Đã thiện chí nói chuyện với nhau, xin đừng nửa vời qua quýt

04/11/2015 14:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Hy vọng phía Trung Quốc hiểu được thiện chí này của Việt Nam, sẵn sàng lắng nghe Việt Nam, đồng thời cũng sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình trên tinh thần...

Xoay quanh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vào ngày mai, hôm nay 4/11 Tân Hoa Xã có bài xã luận ôn lại truyền thống hữu nghị hợp tác Việt - Trung.

China Daily, một tờ báo lớn trong hệ thống truyền thông của chính phủ Trung Quốc cũng có bài xã luận của bà Phan Kim Nga, một nhà nghiên cứu Việt Nam tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nhằm "làm mới" quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: China Times.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: China Times.

Đã thiện chí xin đừng nửa vời

Bà Nga đánh giá: "Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngày mai của Chủ tịch Tập Cận Bình là lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức, cũng là lần đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc trong cả thập kỷ qua. Quan hệ Trung - Việt đã phải đối mặt với một số thách thức trong 10 năm qua, đó là lý do tại sao việc ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam lại mang một ý nghĩa lớn hơn bình thường.

Nhiều người mong đợi chuyến thăm này sẽ giúp phát huy tốt hơn mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung, đồng thời tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai Đảng. Trong lịch trình chuyến công du lần đầu tiên này, ông Tập Cận Bình cũng dự kiến thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương cũng như hợp tác qua biên giới hai nước.

Bên cạnh đó nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy sáng kiến "Một vành đai, một con đường" với các gợi ý giúp đỡ to lớn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối hai nước."

Về thách thức bà Phan Kim Nga đánh giá: "Quan hệ Trung - Việt đang phải đối mặt với những thách thức chủ yếu là vì các tranh chấp lãnh thổ gia tăng sau khi Mỹ thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á" và bắt đầu can thiệp vào tranh chấp khu vực."

Nói như vậy là bà Nga chưa dám nhìn thẳng vào sự thật, đang đổ thừa trách nhiệm cho bên thứ 3. Mỹ không phải là nước gây ra khủng hoảng giàn khoan 981 tháng 5/2014, và Mỹ cũng không phải nước phá vỡ hiện trạng nghiêm trọng ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) bằng việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm.

Đó là chưa nói tới câu chuyện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988. Đây là những vấn đề nhức nhối của lịch sử quan hệ hai nước để lại và ảnh hưởng cho tới hôm nay, thậm chí là cả thời gian dài sắp tới nếu cả hai bên không thực sự cố gắng ngồi lại trao đổi với nhau trên tinh thần nói thẳng nói thật, cầu thị, thiện chí, khách quan trên cơ sở pháp luật và thông lệ quốc tế cũng như thỏa thuận nguyên tắc hai bên đã thống nhất.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình là cơ hội rất tốt để hai bên làm điều này, chỉ có như vậy mới làm giảm dần và tiến tới loại bỏ các lực cản để quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước cũng như khu vực và quốc tế. Tránh né hay thiện chí nửa vời sẽ không thể giải quyết được những vấn đề đang gây nhức nhối trong quan hệ hai bên.

Nhiệm vụ cấp bách đối với Trung Quốc và Việt Nam hôm nay theo bà Nga là: "Cần khôi phục quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước vốn đã từng chia ngọt sẻ bùi thân thiện trong giai đoạn 1950 - 1970. Cần thiết làm sâu sắc thêm tình hữu nghị bằng cách làm cho thế hệ trẻ ngày nay nhận thức về lịch sử phong phú trong quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam là nước láng giềng quan trọng của Trung Quốc, hai quốc gia có hệ thống chính trị tương tự nhau với quan hệ sâu sắc qua các thời kỳ lịch sử."

Hình ảnh tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc làm chủ đầu tư được Tân Hoa Xã sử dụng làm ảnh minh họa hợp tác hữu nghị Việt - Trung trên lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Hình ảnh tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc làm chủ đầu tư được Tân Hoa Xã sử dụng làm ảnh minh họa hợp tác hữu nghị Việt - Trung trên lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Chắc hẳn việc khôi phục quan hệ hợp tác thân thiện, hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc không phải chỉ là mong muốn của cá nhân bà Phan Kim Nga, mà là nguyện vọng của người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Vấn đề còn lại là khôi phục như thế nào mà thôi. Bà Nga mới nêu ra một nửa vấn đề, đó là phát huy những giá trị hợp tác thân thiện trong quan hệ song phương như giai đoạn 1950 - 1970, nhưng chưa đề cập đến việc rút ra bài học làm sao để tránh được xung đột, đối đầu như những năm 1970 - 1990, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa đang nóng bỏng như hiện nay.

