"Trung Quốc định lừa Mỹ thừa nhận yêu sách lãnh thổ bành trướng"

26/10/2015 06:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Hoa Kỳ lo ngại rằng "quan hệ nước lớn mô hình mới" mà Tập Cận Bình đưa ra là một mưu đồ thiết kế để lừa Mỹ thừa nhận yêu sách bành trướng lãnh thổ.

Ryan Pickrell, một nghiên cứu sinh Mỹ đang theo học chương trình đào tạo tiến sĩ về quan hệ quốc tế tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 26/10 bình luận trên The National Interest, cuộc đấu tranh quyền lực chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ được định đoạt ở Biển Đông. Xung đột giữa một cường quốc lâu đời và một sức mạnh đang lên được nhiều học giả tin rằng sẽ không thể tránh khỏi.

Ông Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Ông Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Tập Cận Bình đưa ra đề xuất "quan hệ nước lớn mô hình mới" là để lừa Mỹ thừa nhận yêu sách lãnh thổ bành trướng

Trung - Mỹ đang tiến nhanh tới một giới hạn mà hai bên không thể quay trở lại, ngoại giao truyền thống không giải quyết được vấn vấn đề mà cả hai ngày càng có xu thế dựa vào sức mạnh quân sự. Điều này đặc biệt đúng ở Biển Đông, một trong những điểm tranh chấp lớn nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và cả hai đều không sẵn sàng thỏa hiệp. Cả hai đang chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất.

"Giải pháp" ổn định quan hệ Trung - Mỹ mà Bắc Kinh đề xuất là "quan hệ nước lớn mô hình mới", trong đó khuyến khích Hoa Kỳ và Trung Quốc tránh đối đầu, xung đột, tôn trọng hệ thống chính trị quốc gia của nhau, đặc biệt là tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. Bắc Kinh đặc biệt nhiệt tình với đề xuất này và đưa ra trong mọi cuộc họp cấp cao, kể cả hội nghị thượng đỉnh. 

Chấp nhận "giải pháp" này, có nghĩa là Mỹ không chỉ phải chấp nhận sức mạnh, quyền lực và tác động ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài tăng lên ngang bằng với Mỹ, mà còn phải chấp nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà Trung Quốc đang thổi bùng lên bên trong quốc gia của họ. Ngoài ra, mô hình này là phương tiện để Bắc Kinh thiết lập một luật chơi mới trong quan hệ Trung - Mỹ, mở ra cánh cửa mới ở châu Á với trật tự Trung Quốc là trung tâm.

Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng trong tháng Chín, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố đề xuất "quan hệ nước lớn mô hình mới" sẽ là một nội dung thảo luận quan trọng trong cuộc họp. Tuy nhiên chẳng có bất kỳ tiến triển nào về đề xuất này của Bắc Kinh khi hội nghị kết thúc vì Mỹ tin rằng "quan hệ nước lớn mô hình mới" như cách Trung Quốc muốn không phải lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, Washington đã nhiều lần bác bỏ.

Bởi lẽ chấp nhận đề nghị này của Trung Quốc đồng nghĩa với việc đồng minh và đối tác của Mỹ thấy rõ Mỹ đang suy giảm và đánh mất vai trò. Mặt khác, chấp nhận "quan hệ nước lớn mô hình mới" mà Tập Cận Bình đề xuất có nghĩa là Mỹ phải tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc.

Hoa Kỳ lo ngại rằng "quan hệ nước lớn mô hình mới" mà Tập Cận Bình đưa ra là một mưu đồ thiết kế để lừa Mỹ thừa nhận yêu sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc và chia rẽ Mỹ với các đồng minh, đối tác chiến lược lâu dài của Trung Quốc.

Mỹ tôn trọng lợi ích cốt lõi của các quốc gia, nhưng đó là lợi ích hợp pháp và chính đáng chứ không phải bành trướng lãnh thổ. Cách tiếp cận của Washington với sự ổn định của quan hệ Trung - Mỹ gần giống như "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà Bắc Kinh đưa ra, đó là tránh cạnh tranh trong khu vực có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác, đồng thời phối hợp ở những nơi khác, vấn đề khác.

Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp hoãn binh tạm thời, nhưng tệ hại ở chỗ nó tồn tại lâu hơn vai trò tác dụng của chính nó.

Trung Quốc ngày càng bành trướng, phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông, ảnh minh họa.
Trung Quốc ngày càng bành trướng, phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông, ảnh minh họa.

Biển Đông trở thành nơi Trung - Mỹ phân tài cao thấp

Trung Quốc và Hoa Kỳ bế tắc về sự ổn định chiến lược, sự cạnh tranh vẫn tiếp tục không được quản lý, kiểm soát và đối đầu đang dần phát triển thành xung đột. Các vấn đề đẩy mối quan hệ Trung - Mỹ vào xung đột có rất nhiều và đa dạng, nhưng nếu tìm kiếm vấn đề có khả năng dẫn đến đối đầu giữa 2 nước thì không có lựa chọn nào rõ ràng hơn Biển Đông.

Với Trung Quốc, yêu sách chủ quyền lãnh thổ (bành trướng vô lý, phi pháp) được xem như liên hệ đến sự tồn tại của chế độ vượt qua tất cả các tranh cãi và bất đồng khác. Ngược lại Hoa Kỳ xem tuyên bố của Trung Quốc về lãnh thổ và những hành động theo đuổi, củng cố yêu sách của Trung Quốc là bành trướng, xâm lược chống lại các đồng minh, đối tác chiến lược của Mỹ cũng như đe dọa luật pháp và trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh.

Tháng 4 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói với Thường Vạn Toàn, người đồng cấp Trung Quốc: "Tất cả các bên nên kiềm chế các hành động khiêu khích và sử dụng các biện pháp đe dọa, ép buộc hay gây hấn để thúc đẩy yêu sách của mình. Tranh chấp phải được giải quyết một các hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Thường Vạn Toàn khi đó đã trả lời: "Tôi muốn nhắc lại rằng, vấn đề chủ quyền lãnh thổ là một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Về vấn đề này chúng tôi sẽ không thỏa hiệp, không nhượng bộ. Không, ngay cả một chút vi phạm dù nhỏ bé cũng không được phép." Không có khả năng nào để thảo luận một cách công khai hoặc thỏa hiệp về vấn đề này đã dẫn đến sự leo thang căng thẳng.

Một trong những hậu quả sau cuộc gặp này là Trung Quốc đầu tư mạnh vào hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 thực thể (Bắc Kinh xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp năm 1988, 1995) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc từ bỏ hành động khiêu khích hiện tại vì nó đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bắc Kinh không những không nghe mà còn tăng thêm sự hiện diện quân sự trong khu vực (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp. Tháng Tám năm nay, Hoa Kỳ bắt đầu làm mới chiến lược an ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương của mình để bảo vệ tự do trên biển, ngăn ngừa xung đột và leo thang, thúc đẩy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

Mỹ đã nhiều lần tuyên bố tiến hành tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế trên vùng biển, vùng trời quốc tế ở Biển Đông trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể bị Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp thành đảo nhân tạo. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thấy người Mỹ có động tĩnh gì triển khai việc này.

Thời báo Hoàn Cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc thì không giâu diễm nói rằng, nếu Mỹ tiến vào 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ phải đáp trả và không để yên. Quân đội Trung Quốc sẽ dùng vũ lực ngăn chặn, thậm chí là chiến tranh không thể tránh khỏi. Nói cách khác, Biển Đông đang là điểm giới hạn của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.

Kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ được định đoạt ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông đang là chuyện cấp bách nhất trong quan hệ Trung - Mỹ, một bên sẽ lựa họn rút lui hoặc buộc phải rút lui, địa chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không còn như trước nữa.

Hồng Thủy