Nhật Bản có thể cùng Mỹ tuần tra Biển Đông vì lo ngại mối đe dọa Trung Quốc

24/10/2015 16:04
Đông Bình
(GDVN) - Khả năng Nhật Bản tham gia tuần tra với Mỹ rất lớn, trong tương lai, Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn ở Biển Đông, tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 10 có bài viết cho rằng, sự can thiệp của nhiều thế lực làm cho vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp, Quân đội Mỹ thúc đẩy tuần tra Biển Đông chắc chắn sẽ làm cho tình hình khu vực ở trạng thái căng thẳng tiến gần hơn tới "giới hạn đỏ" nguy hiểm.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tuy nhiên, bộ mặt thật của giới bành trướng Trung Quốc là: Mỗi một sự cố, một sự kiện làm Biển Đông dậy sóng thì chúng lại sử dụng hết công suất bộ máy tuyên truyền khổng lồ để đổ lỗi cho người khác, đánh bóng những hành vi, thủ đoạn đen tối của chúng hòng lừa đảo thiên hạ, nhưng chúng càng to mồm càng trở thành trò hề, càng trở nên lố bịch, kệch cỡm - PV.

Bài báo dẫn tờ "The Japan Times" Nhật Bản ngày 21 tháng 10, cùng với việc Mỹ triển khai hành động tuần tra ở Biển Đông, một số chuyên gia cho rằng, Nhật Bản sau khi sửa đổi Hiến pháp sẽ đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch tuần tra tự do hàng hải trong 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo ở Biển Đông, áp sát tuyến đường hàng hải lớn ở vùng biển này, đồng thời cho biết việc làm này có vai trò rất quan trọng đối với tự do thương mại trên biển.

Trong khi đó, xét thấy tuyến đường thương mại Biển Đông là huyết mạch của phần lớn tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, Nhật Bản lo ngại tuyến đường thương mại Biển Đông do Trung Quốc khống chế sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.

Nhật Bản có hơn 70 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C, nhưng đang được thay thế bằng máy bay tuần tra săn ngầm P-1 tự chế tạo
Nhật Bản có hơn 70 máy bay tuần tra săn ngầm P-3C, nhưng đang được thay thế bằng máy bay tuần tra săn ngầm P-1 tự chế tạo

Chuyên gia Zack Cooper thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Nhật Bản cho rằng, sự lo ngại của Nhật Bản có 2 cấp độ: Mối đe dọa ổn định khu vực và Trung Quốc áp dụng hành động "tự tin" (hung hăng hăm dọa).

"Xét thấy Mỹ và một số quốc gia khu vực đã áp dụng hành động, hỗ trợ bảo vệ tuyến đường hàng hải quốc tế... Để bảo đảm tự do lưu động năng lượng và thương mại kinh tế khác ở tuyến đường hàng hải của vùng biển này, bất cứ tranh chấp vùng biển quốc tế nào đều sẽ bị các nước lân cận vùng biển quốc tế và có lợi ích liên quan coi là một loại mối đe dọa" - Zack Cooper nói.

Nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Nhật Bản cho rằng: "Bất luận ở góc độ kinh tế hay cấp độ quân sự và chiến lược, ý nghĩa của vấn đề Biển Đông đối với Nhật Bản quan trọng hơn, nhưng, vấn đề Biển Đông cũng là một vấn đề sách lược, có thể kiểm soát".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong chuyến thăm Việt Nam 2 năm trước. Tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng sẽ đến thăm Việt Nam bàn về vấn đề Biển Đông
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong chuyến thăm Việt Nam 2 năm trước. Tháng 11 năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng sẽ đến thăm Việt Nam bàn về vấn đề Biển Đông

Ngay từ năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó là Itsunori Onodera nhấn mạnh, Nhật Bản "rất quan tâm đến ‘hiệu ứng liên hợp’ của vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông".

Trong một bài viết đánh giá vào năm 2012 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe càng trực tiếp chỉ rõ mối quan hệ giữa hai vấn đề này.

Ian Storey - nhà nghiên cứu các vấn đề hàng hải châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu Yusof Singapore cho rằng: "Để tăng cường mục đích phát đi tín hiệu tự do hàng hải cho Trung Quốc, kế hoạch tự do hàng hải ở Biển Đông của Mỹ hầu như hoàn toàn không phải là hành động một lần, Hải quân Mỹ có thể sẽ triển khai hành động này thường xuyên".

"Điều này đã cung cấp khả năng cho Mỹ mời các nước khác như Nhật Bản, Australia tham gia kế hoạch tuần tra Biển Đông trong tương lai".

Nhưng, Ian Storey nhấn mạnh, Nhật Bản nhận bất cứ lời mời nào có thể nâng cao vai trò của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông này có thể sẽ làm gia tăng mức độ căng thẳng quan hệ Trung-Nhật.

Giới cầm quyền Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Giới cầm quyền Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Zack Cooper cũng cho rằng, khả năng Nhật Bản tham gia kế hoạch tuần tra Biển Đông rất lớn. Nhưng, tất cả các hành động liên quan đến kế hoạch của Nhật Bản đều sẽ buộc phải cân nhắc đến kiến nghị của Mỹ và cần đánh giá rủi ro, hiệu quả và thời cơ của việc làm này. 

Bài viết cuối cùng cho rằng, cũng có người cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản có thể sẽ thúc đẩy thực hiện phương châm khu vực đa dạng của họ, đặc biệt là sau khi chính quyền Shinzo Abe thông qua Luật bảo đảm an ninh mới.

Chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng Corey Wallace thuộc Viện nghiên cứu Đông Á, Đại học tự do Berlin cho rằng: "Nhật Bản cần chiếm địa vị chủ đạo trong vấn đề biển Hoa Đông và vấn đề Biển Đông", "trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản tương đối thận trọng và kín tiếng. Tôi cho rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm đến đại dương và xây dựng sức mạnh quân sự" . 

Quân đội Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Quân đội Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Đông Bình