Mỗi người dân đất Việt không ai không khỏi tự hào khi đất nước mình có một vị Hoàng đế anh hùng như Quang Trung.
Thế nhưng lăng mộ của ông đã bị nhà Nguyễn “tận pháp trừng trị”, xóa bỏ hết dấu tích trên thực địa và trong sử sách từ hồi đầu thế kỷ XIX.
Bởi thế từ mấy thế kỷ qua không một ai biết đến nơi an táng của Quang Trung và có hay không một cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế.
Hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” được tổ chức tại Thành phố Huế vào chiều ngày 30/10/2015 (Ảnh: Lê Nguyên Phú) |
Nặng lòng với ý tưởng “Sống cái nhà, già cái mồ”, mỗi người dân đất Việt luôn ước mong làm sao tìm cho được dấu tích lăng mộ vua Quang Trung và thực hư của cung điện Đan Dương, có phải đó chính là nơi an táng của vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ hay không?
Tại hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” được tổ chức tại Thành phố Huế vào chiều ngày 30/10/2015, dưới sự chủ trì của Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tiếp tục thảo luận nhằm tổng hợp về tư liệu và khảo sát giá trị các văn bản có liên quan đến hai nhóm ý kiến trái ngược nhau về việc có hay không một cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế.
Nhà nghiên cứu Huế, Nguyễn Đắc Xuân trong bài tham luận “Hành trình đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế” cho rằng: “Phủ Dương Xuân dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát qua thời binh loạn bị mất tích là vì Tây Sơn chọn làm cung điện đặt tên là Đan Dương và sau khi vua Quang Trung qua đời, cung điện Đan Dương là nơi an táng vua Quang Trung”.
Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ Hãn Nguyên Nguyễn Nhã - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng thừa nhận về việc có một cung điện Đan Dương ở Huế.
Nhưng khi vua Gia Long lên ngôi (1802) những di tích một thời kỳ rực rỡ và ngắn ngủi đã hầu như bị nhà Nguyễn phá sạch.
Tuy nhiên, tác giả Trần Đại Vinh trên cơ sở khảo sát 4 bài thơ của Ngô Thời Nhậm và 2 bài thơ của Phan Huy Ích, cho rằng:
“Hai từ Cung điện Đan Dương chỉ là tôn xưng trang trọng chứ không thật sự có một cung điện Đan Dương mà chỉ có một lăng Đan Dương, nơi an táng tử cung Thái Tổ Võ hoàng đế Quang Trung. Đó là một sơn lăng, lăng tẩm ở sơn phần và là một nơi có cây cối, cảnh trí (viên lăng)”.
Hình ảnh, tư liệu nghiên cứu về Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế (Ảnh: Lê Nguyên Phú) |
Mặc dù các tác giả đại diện cho hai luồng ý kiến về việc thừa nhận cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương đã đưa ra nhiều tư liệu cũng như dẫn chứng quan trọng theo hướng chứng minh nhưng vẫn chưa đủ chứng cứ thuyết phục để xác lập tuyến di tích kết nối theo dòng lịch sử từ Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn đến cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương thời Tây Sơn.
Sau nhiều giờ tranh luận, mặc dù bí mật về việc có hay không một cung điện Đan Dương ở Huế và vua Quang Trung có được an táng ở cung điện Đan Dương hay không vẫn chưa được giải mã hoàn toàn.
Song trên cơ sở những tài liệu có được và những hiện vật thu thập trong quá trình khảo sát thì đa phần các nhà nghiên cứu cũng như những người đến tham dự hội thảo đều cho rằng có sự tồn tại của cụm di tích về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế.
Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng có hướng tiếp cận mới để sớm làm sáng tỏ về cung điện Đan Dương và Lăng mộ Quang Trung trên cơ sở các nguồn tư liệu đã thu thập được.
Hy vọng rằng trong một thời gian không xa nữa bức màn bí mật về cung điện Đan Dương và lăng mộ Quang Trung sẽ sớm có lời giải khi các cơ quan chức năng và những nhà nghiên cứu đầu ngành ngồi lại thống nhất với nhau về quan điểm.
Từ đó tổ chức khảo sát và tiến hành quy hoạch khảo cổ để mỗi người dân đất Việt có thể đến thấp nén hương thành kính lên ngôi mộ của vị vua tài ba Quang Trung – Nguyễn Huệ.