Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 9 tháng 11 đưa tin, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) đã không ra được Tuyên bố chung do bất đồng trong vấn đề Biển Đông (do Trung Quốc gây ra), ngày 7 tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter lại tiếp tục lên tiếng về vấn đề Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter |
Ông Carter tái khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra và cho biết, để ứng phó với các hành động của Trung Quốc, Quân đội Mỹ sẽ điều vũ khí và tàu chiến "tiên tiến nhất và mũi nhọn nhất" đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo bài báo, cũng có những quan điểm khác nhau về hành động của tàu khu trục USS Lassen Mỹ khi đi vào vùng biển 12 hải lý ở Biển Đông thời gian vừa qua.
Ngày 7 tháng 11 (giờ địa phương), ở một diễn đàn quốc phòng tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, bang California, những người tham gia gồm có các quan chức cấp cao Quân đội Mỹ và các nhân vật chính trị quan trọng của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ.
Theo hãng tin AP Mỹ, tại diễn đàn, ông Ashton B. Carter đã có bài phát biểu, cho rằng, Trung Quốc và Nga là "mối đe dọa tiềm tàng" của thế giới. "Đây là một thách thức của thời đại, giống như thời đại của Ronald Reagan năm xưa. Đối mặt với mối đe dọa Nga và sự trỗi dậy của Trung Quốc, chúng ta cần phải tiến hành đổi mới về phương thức bảo vệ nước Mỹ".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter |
Theo báo chí Mỹ cùng ngày, tại diễn đàn, ông Ashton B. Carter được hỏi Mỹ phải chăng đáng lật bài ngửa với Trung Quốc. Ông Carter trả lời cho biết, bảo vệ tự do đi lại của một tuyến đường hàng hải quốc tế với lượng thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm 1.000 tỷ USD là một trong những sứ mệnh quan trọng của tàu chiến Mỹ.
Theo ông Carter, để bảo vệ tự do hàng hải, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra Biển Đông.
Nói đến Trung Quốc, ông Ashton B. Carter cho biết, nó là một "người chơi duy nhất có ảnh hưởng" của tương lai châu Á. Là một nước lớn trỗi dậy, có thể dự báo, "tham vọng của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn, sẽ xây dựng quân đội hiện đại. Trung Quốc hành sự như thế nào sẽ thực sự thách thức cam kết của nó đối với hòa bình và an ninh khu vực".
Ông nói, trọng tâm chiến lược của Mỹ đang chuyển dịch sang châu Á-Thái Bình Dương, sẽ điều động hải quân và vũ khí trang bị "tiên tiến nhất và mũi nhọn nhất", đồng thời tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực như vũ trụ, mạng, phòng thủ tên lửa và tác chiến điện tử để ứng phó với các hành động của Trung Quốc.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ |
Đồng thời, "kế hoạch tác chiến và con đường của Mỹ trong việc ngăn chặn các cuộc tiến công, thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ bảo vệ Đài Loan, bảo vệ đồng minh và phòng ngừa các sự kiện bất ngờ khu vực đang có sự thay đổi căn bản".
Trang mạng Rappler Philippines ngày 8 tháng 11 cho rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã phát đi tín hiệu cảnh cáo rõ ràng đối với Trung Quốc.
Chu Phong - chủ nhiệm Trung tâm đổi mới hiệp hội nghiên cứu Biển Đông, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cho rằng, ông Ashton B. Carter luôn kiên trì quan điểm nêu trên. Ông ấy sở dĩ nhiều lần nhấn mạnh là muốn ngăn chặn Trung Quốc mở rộng vai trò ảnh hưởng chiến lược ngoại giao ở Biển Đông.
Bên cạnh nói về Trung Quốc, ông Carter còn chĩa mũi dùi vào Nga. Hãng AP cho biết, trong bài phát biểu, ông Ashton B. Carter lấy Nga không tích cực trong đàm phán vũ khí hạt nhân và vấn đề Ukraine ra làm ví dụ, tuyên bố Nga đe dọa trật tự thế giới, nhấn mạnh quốc phòng của Mỹ là để tìm kiếm con đường có hiệu quả để ngăn chặn Nga dùng vũ lực xâm lược và bảo vệ đồng minh.
Ông Carter cho biết, Nga đang triển khai "các hành động mang tính thách thức" ở trên biển, trên không, trên vũ trụ và không gian mạng, "điều gây bất an nhất là, Nga khoe khoang vũ lực làm cho người ta hoài nghi về cam kết của nhà lãnh đạo Nga đối với ổn định chiến lược và sự tuân thủ của Nga đối với các quy định sử dụng vũ khí hạt nhân".
