Mỹ triển khai tàu khu trục mạnh nhất can dự Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc

22/10/2015 14:40
Đông Bình
(GDVN) - Tàu khu trục Benfold đã trang bị hệ thống tác chiến Baseline 9 mới, có năng lực phòng không, săn ngầm và phòng thủ tên lửa đạn đạo, chi viện tàu sân bay.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 21 tháng 10 đưa tin, tàu khu trục tên lửa USS Benfold Mỹ ngày 18 tháng 10 chính thức được triển khai ở căn cứ Yokosuka Nhật Bản, đứng trên tàu, sĩ quan chỉ huy tàu này là Petersen cho biết: "Chúng tôi có hệ thống chiến đấu tiên tiến nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

3 tàu khu trục Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở khu vực tác chiến, bảo vệ an ninh khu vực (ảnh nguồn mạng sina Trung Quốc)
3 tàu khu trục Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở khu vực tác chiến, bảo vệ an ninh khu vực (ảnh nguồn mạng sina Trung Quốc)

Theo tờ "Stars and Stripes" Mỹ ngày 19 tháng 10, tàu khu trục tên lửa có sức chiến đấu mạnh nhất hiện nay này của Mỹ sẽ tham gia hành động ở khu vực Biển Đông, biển Hoa Đông và lân cận CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, trang mạng tin tức Sputnik Nga ngày 20 tháng 10 tiết lộ, trên danh nghĩa ngăn chặn Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vào năm 2021 cũng sẽ có năng lực tương tự.

Tàu khu trục tiên tiến nhất Mỹ

Tờ "Stars and Stripes" Mỹ cho rằng, mặc dù tàu khu trục USS Benfold ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước đã chế tạo xong và đưa vào hoạt động, nhưng hệ thống tác chiến Baseline 9 mới hoàn thành cải tạo giúp cho tàu chiến Aegis này trở thành tàu chiến tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ.

Được biết, tàu khu trục USS Benfold thuộc tàu khu trục lớp Arleigh Burke Mỹ, dài 153,9 m, có năng lực phòng không, săn ngầm và phòng thủ tên lửa đạn đạo cần cho chi viện cụm chiến đấu tàu sân bay.

3 tàu khu trục Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở khu vực tác chiến - Biển Đông, bảo vệ an ninh khu vực (ảnh nguồn mạng sina Trung Quốc)
3 tàu khu trục Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở khu vực tác chiến - Biển Đông, bảo vệ an ninh khu vực (ảnh nguồn mạng sina Trung Quốc)

USS Benfold là tàu chiến quân Mỹ thứ 12 lấy cảng Yokosuka làm cảng chính. Theo kế hoạch, năm 2017, tàu chiến được Quân đội Mỹ triển khai ở căn cứ này bao gồm tàu sân bay động cơ hạt nhân và tàu khu trục Aegis, tàu tuần dương, tổng số sẽ đạt đỉnh cao kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai: 14 chiếc.

Theo mạng tin tức Sputnik Nga, mục đích tăng cường triển khai tàu chiến Aegis ở Nhật Bản của Mỹ là tăng cường thực lực quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Tháng 6 năm nay, Mỹ đã điều tàu tuần dương tên lửa USS Chancellorsville (đã được nâng cấp hệ thống Aegis) tới Yokosuka. Dự tính năm 2020, Mỹ sẽ triển khai hơn một nửa số tàu chiến ở khu vực này.

Người chỉ huy trung đội tàu khu trục 15 Hải quân Mỹ ở Nhật Bản, Christopher Sweeney cho biết: "Chúng tôi trông đợi tàu USS Benfold gia nhập các hành động ở Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực lân cận CHDCND Triều Tiên".

Tàu khu trục Aegis USS Benfold và tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Thái Bình Dương vào ngày 5 tháng 10 năm 2015
Tàu khu trục Aegis USS Benfold và tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Thái Bình Dương vào ngày 5 tháng 10 năm 2015

Theo bài báo, tàu khu trục USS Benfold sẽ bảo đảm cho Hải quân Mỹ tuần tra ở các vùng biển nhạy cảm của khu vực này. Nếu CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa tầm xa tấn công Mỹ hoặc đồng minh, tàu USS Benfold sẽ "loại bỏ những mối đe dọa đó".

Đối phó tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc

Hải quân Mỹ sở dĩ tràn đầy lòng tin đối với tàu USS Benfold, chính là do nó đã được nâng cấp cải tạo hệ thống tác chiến Baseline 9. Bộ Tư lệnh Hệ thống biển Hải quân Mỹ (Naval Sea Systems Command) coi việc cấp lần này là sự tiến bộ mang tính cột mốc.

