Sáng nay 12/9/2015, thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức Khai mạc Khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra an toàn thực phẩm cho cán bộ công chức, viên chức tuyến quận/huyện, xã/phường được chọn thí điểm tại TP. Hà Nội.
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Các hoạt động về chế biến, kinh doanh, lưu thông thực phẩm chủ yếu từ tuyến xã/phường, đây cũng là nơi cung ứng thực phẩm, nơi người dân tiếp cận với thực phẩm. Vì vậy việc thực hiện thanh tra, kiểm tra tốt ngay từ xã/phường sẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ gốc”.
Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu khai mạc khóa đào tạo (ảnh H.Lực) |
Tuy là thí điểm tuy nhiên GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng cần phải thực hiện nghiêm túc từ đầu bởi thời gian thực hiện thí điểm trong 12 tháng (từ 15/11/2015 – 15/11/2016). Sau thời gian thực hiện, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu sau khóa đào tạo thanh tra cấp quận/huyện, xã/phường được chọn thí điểm tại Hà Nội sẽ tập trung thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm. Bao gồm thanh tra cơ sở sản xuất, quy trình chế biến bảo quản… giảm thanh tra, kiểm tra thủ tục hành chính giấy phép.
“Đi sâu vào kiểm tra thanh tra chất lượng thực phẩm, giảm thanh, kiểm tra hành chính. Với các huyện, xã ngoại thành chú trọng kiểm tra sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, với quận/phường nội thành tập trung kiểm tra chất lượng thức ăn đường phố”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.
Điểm nổi bật trong thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm cấp quận/huyện, xã/phường là việc trao quyền cho đội ngũ cán bộ, đoàn thanh tra.
Cụ thể, TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Quyền của cán bộ thanh tra an toàn thực phẩm nói riêng và đoàn thanh tra an toàn thực phẩm cấp quận/ huyện, xã/phường khi thực hiện thí điểm theo Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ rất lớn. Đội ngũ thanh tra này sẽ được thực hiện đầy đủ quyền lực của 3 Bộ trong vấn đề thanh tra và xử lý vi phạm”.
Thông tin chất lượng thực phẩm không đảm bảo an toàn tràn lan khiến dư luận bức xúc. Ảnh minh họa. |
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, trước đây thanh tra, kiểm tra và xử lý an toàn thực phẩm được thực hiện riêng theo trách nhiệm quản lý ngành dọc. Ví dụ thanh tra ngành y tế kiểm tra an toàn thực phẩm với thực phẩm do Y tế quản lý, Công thương thanh tra theo quản lý của ngành Công thương, tương tự ngành Nông nghiệp sẽ thanh tra lĩnh vực nông nghiệp.
“Nhưng nay với cán bộ thanh tra, đội thanh tra sẽ được trao quyền thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tất cả lĩnh vực Y tế, công thương, nông nghiệp. Ngoài thanh tra theo đoàn, cán bộ thanh tra có quyền kiểm tra xử lý độc lập”, TS Phong cho biết.
Với thời gian tập huấn ngắn, nhằm hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thanh tra an toàn thực phẩm cấp xã/phường Cục An toàn thực phẩm và Sở Y tế Hà Nội sẽ thành lập các tổ công tác để hỗ trợ đoàn thanh tra địa phương trong thời gian đầu triển khai.
Được biết khóa đào tạo nghiệp vụ thanh tra an toàn thực phẩm sẽ diễn ra trong 10 ngày cho 123 cán bộ công chức viên chức được chọn từ 5 quận/huyện và 10 xã/phường được chọn thí điểm tại TP.Hà Nội.
Sau khi kết thúc đào tạo các học viên sẽ được cấp chứng chỉ và được cấp quyết định, quần áo đồng phục tiến hành thanh tra an toàn thực phẩm.