Từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 10, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiến hành chuyến thăm Trung Quốc, mục đích chủ yếu là tăng cường quan hệ thương mại song phương.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Trung Quốc |
Theo trang mạng “Đại kỷ nguyên” tiếng Trung ngày 29 tháng 10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng ngày đã bày tỏ lo ngại đối với tranh chấp giữa Trung-Mỹ ở Biển Đông, đề nghị Trung Quốc đến tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Hãng tin Reuters cho biết, trong chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, bà Angela Merkel cho rằng duy trì thông suốt tuyến đường thương mại trên biển là cực kỳ quan trọng. Sau khi tàu chiến Mỹ thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong tuần này, tranh chấp trở nên gay gắt.
Tại Bắc Kinh, bà Angela Merkel phát biểu: “Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông là một cuộc xung đột nghiêm trọng. Tôi luôn có chút ngạc nhiên, tại sao sự việc này không thể để tòa án quốc tế giải quyết”.
“Bất luận thế nào, chúng tôi hy vọng duy trì tự do và an toàn các tuyến đường thương mại trên biển, bởi vì chúng rất quan trọng đối với tất cả mọi người”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Trung Quốc |
Trang mạng "Đài tiếng nói Đức" cùng ngày cũng cho biết, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu Trung Quốc cần đồng ý để tòa án quốc tế phán quyết yêu sách chủ quyền của mình, bởi vì sự việc liên quan đến "một cuộc xung đột nghiêm trọng".
Bà chỉ ra, bà cảm thấy ngạc nhiên khi Trung Quốc không coi tòa án quốc tế là một sự lựa chọn, mà chỉ muốn giải quyết song phương cuộc xung đột. Bởi vì, Bắc Kinh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức đa phương quốc tế.
Bà Angela Merkel cho biết, mặc dù như vậy, bà vẫn hy vọng, "các tuyến đường thương mại trên biển sẽ tiếp tục được duy trì tự do và an toàn, bởi vì, điều này rất quan trọng đối với tất cả các bên".
Như vậy, tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế từ ở gần đến ở xa khu vực Biển Đông đều đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Một nước lớn, một thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mà không dám tham gia vụ kiện với một nước nhỏ Philippines thì rất lấy làm lạ, trong khi Trung Quốc lại ra rả tuyên truyền tuân thủ luật pháp quốc tế, thậm chí muốn "làm gương cho thiên hạ" - PV.
Vào thứ Ba, Washington điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen đi vào trong 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã cử tàu chiến bám theo và “cảnh cáo”, đồng thời triệu kiến Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh để tiến hành phản đối.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Trung Quốc |
Theo Bloomberg, tháng 7, Philippines trình bày vụ kiện tranh chấp Biển Đông ở Tòa án trọng tài thường trực The Hague. Tòa án đã tổ chức “lấy lời khai” dài 1 tuần, nhưng trong thời gian đó, trang mạng của tòa án này đã bị phần mềm độc hại của Trung Quốc tấn công.
Công ty an ninh ThreatConnect Mỹ tiết lộ, căn cứ vào phân tích đối với phần mềm và hạ tầng cơ sở, trang mạng của Tòa án The Hague bị lây nhiễm bởi phần mềm độc hại do một số người Trung Quốc tung ra. Trung Quốc không cử người tham gia phiên tòa ở The Hague.
Ngày 13 tháng 7, Tòa án trọng tài thường trực The Hague tuyên bố kết thúc phiên tòa đối với vấn đề “quyền thụ lý” vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines, đồng thời sẽ đưa ra quyết định đối với vấn đề quyền thụ lý trong khoảng 3 tháng.
Để phục vụ cho phiên tòa trong tháng 7, Philippines đã cử một đoàn đại biểu chính thức lớn quy mô tới 35 người, trong đó bao gồm nhiều luật sư quốc tế lâu năm đến từ Mỹ và Anh. Manila rất kỳ vọng vào vụ kiện quốc tế lần này và tin tưởng là họ sẽ nhận được phán quyết có lợi.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tại Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan (ảnh tư liệu) |
Đối với vụ kiện của Philippines, Chính phủ Trung Quốc luôn luôn kiên trì lập trường “không chấp nhận, không tham gia”. Trung Quốc cũng không thừa nhận Tòa án trọng tài The Hague có quyền thụ lý đối với vụ kiện của Philippines.
Chính phủ Philippines hy vọng thông qua thủ tục làm cho Tòa án trọng tài The Hague tin tưởng có quyền thụ lý vụ kiện của họ. Philippines cho biết, vụ kiện lần này là muốn làm rõ “bãi cạn Scarborough phải chăng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”; Philippines còn hy vọng thông qua trọng tài tuyên bố “đường chín đoạn do Trung Quốc đưa ra không có hiệu lực”.
Về mặt dư luận quốc tế, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông không dùng tiếng Trung đều bày tỏ ca ngợi đối với cách làm dũng cảm của Philippines khi đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Báo chí Mỹ và châu Âu cho rằng, việc Philippines muốn thông qua con đường pháp lý hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ là điều đáng để khẳng định.
Giới cầm quyền Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. |