Trung Quốc tuyên bố gì về Biển Đông khi Đô đốc Harry Harris có mặt ở Bắc Kinh?

04/11/2015 07:38
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc tiếp tục bất mãn mạnh mẽ, tuyên bố sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để chống lại hành động tự do hàng hải của Mỹ.

Ngày 3 tháng 11, tại cuộc họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời báo chí về vấn đề Biển Đông.

Bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Đối với thông tin Mỹ có thể tiến hành tuần tra Biển Đông ít nhất 2 lần/quý, làm cho hành động này trở thành hoạt động tuần tra thường lệ, bà Oánh đã nói như sau:

Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ tự do đi lại và bay của các nước được hưởng theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông, nhưng, kiên quyết phản đối bất cứ nước nào lấy danh nghĩa tự do đi lại và bay để gây thiệt hại cho quyền lợi chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Tôi muốn tái khẳng định, ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và quyền lợi biển hợp pháp, chính đáng của Trung Quốc là kiên định. Đối với sự cố tình khiêu khích của bất cứ nước nào, Trung Quốc đều sẽ kiên quyết ứng phó. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình trên biển, trên không có liên quan.

Trung Quốc thúc giục Mỹ lập tức chấm dứt tất cả những lời nói và hành động sai lầm, không tiếp tục áp dụng bất cứ hành động nguy hiểm, khiêu khích nào đe dọa đến lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".

Ngày 3 tháng 11 năm 2015, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long
Ngày 3 tháng 11 năm 2015, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long

Về việc Đô đốc Harry Harris cho biết, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do đi lại và bay được luật pháp quốc tế cho phép ở trong bất cứ thời gian nào, địa điểm nào, Biển Đông không phải là ngoại lệ, Hoa Xuân Oánh cho rằng:

“(Trung Quốc) đang xem sự phát triển của một loạt tình hình, cảm thấy giống như đang xem một trò tự biên, tự diễn.

Vấn đề tự do đi lại ở Biển Đông là một “mệnh đề giả”. Hàng năm có hơn 100.000 tàu thuyền các nước đi qua khu vực Biển Đông một cách tự do, an toàn, không có bất cứ vấn đề gì.

Căn cứ vào thông tin trên báo chí Mỹ, hàng ngày có hơn 15 triệu thùng dầu đi qua eo biển Malacca và Biển Đông vận chuyển đến Đông Á, cũng không có bất cứ vấn đề gì.

Tàu chiến Mỹ không đi ở tuyến đường hàng hải quốc tế, lại diễu võ giương oai ở vùng biển gần đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, còn tô vẽ là “bảo vệ tự do đi lại”. Đây là sự khiêu khích trắng trợn.

Mỹ một mặt không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, liên tiếp tổ chức diễn tập quân sự với các nước đồng minh, mặt khác không ngừng thổi phồng vấn đề quân sự hóa Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc không được triển khai bất cứ công trình phòng thủ cần thiết và có hạn nào. Điều này thực chất là có ý đồ tước đoạt quyền tự vệ của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.

Quốc gia cá biệt đã nghiên cứu vài chục năm, nhưng mãi không gia nhập Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, lại suốt ngày lấy Công ước để chỉ trích người khác. Cách làm thấy luật pháp quốc tế có lợi thì sử dụng, không có lợi thì từ bỏ, lấy luật pháp quốc tế làm công cụ chiếm lấy tư lợi chính trị cho mình là biểu hiện đạo đức giả và bá quyền điển hình.

Gần đây còn có người nói, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Biển Đông làm cho các nước liên quan hy vọng Mỹ mở rộng hiện diện an ninh ở khu vực Biển Đông. Quả thật như vậy? Còn có người đang tìm cớ và lý do cho chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương?! Vấn đề này đáng để mọi người suy nghĩ bình tĩnh, sáng suốt.

Chúng tôi xin khuyên Mỹ thiết thực tôn trọng lợi ích chủ quyền và an ninh của nước khác, thực sự phát huy vai trò trách nhiệm và mang tính xây dựng đối với bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”.

Ngày 3 tháng 11 năm 2015, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy hội kiến với Đô đốc Harry Harris. Tại Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris tuyên bố: Yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc không đứng vững.
Ngày 3 tháng 11 năm 2015, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy hội kiến với Đô đốc Harry Harris. Tại Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris tuyên bố: Yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc không đứng vững.

Đối với việc Mỹ gần đây điều tàu chiến đến vùng biển ven bờ đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), ngày 2 tháng 11, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Ất Hiểu Quang cho rằng, mong Mỹ không nên làm “những việc gây thiệt hại cho đại cục quan hệ Trung-Mỹ”.

Khi được hỏi về việc nếu Mỹ tiếp tục áp dụng các biện pháp tương tự, Ất Hiểu Quang nói rằng: “Trung Quốc sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Nhưng, ông Ất Hiểu Quang không nói rõ những biện pháp đó là gì và trên thực tế, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông - PV.

Ngoài ra, tại Bắc Kinh ngày 3 tháng 11, khi hội kiến với Đô đốc Harry Harris, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cũng nói rằng:

“Quân đội Mỹ tiến vào vùng biển ven đá ngầm ở quần đảo Trường Sa rất dễ gây ra phán đoán nhầm và sự kiện bất ngờ, tạo ra nhân tố bất ổn mới cho an ninh khu vực, đã gây bất mãn mạnh mẽ cho Trung Quốc”.

Phạm Trường Long còn muốn Mỹ xuất phát từ “đại cục quan hệ Trung-Mỹ, thận trọng ứng xử, xử lý các vấn đề quan trọng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, chấm dứt các hành động sai lầm và nguy hiểm, thúc đẩy quan hệ quân sự hai nước phát triển lành mạnh, ổn định”.

Trong khi đó, khi gặp Đô đốc Harry Harris, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy cũng nói lại lập trường tương tự của Trung Quốc.

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông

Đối với những phát biểu nêu trên của Trung Quốc, xin đưa ra một số bình luận sau:

Cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá và vùng biển lân cận trên Biển Đông theo yêu sách vô lý “đường lưỡi bò”. Điều này đã bị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris bác bỏ ngay tại Bắc Kinh.

Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông như ưu tiên bố trí các loại vũ khí trang bị mới, tăng cường tập trận với nhiều khoa mục tấn công như đổ bộ đánh chiếm đảo đá; đồng thời còn đẩy mạnh xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn…

Lẽ nào yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” được những hành động vũ lực này hậu thuẫn không phải sẽ gây quan ngại rất lớn cho tất cả các nước ở xung quanh và cộng đồng quốc tế nhất là những có chủ quyền, lợi ích quốc gia ở Biển Đông, trong đó có tự do hàng hải hay sao?

Trung Quốc đã không có chủ quyền mà lại tăng cường sức mạnh quân sự để áp đặt yêu sách đó, thực sự đang đe dọa chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của các nước ven Biển Đông. Đây là điều rõ như ban ngày, không cần nói cũng biết.

Trung Quốc không có quyền triển khai quân sự như vậy, nếu triển khai nhất là khi triển khai ở đảo đá của Việt Nam và các nước khác, đưa thùng thuốc súng áp sát cửa nhà nước khác thì đương nhiên bị cộng đồng quốc tế lên án, phản đối, đó là một lẽ tự nhiên, bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trung Quốc dường như đang nhắc nhở các nước trong khu vực cần phải đề phòng đối với Mỹ, từ đó rảnh tay hành động. Nhưng, các nước khác luôn biết thực hiện chính sách độc lập, tự chủ, đủ thông minh để xử lý những công việc của mình, không phải để người khác phải lo thay.

Đông Bình