"Trả thù đời" không phải cái cớ bênh vực Trung Quốc bành trướng Biển Đông

17/10/2015 06:45
Hồng Thủy
(GDVN) - Hành xử luật rừng, ăn trên ngồi trốc luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã và đang thể hiện trên Biển Đông quá đủ rồi, không cần thêm giáo sư Valencia phụ họa.

Giáo sư Mark Valencia, một học giả Hoa Kỳ là giáo sư thỉnh giảng thường xuyên tại Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở Hải Khẩu, Hải Nam ngày 17/10 có bài phân tích về Biển Đông trên The Straits Times. Ông bênh vực lập trường của Trung Quốc trong vụ việc Mỹ tuyên bố sẽ tuần tra tự do hàng không, hàng hải 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa.

Giáo sư cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc lựa chọn các phản ứng với động thái này của Hoa Kỳ cũng như vụ kiện đường lưỡi bò mà Philippines khởi xướng.

Giáo sư Mark Valencia, ảnh: nghiencuubiendong.vn.
Giáo sư Mark Valencia, ảnh: nghiencuubiendong.vn.

Theo ông Valencia, mục đích chính của Mỹ trong hoạt động này là chứng minh với đồng minh, đối tác cũng như dư luận khu vực và thế giới về quyết tâm của Washington bảo vệ tự do hàng không - hàng hải, ngăn cản từ xa các hoạt động và tuyên bố gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên học giả này cho rằng, làm như vậy là nguy hiểm và có thể gây phản tác dụng vì nó sẽ gây khó khăn cho "vai trò lãnh đạo" của Trung Quốc?!

Mark Valencia tin rằng sẽ không có khả năng Trung Quốc cố gắng bỏ qua những hành động (họ cho là) khiêu khích của Mỹ. Washington tin tàu chiến hay máy bay Mỹ không xâm nhập "lãnh hải" hay "không phận" Trung Quốc. Bởi lẽ các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng là các rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mực nước biển và không có quyền đòi hỏi quy chế lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS. Trung Quốc sẽ lựa chọn một cuộc đồi đầu.

Nói như vậy rõ ràng không phải ông Mark Valencia không hiểu luật, ông thừa khả năng nhận thức được rằng 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp ấy không phải đảo tự nhiên và không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý theo UNCLOS. Nói cách khác, hoạt động tuần tra của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý các thực thể này hoàn toàn hợp pháp. Nhưng ông vẫn tìm cách bênh vực Bắc Kinh, phải chăng theo ông lẽ phải luôn thuộc về cường quyền và bạo lực? PV.

Về phương án khả năng phản ứng của Trung Quốc, giáo sư Valencia cho hay: Trung Quốc có thể lựa chọn quấy rối các tàu Mỹ bằng cách điều chiến đấu cơ bay ngay trên đầu, hoặc dùng tàu Cảnh sát biển đuổi các tàu hải quân Mỹ, hoặc dùng nhiều "tàu cá" để cản trở đường đi của tàu Mỹ. Đó chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất. Tồi tệ nhất là Bắc Kinh sẵn sàng đối đầu với các máy bay và tàu chiến của Mỹ bằng lực lượng quân sự của mình và yêu cầu phía Hoa Kỳ "rời khỏi vùng biển Trung Quốc".

Washington có thể bị đặt vào thế bí, không rút lui có thể gây ra cuộc khủng hoảng, đối đầu quân sự, còn nếu rút lui thì mặt mũi nào nói chuyện với các đồng minh, đối tác trong khu vực. Ông Valencia tin rằng Hoa Kỳ có thể đã đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) ở Trung Quốc cũng như khả năng điều tiết của lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh đã công khai yêu sách "chủ quyền" của mình ở Biển Đông và xem nó là vấn đề "tự tôn dân tộc, đổi lại cho 1 thế kỷ bị xỉ nhục".

Điều đó cho thấy sẽ rất khó khăn đối với lãnh đạo Trung Quốc để "lùi bước" trong những vấn đề này, vì vậy các hành động của Mỹ sắp tới có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng. Ông cho rằng trong trường hợp Mỹ tuần tra 12 hải lý hay Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là "phản ứng bằng hành động". Vì vậy sự bấp bênh về pháp lý và chính trị sẽ thống trị Biển Đông, các vụ bạo động có khả năng sinh sôi nảy nở.

Thẩm quyền và tính hợp pháp của các cơ chế giải quyết tranh chấp, thậm chí là ngay cả hiệu lực của UNCLOS cũng sẽ bị suy yếu. Với những nước như Philippines hay bất kỳ bên yêu sách nào khác ủng hộ phán quyết của tòa, Trung Quốc có thể gia tăng áp lực kinh tế và chính trị. Trung Quốc từng tuyên bố rằng các nước nhỏ đừng "cợt nhả" với Bắc Kinh?!

Những luận điệu dọa nạt, hành xử luật rừng, ăn trên ngồi trốc luật pháp quốc tế mà Trung Quốc đã và đang thể hiện trên Biển Đông quá đủ rồi, không cần thêm giáo sư Valencia phụ họa. Ông đã đánh giá quá thấp Hoa Kỳ cũng như khu vực.

Nếu công pháp quốc tế, công lý lại dễ dàng bị khuất phục trước cường quyền như thế, thế giới đã không thể có nổi một ngày yên bình. Giáo sư Mark Valencia có thể tiếp tục giảng những điều ông muốn cho người Trung Quốc nghe, nhưng nói những lời này với cộng đồng quốc tế thì thật nực cười và lố bịch.

Hồng Thủy