Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc (ảnh tư liệu minh họa) |
Theo các tờ báo điện tử Trung Quốc, ngày 6 tháng 11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Hai bên trao đổi nhiều vấn đề trong đó có vấn đề Biển Đông. Vương Nghị cho rằng:
“Chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đem lại cơ hội quan trọng cho phát triển quan hệ Trung-Mỹ. Hai bên Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường phối hợp, tập trung sức thực hiện tốt một loạt thỏa thuận quan trọng của nhà lãnh đạo hai nước, bảo đảm cho quan hệ Trung-Mỹ phát triển lành mạnh, ổn định. Trung Quốc không hy vọng tiến trình này bị cản trở không cần thiết.
Hành động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông (đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) gây tổn hại cho lòng tin lẫn nhau, kích động căng thẳng khu vực, Trung Quốc quan ngại nghiêm trọng đối với vấn đề này. Mỹ cần nhanh chóng quay trở lại con đường đúng đắt thông qua đối thoại, hiệp thương để quản lý, kiểm soát ổn thỏa bất đồng”.
Ngày 7 tháng 11 năm 2015, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố yêu sách "từ thời cổ đại" |
Ngoài ra, sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam với nhiều lời có cánh dành cho quan hệ Việt-Trung, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm đảo quốc Singapore. Nhưng, tại Đại học quốc lập Singapore ngày 7 tháng 11, ông Tập Cận Bình lại đưa ra những tuyên bố trái với sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế.
Ông tiếp tục ngang nhiên tuyên bố: “Các đảo ở Biển Đông từ xưa đã là lãnh thổ Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển hợp pháp, chính đáng của mình là trách nhiệm phải gánh vác của Chính phủ Trung Quốc.
Điểm xuất phát và điểm dừng chân trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc đều là bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông”.
Sự thực lịch sử, nhất là lịch sử chính thống Trung Quốc đã bác bỏ quan điểm của Tập Cận Bình. Trung Quốc từng dùng vũ lực và đe dọa vũ lực để ăn cướp các đảo đá ở Biển Đông của Việt Nam vào các năm 1956, 1974, 1988, 1995, chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012, đòi chiếm luôn cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014…
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 11 năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành quân sự hóa Biển Đông và hai bên cần nghiên cứu vấn đề này. Trong chuyến thăm này, ông Tập Cận Bình đã nói những lời có cánh về tình hữu nghị Việt-Trung... |
Hiện nay, Trung Quốc còn đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông bằng cách ưu tiên bố trí vũ khí trang bị mới, đẩy mạnh tập trận các khoa mục tấn công, ra sức xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông…
Những hành động bành trướng, bá quyền, cường quyền và bất hợp pháp này thì làm sao có thể khẳng định “Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông từ thời cổ đại” được, làm sao có thể nói hàm hồ rằng Trung Quốc đang “bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hợp pháp, chính đáng”, làm sao có thể tự nhận vơ là Trung Quốc luôn “bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông”.
Trung Quốc không có bất cứ căn cứ lịch sử và pháp lý chính thống nào có giá trị để khẳng định được chủ quyền của nó trên Biển Đông, cho nên, chúng ta bác bỏ hoàn toàn những quan điểm này và nhận rõ hơn tham vọng bành trướng và quân sự hóa Biển Đông nhất quán của Trung Quốc. Đó là vấn đề không cần phải bàn cãi nữa. Điều quan trọng còn lại là phải tìm mọi cách để chặn đứng mọi mưu đồ và hành động đó thôi.
Chính việc không ngừng sử dụng vũ lực và răn đe vũ lực để áp đặt ý chí bành trướng của Trung Quốc là nguyên nhân chính sinh ra và làm nóng vấn đề Biển Đông hiện nay đang bác bỏ mạnh mẽ và triệt để quan điểm của Tập Cận Bình khi ông ta cho rằng:
“Dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ven Biển Đông, tình hình Biển Đông tổng thể hòa bình. Tự do đi lại và tự do bay chưa từng có vấn đề, trong tương lai cũng sẽ không có vấn đề, bởi vì trước hết Trung Quốc cần nhất tự do đi lại của Biển Đông”.
Hải quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận khoa mục tấn công - đánh chiếm đảo đá trên Biển Đông, ý đồ không nói cũng rõ, càng cho thấy Việt Nam không bao giờ mất cảnh giác về mưu đồ của họ trên Biển Đông. |
Trên thực tế, nếu Trung Quốc dùng các lực lượng quân sự và bán quân sự của họ kiểm soát toàn bộ Biển Đông thì đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến tự do hàng hải và tự do bay, bởi đây là tuyến đường thương mại quốc tế và nhiều nước có lợi ích quốc gia tại đây, nhất là Nhật Bản.
Nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ có thể tác động gây ảnh hưởng đến quan hệ với các nước khác và chiếm đoạt lợi ích lớn hơn cho mình một cách không công bằng và bình đẳng, thậm chí có thể lợi dụng trên thế mạnh để giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ với các nước láng giềng. Đó là một mối lo ngại thực sự của cộng đồng quốc tế, khu vực.
Mặc dù Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế thể hiện rất rõ trong việc áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam ở Biển Đông, nhưng ông Tập Cận Bình cũng đã thốt ra được rằng “Trung Quốc sẽ kiên trì cùng các nước đương sự trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử, căn cứ vào luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán và hiệp thương để giải quyết các tranh chấp có liên quan”.
“Trung Quốc hoàn toàn có năng lực, cũng có lòng tin cùng các nước ASEAN bảo vệ tốt hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông”. Ông Bình nói “hoàn toàn có năng lực” phải chăng đó là năng lực quân sự, phải chăng đây là lời đe dọa đối với các nước láng giềng?!
