Mỹ sẽ chỉ tuần tra 12 hải lý đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa vài ngày lấy lệ?

25/10/2015 06:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Hoa Kỳ không muốn hậu quả đó. Không ai muốn tạo cơ hội cho Trung Quốc có một vùng cấm đi lại mới và một lãnh hải hiệu quả ở nơi họ không thể được hưởng.

Reuters ngày 24/10 đưa tin, Mỹ có kế hoạch phái tàu chiến hoặc máy bay quân sự tuần tra bảo vệ tự do, an ninh hàng không, hàng hải trên vùng biển, vùng trời quốc tế xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) phạm vi 12 hải lý trong vòng một vài ngày. Một số chuyên gia an ninh cho rằng động thái này có thể mở ra một mặt trận mới căng thẳng, đối đầu Trung - Mỹ.

Tàu chiến Mỹ USS Fort Worth đã từng tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông tháng 5/2015. Ảnh: Bloomberg.
Tàu chiến Mỹ USS Fort Worth đã từng tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông tháng 5/2015. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều chuyên gia về an ninh tin rằng, việc Washington đã không thể tuần tra thường xuyên đảm bảo tự do, an ninh hàng không, hàng hải ở Biển Đông đã góp phần thúc đẩy tham vọng của Trung Quốc triển khai sức mạnh tiến sâu vào vùng biển Đông Nam Á và xã hơn nữa. Bắc Kinh có khả năng sẽ chống lại nỗ lực thực hiện các hành động của Mỹ như thường lệ.

Hải quân Trung Quốc có thể dùng tàu chặn hoặc cố bao vây tàu Mỹ làm khủng hoảng tleo thang. Hai đồng minh Úc, Nhật dường như không có khả năng cùng với Mỹ thách thức trực tiếp yêu sách (vô lý, bành trướng) của Trung Quốc, bất chấp lo ngại về tự do hàng hải trên tuyến đường biển thương mại quan trọng.

Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông từ VIện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho biết, hải quân Mỹ phải tiến hành các hoạt động tuần tra một cách thường xuyên để củng cố thông điệp của mình chứ không phải một lần (lấy lệ) rồi thôi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói với báo chí: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã rát rõ ràng rằng chúng tôi có ý định làm điều này" khi được hỏi về tuần tra 12 hải lý.

Reuters lưu ý, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1983, đảo nhân tạo xây dựng, bồi lấp trên các rặng san hô ngập nước trước đây không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý. (Kể cả các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm cũng vậy).

Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế thì vẫn tin rằng Mỹ sẽ tuần tra thừng xuyên 12 hải lý: "Tôi biết Hoa Kỳ không muốn hậu quả đó. Không ai muốn tạo cơ hội cho Trung Quốc có một vùng cấm đi lại mới và một lãnh hải hiệu quả ở nơi họ không thể được hưởng".

Bà tin rằng Trung Quốc sẽ phải cẩn thận khi quyết định can thiệp vào hoạt động tuần tra của Mỹ, dù trước đây hai nước đã từng có va chạm. Bất chấp cam kết của Tập Cận Bình không quân sự hóa đảo nhân tạo, một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng trung tâm quân sự mới, bảo vệ tàu ngầm Trung Quốc ở đảo Hải Nam cũng như các cơ sở "dân sự" rộng rãi ở Trường Sa.

Những chiếc tàu ngầm Trung Quốc sẽ sớm mang vũ khí hạt nhân, đại diện cho sự cốt lõi của răn đe hạt nhân Trung Quốc. 

Trong khi những tiền đồn Trung Quốc đã và đang mọc lên ở Trường Sa được xem như dễ bị tổn tưhong trong một cuộc xung đột, nhưng trước khi điều này xảy ra chúng sẽ cho phép Bắc Kinh mở rộng các hoạt động quân sự lẫn dân sự (bất hợp pháp) như hoạt động nghề cá, thăm dò dầu khí (vơ vét tài nguyên) và tuần tra quân sự. 1 đường băng 3000 mét đã xong, 2 cái khác đang được xây dựng.

Hồng Thủy