Thời báo Hoàn Cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 30/10 tổng hợp bình luận về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 5, 6/11. Dẫn nguồn tờ South China Morning Post Hồng Kông, Thời báo Hoàn Cầu nói rằng đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam. Lời mời đã được phía Việt Nam đưa ra từ năm ngoái.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Bloomberg. |
Báo này dẫn lời giới phân tích cho rằng, do sang năm Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội 12 lựa chọn ra ban lãnh đạo mới, việc lãnh đạo Trung Quốc sang thăm Việt Nam là rất cần thiết để có thể giao lưu thăm viếng cấp cao với tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam.
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một tiểu thương buôn bán chăn đệm ở chợ Móng Cái, Quảng Ninh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Bùi Hồng Phúc và một học sinh trường Amsterdam - một trong số ít trường trung học dạy tiếng Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh, chờ đợi chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình.
Phóng viên Thời báo Hoàn Cầu nói rằng, mở một trang báo Việt Nam bằng tiếng Anh ra hôm 29/10 chủ yếu thấy tin tức về các vấn đề kinh tế, dân sinh. Thời báo Hoàn Cầu kết luận: "Trên thực tế vấn đề Biển Đông trong năm nay có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt trong dư luận Việt Nam"?!
Tờ Liên Hợp tiếng Hoa xuất bản tại Singapore ngày 30/10 dẫn lời ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình tuần tới được lên kế hoạch từ trước đó, không phải hoạt động ngoại giao được hoạch định nhằm vào những diễn biến trên Biển Đông gần đây.
Đa Chiều, một tờ báo chính trị Trung Quốc xuất bản tại New York Hoa Kỳ ngày 29/10 thì nhận định rằng, vì Biển Đông đang ngày càng nóng, ông Tập Cận Bình muốn thăm Việt Nam để "thăm dò hư thực" ra sao.
Xung quanh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Tân Hoa Xã ngày 29/10 nhận định rằng hai nước đang tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, diễn đàn, hội thảo. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng Tư của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trung Quốc nói rằng hai bên cần tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, báo chí và trao đổi truyền thông để nuôi dưỡng thế hệ kế cận cho quan hệ song phương.
Truyền thông Trung Quốc tránh nhắc đến vấn đề Biển Đông, đang là mối quan tâm của dư luận Việt Nam trước chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tuần tới. Trong bài viết gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - nguyên Đại biểu Quốc hội đều khẳng định, Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt của đất nước Việt Nam.
Biển Đông là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam, do đó những mâu thuẫn bất đồng giữa Việt Nam - Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông cần được đưa lên bàn đàm phán với tinh thần thiện chí, cầu thị trên cơ sở luật pháp quốc tế. Vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ Việt - Trung, động đến tình cảm thiêng liêng của người Việt Nam, hy vọng ông Tập Cận Bình sẵn sàng lắng nghe và đối thoại.