Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) nhận định, việc phát hiện và xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình, chưa đáp ứng với mong mỏi của xã hội. Công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này thường kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nghĩa chỉ rõ: “Năm 2015, thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỷ đồng và gần 10.000m2 đất. Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55% về tiền và gần 30% về đất. Như vậy, tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp, đó là vấn đề cử tri quan tâm cho rằng, có tình trạng hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa nhận định, khó thu hồi tài sản tham nhũng vì có chuyện hy sinh đời bố củng cố đời con. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do quá trình điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Ngay trong giai đoạn điều tra ban đầu khó có thể xác định ngay được số tài sản bị chiếm đoạt.
Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả; một số vụ án có yếu tố nước ngoài gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài, nhất là bất động sản.
Trước tình hình trên, Đại biểu Nghĩa đề nghị Quốc hội cần xem xét, ra Nghị quyết quy định đối với tội phạm tham nhũng: Tài sản thu hồi là căn cứ để tòa án xét xử và không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản tham nhũng thu hồi không đạt 100%.
“Tỷ lệ tài sản thu hồi càng ít thì mức xử án càng tăng. Có như vậy thì mới mang tính răn đe buộc tội phạm tham nhũng nộp tài sản đã chiếm đoạt cho nhà nước. Thời gian tới cần quy định tội phạm tham nhũng chỉ được đặc xá, tha tù trước thời hạn khi nộp lại ít nhất 80% thiệt hạn về tài sản đã gây ra cho nhà nước”, ông Nghĩa nói.
Ở một góc nhìn khác, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, tham nhũng là một vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia, làm chính trị bê bối, thể chế suy yếu, tổn hại kinh tế, băng hoại đạo đức xã hội.
Ông Phương dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tham nhũng là giặc nội xâm, Đảng gọi đây là nguy cơ, thách thức đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ” và cho rằng, báo cáo của Chính phủ cũng đã cho thấy tham nhũng chỉ xảy ra ở người có chức quyền, lợi dụng quyền lực mưu lợi riêng, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, còn nhiều hình thức tham nhũng khác chưa được chỉ ra.
“Trong hầu hết lĩnh vực của đời sống, người tham nhũng ít thấy người tham nhiều thì làm theo, người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập. Tham nhũng đã lây lan đến một số người dân thường. Chỉ cần có một chút chức trách, dù là trông xe, gác đền, làm văn phòng là lợi dụng tham nhũng. Đó là tình trạng tham nhũng vặt”, ông Phương nói.
Theo Đại biểu Phương, cần phải rất chú ý tới “tham nhũng chính sách”, biểu hiện qua mua chuộc, chạy chọt, sửa đổi văn bản pháp luật, quy hoạch, đem lại lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gây tổn hại cho nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) thì cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng được chỉ ra không mới và được nói ở nhiều năm qua.
“Vậy tại sao đã biết được nguyên nhân và đưa ra được giải pháp song đến nay tình hình phòng chống tội phạm chưa được ngăn chặn? Vậy còn lý do nào khác? Báo cáo cũng chỉ ra có sự tiếp tay của một số bộ phận công chức trong cơ quan quản lý nhà nước”, Đại biểu sinh đặt vấn đề.