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông một cách bất hợp pháp |
Thông qua các sự kiện vừa qua như Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc bác bỏ quan điểm của Trung Quốc, quyết định thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines và thông qua việc cộng đồng quốc tế nhất là Mỹ bác bỏ những yêu sách “quá mức, không đứng vững” của Trung Quốc ở Biển Đông thì rõ ràng Trung Quốc đã không còn có tư cách lên mặt đạo đức, không còn tư cách nói chuyện luật pháp quốc tế với các nước ở Biển Đông hay ở bất cứ nơi nào khác.
Có điều, với thái độ thiện chí và vì hòa bình, an ninh và lợi ích chung, các nước sẽ chịu khó lắng nghe và sẽ quyết tâm dẫn dắt Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông, không để tham vọng bành trướng được hậu thuẫn bởi lực lượng quân sự đang không ngừng tăng trưởng gây ra những vấn đề không mong muốn.
Ông Tập Cận Bình cũng nói đúng khi ông cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay của các nước châu Á là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, điều đó cần có môi trường hòa bình, ổn định. Nhưng ai, hành động nào, nhân tố nào đang phá hoại môi trường hòa bình và ổn định đó?
Ông Bình dường như đổ lỗi cho các nước ngoài khu vực đang kích động và trực tiếp gây bất ổn khi nói rằng: “Các nước ngoài khu vực cần phát huy vai trò mang tính xây dựng”. Thực ra thì kiểu đổ lỗi này đã xuất hiện rất nhiều trong các tuyên bố chính thức của Chính phủ Trung Quốc.
Ngày 27 tháng 10 năm 2015, tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm do Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, khẳng định tự do hàng hải, bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò", khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. |
“Các nước ngoài khu vực” mà ông Bình nói tới thực chất là ám chỉ Mỹ, Nhật Bản và các nước lớn khác. Trên thực tế, các nước lớn ngoài khu vực cũng có rất nhiều lợi ích ở Biển Đông nhất là tự do đi lại, hơn nữa, họ cũng muốn phát huy vai trò ảnh hưởng khu vực, nên họ đã tích cực can dự vào vấn đề Biển Đông.
Mặc dù vậy, họ đã cam kết các hành động của mình dựa trên luật pháp quốc tế, hơn nữa chính Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện quân đội và ra sức bành trướng ra xung quanh đã làm mất cân bằng khu vực, khơi dậy nhu cầu “tái cân bằng” của các nước láng giềng, điều này trùng hợp với chính sách “quay trở lại châu Á” của Mỹ.
Các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam cũng có chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ của mình, luôn đủ trí tuệ, đủ thông minh để biết ứng xử đúng đắn với từng mối quan hệ, sẽ không để các quan hệ đó gây thiệt hại cho “lợi ích hợp pháp, chính đáng” của Trung Quốc, do đó, Trung Quốc không cần thiết phải lo lắng thay cho họ và cũng không có tư cách dạy họ làm việc này, làm việc kia như nhiều tuyên bố chính thức của Trung Quốc.
Ngoài vấn đề Biển Đông, ông Bình đã nhắc nhở các nước về những lợi ích kinh tế có thể được hưởng khi quan hệ với Trung Quốc, ông chỉ rõ hơn về cách thức thực hiện sáng kiến “một vành đai, một con đường”.
Những sáng kiến hợp tác cùng có lợi đều rất cần thiết và phải được nghiên cứu kỹ để thực hiện. Có điều, mỗi con người hay mỗi quốc gia mặc dù luôn theo đuổi lợi ích, nhưng không phải bằng mọi giá, bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế, hơn nữa, luôn biết cảnh giác với “viên đạn bọc đường”.
Con đường mà Trung Quốc hiện nay đang đi là ra sức phát triển mọi loại vũ khí trang bị và đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự, các cuộc tập trận ở vùng biển xung quanh để răn đe các nước liên quan. |
Ông Bình cũng không bỏ lỡ cơ hội được phát biểu, tiếp tục tuyên truyền Trung Quốc sẽ theo đuổi “con đường phát triển hòa bình”, vĩnh viễn không xưng bá, qua đây để các nước bớt lo ngại về “mối đe dọa Trung Quốc”.
Khi có những mối quan ngại thì việc cam kết là đúng đắn, nhưng thực hiện cam kết mới là quan trọng. Điều đáng lưu ý là, khi người ta suốt ngày đưa ra cam kết thì sẽ gây ấn tượng và dễ sinh ra nghi ngờ.
Quan hệ giữa người với người, giữa các quốc gia trước hết phải có lòng tin, nhưng phải biết tin, tức là tin có căn cứ, chứ không cả tin. Do đó, chúng ta trân trọng các cam kết “hòa bình” của Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng sẽ theo dõi chặt chẽ mọi hành động của Trung Quốc khi thực hiện các cam kết ấy.
Chúng ta ghi nhận những tuyên bố có cánh của ông Tập Cận Bình khi thăm Việt Nam, nhưng chúng ta rõ ràng phải tìm mọi cách chặn đứng tham vọng và mọi hành động, thủ đoạn áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò”. Đó là sứ mệnh lịch sử và vinh quang của người Việt, bảo vệ chính mình, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực, quốc tế.
Lực lượng đường không của hải, không quân Trung Quốc vừa tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, cuộc tập trận có tên là "Thanh kiếm sắc bén-2015". Có tin cho là cuộc diễn tập này tổ chức ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bởi báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin là ở "một sân bay Biển Đông", chứ không phải ở "một sân bay đảo Hải Nam", hơn nữa, các hình ảnh máy bay cất hạ cánh được cho là giống với hạ tầng sân bay ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. |