nhập khẩu vũ khí hạt nhân.
Sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, cùng với con đường hữu khuynh của ông không ngừng phát triển, trong vấn đề hạt nhân, ông Shinzo Abe chắc chắn đang cân nhắc, có thể xóa bỏ Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân hay không.
Nhưng, không khí chính trị của Nhật Bản ngoài tùy thuộc vào chính đảng, còn có ảnh hưởng của thế lực bên ngoài, chẳng hạn Mỹ. Mỹ cung cấp ô bảo vệ hạt nhân cho Nhật Bản, cho nên, từ Hiệp ước an ninh của Nhật Bản có thể phát hiện, bất kể đối với Mỹ hay đối với luật pháp quốc tế, Nhật Bản muốn từ bỏ Ba nguyên tắc không sở hữu vũ khí hạt nhân còn có rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt là đối với một đảo quốc như Nhật Bản, hoàn cảnh địa lý của họ cũng không cho phép họ phát động một cuộc đại chiến hạt nhân. Cho nên, ông Shinzo Abe cho dù có tư tưởng này, nhưng thực sự rất khó đưa ra một quyết sách chính trị như vậy.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện chính sách quốc phòng-an ninh mới |
“Cộng đồng quốc tế” không cho phép sở hữu vũ khí hạt nhân
70 năm trước, lịch sử đã từng bị tấn công hạt nhân làm cho người dân Nhật Bản có tâm lý sợ hãi đối với vũ khí hạt nhân. Đằng Kiến Quần cho rằng, sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với những nước phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân những năm qua cũng sẽ phần nào kiềm chế Nhật Bản đi lên con đường phát triển vũ khí hạt nhân.
Nhìn nhận năng lực hạt nhân của Nhật Bản ít nhất có 2 phương diện: Một là trong nước Nhật Bản, Nhật Bản là quốc gia duy nhất bị tấn công hạt nhân, nhân dân Nhật Bản rất nhạy cảm đối với hạt nhân.
Sau sự kiện nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011, Chính phủ Nhật Bản quyết định chấm dứt hoạt động của tất cả các nhà máy điện hạt nhân, ý dân thực sự là một nhân tố mang tính quyết định rất lớn trong việc Nhật Bản sử dụng hạt nhân.
Đối với cộng đồng quốc tế, nếu ông Shinzo Abe thực sự muốn đi con đường trở thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân thì sẽ bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ, chẳng hạn các nước láng giềng chắc chắn sẽ coi Nhật Bản là mục tiêu tấn công hạt nhân. Các nhà chính trị Nhật Bản cần tính toán rốt cuộc có thích hợp hay không.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31, Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc |
Ngoài ra, nhìn vào điều ước quốc tế, sau khi "Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân" có hiệu lực, chỉ có Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân, cái giá mà họ phải trả chính là cộng đồng quốc tế đã tiến hành một số biện pháp đáp trả, trong đó có trừng phạt.
Bài báo cho rằng, "cộng đồng quốc tế" không cho phép bất cứ nước nào đi lên con đường sở hữu vũ khí hạt nhân.