Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 9 tháng 11 đưa tin, trong một phiên điều trần, Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ tiết lộ, trước năm 2021, Hải quân Mỹ không có năng lực đồng thời triển khai “liên tục” tàu sân bay ở hai khu vực Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương.
Ba cụm chiến đấu tàu sân bay Hải quân Mỹ |
Đối với vấn đề này, nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Mike Conaway đưa ra đề án lập pháp để tăng số lượng tàu sân bay có thể tác chiến cho Hải quân Mỹ, đưa số lượng tàu sân bay từ 11 chiếc lên 12 chiếc.
Conaway chỉ ra: “Tàu sân bay USS John F. Kennedy có kế hoạch chế tạo xong vào năm 2023, khi đó, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục sở hữu 12 tàu sân bay có thể tác chiến. Số lượng tàu sân bay mà Quốc hội yêu cầu cần phù hợp với kế hoạch đã xác định của nhà máy đóng tàu để đạt được tiêu chuẩn tương lai”.
Nghị sĩ này cho rằng, từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, Hải quân Mỹ luôn dựa vào tàu sân bay để tiến hành hiện diện tuyến đầu và điều động vũ lực. Từ chiến tranh Triều Tiên đến năm 2000, Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ luôn nỗ lực duy trì một lực lượng hải quân 15 tàu sân bay.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 và tàu sân bay John C. Stennis của Hải quân Mỹ |
Nhưng, ngân sách không ngừng suy giảm buộc Hải quân Mỹ vào năm 1998 giảm số lượng tàu sân bay xuống còn 12 chiếc, đến năm 2007 giảm xuống còn 11 chiếc.
Sau đó, Quốc hội Mỹ đã đưa ra yêu cầu quy mô 11 tàu sân bay để ngăn chặn số lượng sẽ tiếp tục giảm đi trong tương lai.
Mike Conaway cho rằng, hiện nay, trong thời điểm thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực, sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở vịnh Péc-xích vẫn có “chỗ trống”. Trước đó, chủ nhiệm mua sắm Hải quân Mỹ Sean Stackley xác nhận, trước năm 2021, “chỗ trống” này sẽ tiếp tục tồn tại.
Tàu sân bay USS Carl Vinson CVN 70 của Hải quân Mỹ |