Do đó, thiện chí cũng nên được thể hiện trên cả hai phương diện, đó là phát huy những giá trị tốt đẹp, truyền thống hữu nghị giữa hai bên, đồng thời nhịn nhận đúng đắn, giải quyết dứt điểm những tồn đọng do lịch sử để lại trên tinh thần khách quan, cầu thị, thiện chí và thượng tôn pháp luật, rút ra những bài học để tránh lặp lại chuyện xung đột, đối đầu mà không ai mong muốn. Đó chính là 2 bàn chân trên một hành trình, thiếu một trong hai đều khó có thể đi đến đích.

Hai bên nên coi việc giải quyết vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa - Biển Đông là động lực cải thiện quan hệ hai nước Việt - Trung, thúc đẩy hợp tác song phương

Tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 4/11 bình luận: "Trong khi dư luận quốc tế và khu vực quan tâm đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình đều chủ yếu tập trung chú ý vào vấn đề giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông, nhiều người quên mất rằng ông Bình còn mang đến những lợi ích kinh tế rất lớn cho Việt Nam trong chuyến thăm này". Tuy nhiên những lợi ích cụ thể nào về kinh tế mà báo này cho rằng đó là cơ hội to lớn cho Việt Nam thì không thấy China Times đề cập.

Trong bài bình luận trên China Daily, bà Phan Kim Nga nói: "Sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc có thể cung cấp các cơ hội hợp tác mới cho nước láng giềng Việt Nam. Với vị trí cửa ngõ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam, quan hệ Việt - Trung tốt đẹp rất quan trọng đối với Trung Quốc trong việc tăng cường hợp tác với ASEAN và triển khai thành công sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

Cũng theo bà Nga, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 83,6 tỉ USD năm 2014 trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trên 50 tỉ USD (nói cách khác là Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc). Năm nay tổng kim ngạch thương mại song phương Trung - Việt ước đạt 90 tỉ USD và sẽ tăng lên 100 tỉ USD năm 2016.

Bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam hiện đã bị phía Trung Quốc đổ bê tông, bơm cát bồi lấp xây thành đảo nhân tạo bất hợp pháp với đường băng 3000 mét và nhiều công trình quân sự.
Bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam hiện đã bị phía Trung Quốc đổ bê tông, bơm cát bồi lấp xây thành đảo nhân tạo bất hợp pháp với đường băng 3000 mét và nhiều công trình quân sự.

"Việt Nam đã ký Hiệp ước Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu, mặc dù còn cần thêm thời gian để các nước tham gia TPP phê chuẩn hiệp định này nhưng chắc chắn nó có tác động sâu rộng đến khu vực. Việc Việt Nam gia nhập TPP không cản trở sự phát triển lành mạnh trong quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc", bà Nga nhận định.

Dù hợp tác trong lĩnh vực nào thì cũng phải trên cơ sở cùng có lợi, sòng phẳng và bình đẳng mới có thể đi với nhau được lâu dài. Chắc chắn người Việt Nam luôn luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư và đối tác quốc tế tới tìm kiếm cơ hội làm ăn, hợp tác kinh tế - thương mại tại Việt Nam tạo ra những giá trị tích cực và lợi ích cho cả hai phía.

Tuy nhiên không phải người Việt dễ dàng gật đầu với những ý tưởng, đề xuất hợp tác thương mại kinh tế đi kèm với điều kiện sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, sử dụng nhân công thô sơ của quốc gia đầu tư để tránh đi những hệ lụy không đáng có cho nền kinh tế cũng như sự bình yên của xã hội, cộng đồng dân cư nơi thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, những hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, giáo dục...giữa hai nước Việt - Trung nên đóng vai trò tạo môi trường thân thiện để hai bên ngồi lại thẳng thắn nói chuyện với nhau về những khúc mắc, tồn tại, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa.

Bởi lẽ Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của người Việt và các dân tộc, quốc gia trong khu vực, mà còn là tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế. Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ máu mủ ruột rà rất đỗi thiêng liêng của người Việt không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì.

Do đó không nên xem những mâu thuẫn, bất đồng trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông là chuyện "nhạy cảm" để tìm cách lần nữa, gác lại vì "đại cục", "dòng chính", bởi khơi thông bế tắc, cắt bỏ ung nhọt sẽ chỉ làm cho quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong buổi tiếp xúc với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội hôm qua cũng đã xác nhận, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ không né tránh trao đổi vấn đề tồn tại trong quan hệ song phương, bao gồm Biển Đông trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Hy vọng phía Trung Quốc hiểu được thiện chí này của Việt Nam, sẵn sàng lắng nghe Việt Nam, đồng thời cũng sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình trên tinh thần khách quan, cầu thị, thiện chí và dựa theo pháp luật.  Thiết nghĩ được như vậy không chỉ là hồng phúc của hai dân tộc, mà còn là may mắn cho khu vực, bảo vệ được hòa bình và công lý quốc tế.

Hồng Thủy