Việc cải tạo hiện đại hóa tàu khu trục USS Benfold được hoàn thành ở căn cứ San Diego, bao gồm tất cả các bộ phận của hệ thống tác chiến như nâng cấp radar, vũ khí, hệ thống thông tin, thiết bị định vị thủy âm, tác chiến điện tử, dẫn đường và năng lực tính toán.

Tàu chiến sau cải tiến có thể bắn tên lửa phòng không SM-6 tầm xa mới, có thể bắn rơi máy bay tấn công địch lắp tên lửa chống hạm trước khi nó ném bom. Đồng thời, nó cũng đã nâng cao năng lực phòng thủ bầu trời, điều này có lợi cho Hải quân Mỹ đối phó với các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo.

Tàu tuần dương USS Chancellorsville Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis Baseline 9
Tàu tuần dương USS Chancellorsville Hải quân Mỹ được trang bị hệ thống Aegis Baseline 9

Hải quân Mỹ luôn lo ngại, đối thủ tiềm tàng có thể đồng thời phát động tấn công bão hòa từ các hướng khác nhau, tức là tên lửa hành trình bay sát mặt biển và tên lửa đạn đạo bổ nhào từ trên cao xuống.

Trong khi đó, tàu chiến Mỹ trang bị hệ thống Baseline 9 sẽ có thể đồng thời đối phó các mối đe dọa trên không như máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và mối đe dọa trên cao của tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, bản thân tàu chiến cũng đã tiến hành rất nhiều cải tiến hiện đại hóa và tự động hóa, đặc biệt là các bộ phận cốt lõi như trung tâm thông tin chiến đấu được tiến hành hiện đại hóa hoàn toàn.

Kế hoạch của Hải quân Mỹ là tiến hành nâng cấp đối với 18 tàu chiến Aegis, trong đó có 3 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục. Chúng đều sẽ có năng lực phát hiện, theo dõi và bắn rơi tên lửa đạn đạo địch.

Là một trong những tàu khu trục Aegis được cải tạo thuộc lô đầu tiên, tháng 12 năm 2014, tàu USS Benfold mới hoàn thành nâng cấp ở nhà máy đóng tàu, đầu năm nay tiến hành chạy thử trên biển vài tháng. Ngày 2 tháng 10, tàu khu trục USS Benfold khởi hành đến cảng Yokosuka.

3 tàu khu trục Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở khu vực tác chiến - Biển Đông, bảo vệ an ninh khu vực (ảnh nguồn mạng sina Trung Quốc)
3 tàu khu trục Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đang tuần tra ở khu vực tác chiến - Biển Đông, bảo vệ an ninh khu vực (ảnh nguồn mạng sina Trung Quốc)

Tạp chí “Lợi ích quốc gia” Mỹ cho rằng, Mỹ điều loại tàu chiến Aegis có chức năng phòng thủ tên lửa đến Nhật Bản một cách cấp bách như vậy chính là để ứng phó với tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D và Đông Phong-26 được Trung Quốc phô trương trong lễ duyệt binh vào tháng 9 vừa qua.

Hải quân Mỹ tuyên bố, phòng thủ tên lửa đạn đạo duyên hải là năng lực cốt lõi của Hải quân Mỹ, sẽ thông qua cung cấp bảo hộ cho quân đội triển khai tuyến đầu, nước bạn bè và đồng minh để tăng cường năng lực răn đe.

Nhật Bản cũng sẽ có được năng lực tương tự

Mạng tin tức Sputnik Nga cho rằng, Nhật Bản cũng sẽ tham gia nâng cấp hệ thống Aegis. Đặc biệt là công ty Nhật Bản đã nghiên cứu phát triển phần mềm số liệu chiến đấu hiển thị hình ảnh cho tàu chiến Aegis.

Phần mềm này có thể giúp cho các tàu chiến trao đổi thông tin mục tiêu, bao gồm số liệu hoạt động của tàu chiến, hoạt động bay của máy bay, tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm.

Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc

Hiện nay, tàu chiến Aegis của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đều không thể phòng thủ tên lửa đạn đạo chống hạm, còn hệ thống mới được phát triển sẽ có thể khắc phục điểm yếu này. Theo kế hoạch, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ tăng thêm 2 tàu Aegis mới có lắp phần mềm này vào tháng 3 năm 2021. 

Đông Bình