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ |
Ông vừa cho biết "không tìm kiếm tiến hành chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng với Nga, không muốn coi họ là kẻ thù", vừa nhấn mạnh "Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình, đồng minh, trật tự thế giới và tương lai tích cực".
Còn về vũ khí mới ngăn chặn Nga, ông Carter đề cập tới pháo ray điện có tốc độ 7.250 km/giờ và Mỹ đang tiến hành hiện đại hóa đối với kho vũ khí hạt nhân, tiến hành đầu tư đối với máy bay không người lái, máy bay ném bom tầm xa, các vũ khí trang bị tác chiến điện tử như radar.
Hãng tin AP Mỹ ngày 7 tháng 11 bình luận cho rằng, đây là "bài phát biểu cứng rắn nhất" của ông Ashton B. Carter nhằm vào Nga cho đến nay.
Tuy nhiên, phát biểu của ông Carter cũng hoàn toàn không "cứng rắn đến cùng". Theo hãng tin AP Mỹ, ông ấy cho biết, Trung Quốc và Nga trở thành người không thể thiếu của cấu trúc an ninh thế giới.
Theo VOA Mỹ, ông Carter còn cho biết, Mỹ hy vọng bất cứ nước nào đều có cơ hội trỗi dậy, điều này có ích cho khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3 tháng 11 năm 2015 |
Ngoài ra, ông Carter tiết lộ, ông đã nhận lời mời, năm 2016 có kế hoạch thăm Trung Quốc, khi đó hai bên sẽ thảo luận các bất đồng giữa Trung-Mỹ và các vấn đề hợp tác trên các phương diện như chống cướp biển, cứu trợ nhân đạo và biến đổi khí hậu.
Trong thời gian gần đây, Mỹ thể hiện tư thế "can thiệp mạnh mẽ" trong vấn đề Biển Đông, đồng thời đã bị Trung Quốc "đáp trả cứng rắn". Tờ "Thời báo Tài chính" Anh ngày 8 tháng 11 cho rằng, Mỹ tuy đã tiến hành tuần tra Biển Đông, nhưng đã chọn phương thức "thách thức nhẹ nhất" đối với Trung Quốc, truyền đi "tín hiệu phức tạp" cho Trung Quốc.
Một trong những nguyên nhân của tình hình này là tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sắp tổ chức, Mỹ cần sự "hợp tác quan trọng" của Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters Anh, có quan chức Mỹ tiết lộ, khi đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tàu khu trục USS Lassen đã đóng radar điều khiển hỏa lực. Trong thời gian đi qua, Mỹ còn tránh các hành động quân sự như cất hạ cánh máy bay trực thăng, diễn tập quân sự.
Theo bài báo, có quan điểm cho rằng, tàu chiến Mỹ làm như vậy có thể gọi là "đi qua vô hại" và "gián tiếp thừa nhận yêu sách (bành trướng, bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông".
Ngày 3 tháng 11 năm 2015, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris hội kiến với Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long |
Tuy nhiên, tại Washington ngày 4 tháng 11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis cho biết, ở Biển Đông, tàu chiến Mỹ hoàn toàn không phải đi qua vô hại (innocent passage), mà là đi lại tự do (freedom of navigation) - PV.
Nhà nghiên cứu Chu Phong cũng cho rằng, hành vi của Mỹ hoàn toàn không phải "đi qua vô hại". Công ước Liên hợp quốc về Luật biển định nghĩa về "đi qua vô hại" có 3 phương diện:
Một là đi qua liên tục, không gián đoạn. Hai là không nên có bất cứ hành động nguy hiểm nào. Ba là không có có đồ thù địch rõ rệt đối với các nước ven biển.
Trong khi đó, theo Chu Phong, hành động của Mỹ rõ ràng có mục đích chính trị rõ rệt, có ý khoe khoang vũ lực. Nguyên nhân ở chỗ, Biển Đông lớn như vậy, nhưng lại cố ý đi qua ở khu vực lân cận đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, Mỹ tuyên bố muốn "đi vào 12 hải lý" đã vài tháng, "đi qua vô hại" không cần tiến hành "dọn đường" lâu như vậy.
Tờ "Thời báo Tài chính" Anh ngày 8 tháng 11 dẫn lời chuyên gia vấn đề an ninh White ở Đại học quốc lập Australia cũng có đồng quan điểm với Chu Phong: bảo vệ tự do hàng hải là danh nghĩa để Mỹ triển khai các hành động chiến lược. Mục tiêu cuối cùng của họ là đánh bại Trung Quốc ở trên biển, bảo đảm địa vị bá chủ đại dương.
Trung Quốc tiếp tục tiến hành bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông |