Chiến hạm USS Fort Worth lớp Littoral Combat đã được Mỹ sử dụng tuần tra ở Biển Đông. |
Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/10 dẫn lời Doãn Trác, một viên tướng hải quân nghỉ hưu nhận định rằng Hoa Kỳ đã hạ quyết tâm tuần tra đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Phạm vi tuần tra sẽ là 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) trên 7 rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) và nhiều khả năng Mỹ sẽ điều động các tàu khu trục lớp Aegis thực hiện nhiệm vụ này.
Doãn Trác cho rằng, quyết tâm tuần tra 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã được thể hiện rõ qua phản ứng của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, vấn đề còn lại chỉ là lúc nào tuần tra và bằng phương tiện gì.
Các chiến hạm loại 3000 tấn chắc chắn không chiếm ưu thế khi đối mặt với lực lượng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc. Nếu có va chạm, loại tàu này dễ bị hư hỏng. Do đó để đảm bảo an toàn, có nhiều khả năng Mỹ sẽ điều động các khu trục hạm loại 8000 đến 9000 tấn thực hiện.
Theo ông Trác, hình thức Mỹ can thiệp vào Biển Đông có thể chia làm 2 cấp độ, một là tập trận chung với các nước ASEAN, hai là kêu gọi tuần tra chung ở Biển Đông. Việc tập trận chung thì hầu hết các nước ASEAN đồng ý, nhưng tuần tra chung và tuần tra 12 hải lý thì không phải nước nào cũng gật đầu.
Bình luận về hoạt động này, tờ Asia Times ngày 19/10 cho rằng, sau khi trì hoãn trong nhiều tháng, cuối cùng chính quyền Tổng thống Barack Obama đã ủy nhiệm cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương điều động tàu vào tuần tra thách thức yêu sách 12 hải lý lãnh hải bất hợp pháp của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Tuy nhiên quân đội Mỹ sẽ không điều động tàu sân bay USS Ronald Reagan và cụm tàu hộ tống thực hiện công việc này. USS Ronald Reagan đang neo đậu tại cảng Yokosuka, Nhật Bản, thay thế cho tàu USS George Washington. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lại điều động tàu Littoral Combart thực hiện nhiệm vụ tuần tra này trong 2 tuần tới.